Ngày 18/20/2024, Bộ NN-PTNT phối hợp cùng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam phối hợp tổ chức Kỷ niệm Ngày Lương thực Thế giới (LTTG) lần thứ 44.
Nhân sự kiện này Bộ NN-PTNT đã công bố và triển khai Đề án thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiến hành Ký Thỏa thuận thành lập Đối tác chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm (LTTP) của Việt Nam; và Khởi động Chương trình chung của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam về “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cơ chế đối tác và tài chính cho chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm ở Việt Nam”.
Ngày Lương thực Thế giới năm 2024 với chủ đề “Quyền tiếp cận lương thực thực phẩm vì một cuộc sống và tương lai tốt đẹp hơn” là cơ hội để chia sẻ rộng rãi những cam kết toàn cầu đối với việc bảo đảm quyền tiếp cận LTTP phù hợp cho tất cả mọi người, thông qua các hệ thống LTTP được chuyển đổi bền vững và công bằng.
Ông Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam, cho biết quyền tiếp cận thực phẩm là một quyền cơ bản của con người, tương tự như đối với không khí và nước.
Nhân Ngày Lương thực Thế giới năm nay, ông Rémi Nono Womdim nhấn mạnh quyền tiếp cận lương thực thực phẩm vì một cuộc sống và tương lai tốt đẹp hơn, cũng như tầm quan trọng của đa dạng thực phẩm, bởi đây là điều cần thiết cho nguồn dinh dưỡng hợp lý, cũng như việc đảm bảo sự sẵn có của thực phẩm, khả năng tiếp cận và chi trả cho thực phẩm của tất cả.
Trên toàn cầu có khoảng 733 triệu người đang thiếu đói chủ yếu do xung đột, thời tiết cực đoan, bất bình đẳng và suy thoái kinh tế. Hơn 2,8 tỷ người không đủ khả năng chi trả cho một chế độ ăn uống lành mạnh.
Suy dinh dưỡng dưới nhiều hình thức khác nhau tồn tại ở tất cả các quốc gia và tầng lớp kinh tế xã hội. Tình trạng nghèo đói và giá thực phẩm tăng cao đang khiến nhiều người phải tìm đến các loại thực phẩm ít dinh dưỡng hơn hoặc rẻ hơn.
Tại Đông Nam Á năm 2022, 36,3% dân số không đủ khả năng chi trả cho một chế độ ăn uống lành mạnh. Tuy nhiên, Việt Nam có tỷ lệ dân số không có khả năng chi trả cho một chế độ ăn uống lành mạnh thấp hơn nhiều so với các nước láng giềng nhờ áp dụng các chính sách công trong ba thập kỷ qua. Ngoài ra, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia Đông Nam Á có chi phí thấp nhất cho một chế độ ăn uống lành mạnh, đó là 3,96 USD mỗi người mỗi ngày.
Các yếu tố về biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm vì nó thay đổi cách vi khuẩn, ký sinh trùng và hóa chất tương tác với thực phẩm của chúng ta cũng như tốc độ chúng phát triển và lây lan. Để đảm bảo hệ thống lương thực thực phẩm của chúng ta luôn dồi dào, giá cả phải chăng và bổ dưỡng, chúng ta phải chuyển đổi chúng một cách hiệu quả, toàn diện, linh hoạt và bền vững hơn.
Cũng trong buổi Lễ, Bộ NN-PTNT và tổ chức FAO tại Việt Nam đã cùng thông qua Thỏa thuận Đối tác Chuyển đổi Hệ thống Lương thực Thực phẩm Minh bạch, Trách nhiệm và Bền vững tại Việt Nam (Đối tác chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm tại Việt Nam).
Mục tiêu tổng thể của Đối tác chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm là hỗ trợ thực hiện các lộ trình quốc gia về chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm, qua đó góp phần vào an ninh lương thực quốc gia và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững quốc gia và toàn cầu vào năm 2030.
Để biến tầm nhìn này thành các hoạt động cụ thể, Chính phủ đã xây dựng và thông qua Lộ trình quốc gia về chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm, cụ thể là chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2022. Kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững tại Việt Nam đến năm 2030, Quyết định 300/QĐ-TTg ngày 28/3/2023.
Lộ trình Quốc gia thúc đẩy quyền tiếp cận thực phẩm thông qua các chính sách và chương trình về hệ thống lương thực thực phẩm để đảm bảo khả năng tiếp cận bình đẳng với đầy đủ, đa dạng các loại thực phẩm bổ dưỡng, an toàn và giá cả phải chăng cho tất cả người dân Việt Nam; tăng cường quan hệ đối tác công tư với các cơ chế trách nhiệm giải trình; và phát triển năng lực cần thiết để chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm đồng thời đạt được sự phát triển bền vững.
“Cam kết cùng nhau xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, bền vững hơn cho tất cả người dân Việt Nam. Tất cả chúng ta cần tham gia trong việc xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, nơi mọi người đều được đảm bảo quyền tiếp cận thực phẩm bằng cách loại bỏ sự bất bình đẳng, sự tham gia của những người ra quyết định, khả năng lựa chọn thực phẩm lành mạnh, ý thức giảm lãng phí thực phẩm, nỗ lực chăm sóc tài nguyên thiên nhiên và lòng trắc ẩn trong hành động của mỗi chúng ta”, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam, ông Rémi Nono Womdim cho biết.
Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm sẽ góp phần không chỉ xóa đói giảm nghèo, cải thiện dinh dưỡng và sinh kế của những người dễ bị tổn thương nhất, mà còn đảm bảo các hệ thống này hiệu quả, bao trùm, có khả năng phục hồi và bền vững hơn.
FAO sẽ giữ nguyên cam kết hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để cùng nhau chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm của Việt Nam. Từ đó, Việt Nam có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hướng tới các hệ thống lương thực thực phẩm hiệu quả hơn, bao trùm hơn và bền vững hơn, sản xuất tốt hơn, cải thiện dinh dưỡng tốt hơn, môi trường và chất lượng cuộc sống tốt hơn cho tất cả mọi người, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Nguồn: nongnghiep.vn