Tham dự lễ khai mạc chiều ngày 27/12, có bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn; ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ngành, địa phương.
Trong thời gian diễn ra Tuần lễ du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2024, “Sự kiện giới thiệu Sản phẩm OCOP gắn với Làng nghề truyền thống tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2024” được tổ chức ấn tượng với quy mô gần 100 gian hàng bao gồm: Sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nông sản, đặc sản truyền thống địa phương của các tổ chức, cá nhân, HTX, Doanh nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu và 51 đơn vị tham gia từ 31 tỉnh thành của ba miền Bắc – Trung – Nam được quảng bá, trưng bày tại sự kiện.
Đặc biệt, tại “Sự kiện giới thiệu Sản phẩm OCOP gắn với Làng nghề truyền thống tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2024” có sự góp mặt của các làng nghề truyền thống tiêu biểu của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, bao gồm: Làng nghề truyền thống bánh hỏi An Nhứt, Làng nghề truyền thống bánh tráng An Ngãi, Làng nghề truyền thống sản xuất muối Long Điền (huyện Long Điền); Nghề truyền thống Bún Long Kiên, Nghề truyền thống nấu rượu Hòa Long (Thành phố Bà Rịa); Nghề truyền thống sò ốc mỹ nghệ Thành phố Vũng Tàu. Đây là những nghề truyền thống đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và đời sống của cộng đồng dân cư, góp phần phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Phát biểu tại Lễ khai mạc “Sự kiện giới thiệu Sản phẩm OCOP gắn với Làng nghề truyền thống tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2024” diễn ra chiều 27/12, ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhấn mạnh: Mục đích của sự kiện là để các địa phương, đơn vị giới thiệu sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường, xây dựng quảng bá thương hiệu, phối hợp liên kết trong các hoạt động sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tạo không khí ngày hội, phục vụ nhu cầu mua sắm, vui chơi, giải trí của nhân dân. Đồng thời thông qua hoạt động trưng bày sẽ giúp người dân, cán bộ, công nhân viên chức hiểu đầy đủ hơn về các sản phẩm OCOP. Từ đó, phát động phong trào thi đua, hỗ trợ lẫn nhau phát triển sản xuất, kinh doanh ngày càng hiệu quả, chất lượng hơn, đặc biệt liên kết chuỗi sản sản phẩm hàng hóa đa dạng về chủng loại và đảm bảo sản lượng để đưa các sản phẩm OCOP tiến xa hơn trên thị trường.
Tính đến cuối năm 2024, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 153 sản phẩm của 82 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên (84 sản phẩm 4 sao, 69 sản phẩm 3 sao).
“Với sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh, các sở ngành, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã có bước tiến đáng kể cả về quy mô và giá trị sản xuất hàng hóa, giúp nông dân làm giàu; góp phần đưa nền kinh tế nông nghiệp của Bà Rịa – Vũng Tàu phát triển theo hướng hiện đại, bền vững”, ông Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh.
Các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đều chú trọng sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn ISO, VietGAP, vệ sinh an toàn thực phẩm; đạt chứng nhận HACCP, chứng nhận VietGAP, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tập trung phát triển vùng nguyên liệu đầu vào tại địa phương và được kiểm nghiệm đánh giá từ quy trình trồng, thu hoạch, sản xuất bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy chuẩn; có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác.
Sản phẩm OCOP Bà Rịa – Vũng Tàu đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường và được người tiêu dùng tín nhiệm thông qua việc được giới thiệu kinh doanh trên các trang mạng thương mại điện tử và các chuỗi cửa hàng siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh, không chỉ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước mà còn vươn tầm xuất khẩu. Ngoài ra có các các sản phẩm chế biến sâu như: Cà phê, ChocoLate, Hạt điều, Mật ong, Hải sản, Nước mắm, Mắm nêm, các sản phẩm có nguồn gốc từ sữa… Đến nay một số sản phẩm đã vào được hệ thống các chuỗi cung ứng như: BigC, MM Mega Market, Lotte, Bách hóa xanh, Aeon, cửa hàng thực phẩm, bách hóa. Một số sản phẩm OCOP chế biến từ nông sản đã tìm được thị trường xuất khẩu ổn định như cà phê Nón lá, khô cá đù bạc thơm, khô cá chét thơm, khô cá đù vàng thơm, khô cá sóc thơm, tiêu không hạt, tiêu một nắng…
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã xây dựng 6 điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP (3 điểm tại huyện Châu Đức, 2 điểm tại huyện Long Điền và 1 điểm tại Sở NN-PTNT).
Để thúc đẩy Chương trình OCOP, ngành chức năng và các địa phương trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tích cực triển khai, hỗ trợ các chủ thể xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thông qua việc thành lập các cửa hàng, nhà trưng bày sản phẩm OCOP; tham gia các Hội chợ triển lãm trong nước như: Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế AgroViet; Hội chợ Làng nghề Việt Nam; Hội chợ Xúc tiến thương mại nông nghiệp và sản phẩm OCOP… Thông qua các đợt Hội chợ, những sản phẩm OCOP của tỉnh dần tự khẳng định chất lượng và phát triển theo hướng bền vững, từng bước tạo được niềm tin với người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu còn chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức xây dựng video clip, tin bài quảng bá và phát sóng trên truyền hình hoặc đăng trên các trang báo, tạp chí của tỉnh; xây dựng cơ sở dữ liệu trên Website OCOP; tham gia các hội chợ, hội thảo, sự kiện kết nối cung cầu sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ các đơn vị xây dựng sản phẩm OCOP mang tính đặc thù riêng biệt của tỉnh, nhất là những sản phẩm đủ lớn, có khả năng xuất khẩu và quyết định thị trường.
Về phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP, ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với địa phương và các đơn vị liên quan hỗ trợ, hướng dẫn cho các chủ thể OCOP đăng ký gian hàng trên sàn thương mại điện tử buudien.vn. Kết quả đến nay đã có 153/153 sản phẩm OCOP của tỉnh đã được đăng ký gian hàng. Ngoài ra, một số chủ thể OCOP đã chủ động liên hệ và lập cửa hàng trên các sàn thương mại điện tử khác như: Lazada, Tiktok Shop, Tiki, Shopee…
Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các chủ thể đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, chú trọng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm; quy hoạch vùng nguyên liệu sản phẩm OCOP phù hợp; xây dựng mã số vùng trồng, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình OCOP; trong đó có việc xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; phát triển thương mại điện tử… nhằm đưa sản phẩm OCOP Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành hàng hóa có thương hiệu, chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường.
“Ngoài ra, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ tổ chức, tham gia các hội nghị, diễn đàn, sự kiện kết nối, hội chợ xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế nhằm quảng bá sản phẩm và huy động các nguồn lực thực hiện Chương trình OCOP; tổ chức đoàn xúc tiến thương mại, khảo sát thị trường, gặp gỡ, tham quan, chào hàng các sản phẩm OCOP và kết nối tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước”, ông Nguyễn Công Vinh khẳng định.
Nguồn: nongnghiep.vn