Làng hoa trăm tuổi bên dòng sông Tiền
Theo ông Nguyễn Nhất Thống, Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy,Trưởng Ban Tuyên Giáo Thành ủy Sa Đéc, đến nay, làng hoa Sa Đéc đã trải qua 5 thế hệ.
Thế hệ đầu tiên bắt đầu từ những người trồng hoa kiểng ở Sa Đéc cuối thế kỷ XIX đến năm 1930. Đây được coi là thế hệ tiền phong, khai mở cho làng nghề. Lúc này, hoa kiểng chỉ đáp ứng nhu cầu gia đình và cá nhân, chưa có điều kiện để bán khắp nơi.
Tuy nhiên, đã có những bậc tiền bối như ông Phạm Văn Nhạn, Võ Văn Phu, Trần Văn Dậu, Phạm Văn Xoài… định hình nghề trồng hoa kiểng, từ nhu cầu cá nhân mở rộng thành một ngành nghề đặc trưng của Sa Đéc.
Thế hệ thứ hai từ năm 1930 đến năm 1945. Giai đoạn đất nước có nhiều biến chuyển quan trọng, nhất là phong trào đấu tranh đòi dân chủ, dân sinh, dân quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, buộc Pháp phải nới lỏng chính sách cai trị.
Từ đó việc đi lại, giao thương hàng hóa thuận lợi. Khi ấy, hoa kiểng Sa Đéc cũng có điều kiện phát triển hơn, cũng từ đây nó được sánh vai với hoa kiểng xứ Cái Mơn (Bến Tre), Gò Vấp (Sài Gòn) và Đà Lạt mỗi dịp xuân về, tết đến xuân về.
Thế hệ thứ ba (1945-1975), đất nước chiến tranh với nhiều đau thương, mất mát. Nghề trồng hoa kiểng, làng hoa Sa Đéc cũng thăng trầm theo thời cuộc. Có người đã gác lại chuyện trồng hoa kiểng, tham gia kháng chiến, có người kiên cường bám trụ với ruộng hoa, vườn kiểng.
Trong những người kiên trung ấy phải kể đến ông Dương Hữu Tài, dân gian thường gọi Tư Tôn. Ông đã tìm mọi cách để duy trì vườn hoa của mình, sưu tầm những giống hoa mới, đặc biệt là hoa hồng. Để rồi tên tuổi của ông gắn bó với “Vườn hồng Tư Tôn”. Nơi đây đã trở thành một vườn ươm những giống hoa hồng mới cho Sa Đéc, cho Nam bộ và cả nước v.v..
Thế hệ thứ tư (1975-1990), đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế, thiên tai lũ lụt, chiến tranh biên giới đã làm cho đất nước đứng trước nhiều thử thách, nhiều mối lo toan hoa kiểng lúc bấy giờ có người xem như một thứ xa xỉ nhưng sau cùng, với sự đổi mới từ năm 1986, làng hoa Sa Đéc hồi sinh, vượt qua khó khăn và đóng góp vào sự phục hồi của làng nghề hoa kiểng.
Thế hệ thứ năm từ năm 1990 đến nay, hoa kiểng Sa Đéc đã đồng hành với sự phát triển của quê hương đất nước. Sản xuất ở đây đã không ngừng tăng trưởng, tạo được những lợi thế cạnh tranh, khơi dậy những tiềm năng và lợi thế vốn có từ những thế kỷ trước; ứng dụng những thành tựu của khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, lai giống, ghép cây, chiết cành,…
Tính đến năm 2023, diện tích hoa kiểng ở Sa Đéc trên 950ha, có hơn 4.000 hộ, với hàng chục ngàn người vun trồng, sản xuất, kinh doanh hoa kiểng, cung cấp sản phẩm quanh năm cho nhiều vùng trong cả nước và xuất khẩu sang một số nước.
Năm thế hệ đã đi qua hai thế kỷ vun trồng hoa kiểng, những tên đất – tên người như hòa quyện, từ Rạch Dầu, Thông Lưu, Sa Nhiên, Cai Dao, Ông Thung, Tứ Quý cho đến Tân Mỹ, Tân Huề, Tân Hiệp,…
Từ một vùng đất ven sông Tiền, trở thành một quê hương hiền hòa, trù phú cho đến xứ sở ngàn hoa vang danh cả nước. Sa Đéc đã sản sinh ra nhiều nghệ nhân vun trồng, chăm sóc, cắt tỉa, tạo dáng cho cây kiểng, bonsai, góp phần xây dựng, tô thắm nên bản sắc văn hóa Sa Đéc độc đáo, hun đúc nên những tố chất tài hoa lịch lãm của người Sa Đéc. Từ làng hoa đến thành phố hoa, năm thế hệ tiếp nối vun bồi để Sa Đéc mãi mãi đẹp cho người, cho đời, cho các thế hệ mai sau.
Nhiều hoạt động ý nghĩa tại Festival
Với chủ đề “Tình đất -– Tình hoa”, Festival Hoa – Kiểng Sa Đéc lần thứ I năm 2023 sẽ diễn ra trong 7 ngày từ ngày 30/12/2023 – 5/1/2024.
