Theo thoả thuận hợp tác, hai bên sẽ xây dựng kế hoạch tập huấn cho cộng tác viên sàn thương mại điện tử nông sản B2B (Felix.store).
Thông qua tập huấn, cán bộ Hội Nông dân các cấp, hội viên nông dân, thành viên các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp, hội viên sản xuất kinh doanh trên địa bàn Ninh Thuận sẽ là cộng tác viên đắc lực giúp đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ hội viên, nông dân bán hàng trên sàn thương mại điện tử theo giao ước thi đua công tác Hội và phong trào nông dân năm 2025.
Qua đó, góp phần tăng giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, tiến tới xây dựng hình ảnh, thương hiệu sản phẩm nông sản của Ninh Thuận đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước.
Trong dịp này, Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận và Công ty CP Giải pháp Công nghệ Felix cũng ký kết bản ghi nhớ chương trình phối hợp về việc hỗ trợ hội viên, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp nông dân lên sàn thương mại điện tử nông sản B2B (Felix.store), kết nối giao thương, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, giai đoạn 2024-2028.
Việc ký kết nhằm mục đích đẩy mạnh phát triển, mở rộng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu các loại sản phẩm nông sản của tỉnh Ninh Thuận thông qua kênh thương mại điện tử.
Theo đó, Công ty CP Giải pháp Công nghệ Felix sẽ cử chuyên gia có chuyên môn, kinh nghiệm vận hành thực tế về thương mại điện tử để phối hợp tổ chức các chương trình hội thảo, tập huấn về thương mại điện tử cho hội viên, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp nông dân tại Ninh Thuận.
Cung cấp dịch vụ công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật trong xây dựng các kế hoạch chuyển đổi số thuộc lĩnh vực nông nghiệp gắn với phát triển thương mại điện tử của tỉnh. Cung cấp các chương trình, chính sách ưu đãi về chi phí dành cho hội viên sử dụng các sản phẩm dịch vụ của Felix.
Bên cạnh đó, hỗ trợ trực tiếp tạo tài khoản thương mại điện tử, gian hàng cho hội viên theo danh sách Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận cung cấp (thời gian thực hiện trong vòng 60 ngày).
Hàng năm, Công ty CP Giải pháp Công nghệ Felix sẽ tổ chức tập huấn online, offline hướng dẫn các đầu mối của Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận cách thức tạo tài khoản, tạo gian hàng cho hội viên, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp nông dân mua, bán online; cách thức đăng sản phẩm bao gồm: cách xử lý hình ảnh sản phẩm, giá sản phẩm (giá sỉ và giá lẻ), mức chiết khấu cho sàn, các loại giấy chứng nhận cơ sở, doanh nghiệp, giấy an toàn vệ sinh thực phẩm, mô tả sản phẩm, chính sách khuyến mãi…
Mục tiêu phấn đấu hàng năm là 5.000 tài khoản trở lên, trong đó mục tiêu bình quân mỗi xã, phường, thị trấn là từ 80 tài khoản và có ít nhất từ 1-2 nhà cung cấp sản phẩm lên sàn, bắt đầu thực hiện từ năm 2025.
Hiện nay, Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận có 49.850 hội viên, với 14.568 hội viên sản xuất kinh doanh giỏi các cấp đạt trong năm 2024, đây là đối tượng các cấp Hội trong tỉnh cần tập trung đẩy mạnh triển khai sau khi ký kết.
Nguồn: nongnghiep.vn