Trong khuôn khổ sự kiện này, nhiều hoạt động văn hóa, du lịch ấn tượng sẽ được tổ chức gồm: Hội thi trang trí Cổng hoa, Đường hoa, Vườn hoa công sở đẹp; Không gian hoa, kiểng; Trưng bày, triển lãm sản phẩm hoa kiểng trong nước và quốc tế; sản phẩm OCOP của các huyện, thành phố trong tỉnh Đồng Tháp; Tôn vinh Người trồng hoa, kiểng Sa Đéc; Hội thảo Nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng Hoa, Kiểng; Hội nghị Kết nối giao thương các sản phẩm Hoa, Kiểng; Hội thi Thời trang hoa với chủ đề: “Sắc hoa bên dòng Sa Giang”; Lễ khai mạc, bế mạc Festival Hoa – Kiểng Sa Đéc.
Ngoài các hoạt động chính, còn có các hoạt động hưởng ứng như Hội thi ảnh đẹp “Tình đất – Tình hoa”; Hội thi “Tìm hiểu lịch sử hình thành làng hoa, kiểng Sa Đéc”; Phiên chợ hoa kiểng; Không gian Triển lãm ảnh “Sa Đéc xưa và nay”; Trang trí hoa đăng; Triển lãm sinh vật cảnh Đồng bằng sông Cửu Long; Hội thi ẩm thực (các món ăn chế biến từ Bột Sa Đéc và kết hợp trang trí từ hoa Sa Đéc).
Chương trình tour du lịch trải nghiệm; Show diễn nghệ thuật “Cải lương trăm năm nguồn cội bên dòng Sa Giang”; giao lưu với các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long về Nghệ thuật Đờn ca tài tử, Dân ca, Hò Đồng Tháp; Đêm hội hóa trang các loài hoa – Lễ hội đường phố; Ngày hội khinh khí cầu; MAPPING hoa nghệ thuật; Đêm nhạc COUNTDOWN đón chào năm mới – 2024; Không gian ẩm thực Sa Đéc.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, Trưởng Ban tổ chức Festival cho biết: Tỉnh Đồng Tháp là vùng đất nổi tiếng với những di tích lịch sử, văn hóa có giá trị cùng nghệ thuật ẩm thực độc đáo… và đặc biệt là làng hoa kiểng Sa Đéc, thủ phủ hoa của miền Tây, được khởi nguyên là Làng hoa Tân Quy Đông với những nét đặc trưng khác biệt không nơi nào có được; nhiều loài hoa khoe sắc, người nông dân cần mẫn chuyên nghiệp, tài hoa. Họ là những nghệ nhân góp phần tạo nên giá trị cho làng hoa Sa Đéc.
Sự kiện nhằm tôn vinh làng hoa trăm năm tuổi, phát huy các giá trị kinh tế – văn hóa của hoa kiểng gắn với phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh địa phương, vừa định hướng phát triển TP. Sa Đéc trong thời gian tới.
Nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng hoa kiểng kết hợp với phát triển du lịch, tạo điều kiện để mọi người dân đều được thụ hưởng lợi ích từ làng hoa, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh làng hoa Sa Đéc, tạo thêm điểm nhấn, sức hút với du khách.
Qua sự kiện Festival Hoa – Kiểng Sa Đéc lần thứ I năm 2023, Đồng Tháp muốn giới thiệu với du khách hình ảnh vùng đất Sen Hồng nghĩa tình, năng động, sáng tạo với những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống – một điểm đến an toàn và thân thiện.
Để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, UBND TP. Sa Đéc đã đầu tư xây dựng, cải tạo quảng trường TP. Sa Đéc diện tích hơn 7ha, tổng mức đầu tư gần 140 tỷ đồng.
Được biết, đây là nơi thường xuyên tổ chức các sự kiện văn hóa chính trị lớn của tỉnh và thành phố, hằng năm đón hàng trăm ngàn lượt du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan.
Quảng trường sẽ có 20 cụm tiểu cảnh, mô hình trang trí hoa kiểng để du khách tham quan, chụp ảnh, 13 công trình đèn trang trí đang được thi công và sẽ sớm hoàn thành để phục vụ cho Festival.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, Phạm Thiện Nghĩa đến kiểm tra tại Quảng trường TP. Sa Đéc – địa điểm chính diễn ra các hoạt động của lễ hội. Ông Phạm Thiện Nghĩa mong muốn, các chủ điểm tham quan cần đa dạng sản phẩm, dịch vụ cho du khách, tạo điểm nhấn và ấn tượng cho du khách khi đến tham quan.
Theo báo cáo của lãnh đạo UBND TP. Sa Đéc, tiến độ các phần việc tại Quảng trường đến nay đảm bảo cho ngày diễn ra khai mạc lễ hội. Hiện các đơn vị thi công đang gấp rút chuẩn bị cho đêm khai mạc thành công tốt đẹp.
Lễ hội Festival Hoa – Kiểng Sa Đéc lần thứ I năm 2023 được đồng hành và hỗ trợ bởi một số đơn vị uy tín. Trong đó:
– Nhà tài trợ kim cương: Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Đồng Tháp (BIDV).
– Nhà tài trợ bạc: Công ty TNHH Tỷ Thạc; Công ty Cổ phần Cấp nước & Môi trường Đô thị Đồng Tháp.
– Nhà tài trợ đồng: Công ty Cổ phần Thực phẩm Bích Chi; Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang; Công ty Cổ phần Xây lắp và VLXD Đồng Tháp; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Chi nhánh TP. Sa Đéc (AGRIBANK).
Các công ty, doanh nghiệp tài trợ đã đóng góp quan trọng để tạo nên một Festival Hoa – Kiểng Sa Đéc thành công, đồng thời làm phong phú thêm không khí lễ hội và đem lại trải nghiệm tuyệt vời cho cộng đồng và du khách tham gia.
Nguồn: nongnghiep.vn