Thương hiệu gạo Việt Nam 2 lần xuất khẩu thành công sang Nhật Bản
Với sự hỗ trợ tích cực từ Ngân hàng Kiraboshi và bộ phận Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, Tập đoàn Tân Long đã thành công trong việc xuất khẩu gạo Japonica chất lượng cao mang thương hiệu AAN vào thị trường Nhật Bản.
Sự kiện công bố vừa diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản dưới sự chứng kiến của đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Lãnh đạo Ngân hàng Kiraboshi (đơn vị kết nối doanh nghiệp), Công ty Suntomi International (đơn vị nhập khẩu), Công ty Tokairin và Spice House (đơn vị phân phối), Lãnh đạo Tập đoàn Tân Long cùng các cơ quan báo chí hai nước.
Tháng 6/2022, gạo AAN lần đầu tiên xuất khẩu thành công dòng ST25 sang Nhật Bản, ngay sau đó tiếp tục được sử dụng làm nguyên liệu chính trong món cơm chiên phục vụ các cán bộ tại Văn phòng Nội các tại đây.
Đại diện các bên chia sẻ, Nhật Bản là thị trường giàu tiềm năng về tiêu thụ gạo chất lượng cao bởi dân số đông, trong đó cộng đồng người Việt Nam chiếm hơn 550.000 dân và trở thành một trong những cộng đồng người nước ngoài lớn nhất tại quốc gia này.
Do đó, uy tín về mặt chất lượng và sự cộng hưởng về thị trường đã trở thành tiền đề vững chắc giúp AAN luôn nỗ lực duy trì và cải tiến quy trình sản xuất, tiếp nối hoạt động xuất khẩu thêm nhiều dòng gạo khác vào quốc gia này.
Đến tháng 10/2024, AAN đã tiếp tục thành công đưa dòng gạo Japonica vào Nhật Bản. Sự kiện này khẳng định vị thế của gạo AAN khi là thương hiệu gạo Việt Nam duy nhất vượt qua những tiêu chuẩn kiểm định tại một trong những thị trường khắt khe nhất thế giới, góp phần nâng cao giá trị nông sản Việt Nam trên trường quốc tế.
Ông Nguyễn Đức Minh, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cho hay: “Năm 2022 sản phẩm ST25 thương hiệu AAN được bày bán tại siêu thị Nhật Bản, đánh dấu lần đầu tiên kể từ khi tham gia xuất khẩu gạo từ năm 1989, một sản phẩm gạo mang thương hiệu Việt Nam chinh phục thành công một trong những thị trường tiêu dùng khó nhất thế giới”.
“Và hôm nay, việc ra mắt dòng Gạo Japonica – AAN tiếp tục khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản quốc gia, tự tin chinh phục những thị trường khó tính trên thế giới”, ông Minh nói thêm.
Chuỗi giá trị lúa gạo khép kín “từ cánh đồng đến bàn ăn”
Hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh lúa gạo, Tập đoàn Tân Long ngày càng hoàn thiện chuỗi giá trị lúa gạo “từ cánh đồng đến bàn ăn”.
Hiện nay, Tập đoàn đang mở rộng vùng nguyên liệu lúa gạo thông qua hoạt động liên kết sản xuất với các hợp tác xã, nông dân tại ĐBSCL – khu vực đóng góp đến 90% sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Tân Long hỗ trợ nông dân về phương thức và kỹ thuật canh tác, thu mua lúa cho người dân, từ đó đảm bảo được nguồn cung lúa đầu vào ổn định và kiểm soát chất lượng.
Trong hoạt động sản xuất, Tập đoàn Tân Long đang vận hành 5 nhà máy gạo với hệ thống dây chuyền, máy móc hiện đại, giúp những túi gạo AAN vừa đảm bảo các tiêu chuẩn về kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vừa giữ được hương thơm, độ dẻo, vị ngọt tự nhiên của những giống gạo đặc sản.
Kể từ năm 2022, Tập đoàn Tân Long cũng bắt đầu đưa vào hoạt động Nhà máy Gạo Hạnh Phúc tại tỉnh An Giang. Đây cũng chính là Nhà máy gạo có quy mô hoạt động lớn nhất và ứng dụng công nghệ sấy trữ – xay xát – chế biến lúa gạo hiện đại bậc nhất Việt Nam hiện nay.
Không chỉ chú trọng vào dòng gạo chất lượng cao, kiểm soát chặt chẽ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để phục vụ người tiêu dùng nội địa và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, Tập đoàn Tân Long còn chú trọng đến các mô hình canh tác giảm phát thải, giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập cho người trồng lúa. Điều này được hiện thực hóa thông qua ký kết giữa Tập đoàn Tân Long và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) để nhận tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật về phát triển chuỗi cung ứng lúa gạo an toàn, phát thải thấp, chất lượng cao và bền vững.
Đến đầu năm 2024, Tân Long là một trong 10 doanh nghiệp điển hình tại Việt Nam được lựa chọn để thực hiện liên kết với các hợp tác xã và nông dân trong Dự án “Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tại khu vực ĐBSCL – TRVC”. Dự án do Đại sứ quán Úc tại Việt Nam tài trợ, Tổ chức Phát triển Hà Lan phối hợp Bộ NN-PTNT và các địa phương thực hiện trong giai đoạn 2023 – 2027.
Điều này giúp Tập đoàn Tân Long, thương hiệu Gạo AAN tiệm cận với xu thế tiêu thụ nông sản của thế giới, khi không chỉ đảm bảo tăng tính cạnh tranh bằng chất lượng, mà còn hướng đến phát triển xanh và bền vững; phục vụ người tiêu dùng Việt Nam và người tiêu dùng thế giới bằng những tiêu chuẩn chất lượng tốt toàn cầu.
Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Tập đoàn Tân Long nhấn mạnh: “Không gì là không thể nếu quyết tâm, kiên trì đi cùng với kiểm soát chất lượng chặt chẽ, chắc chắn gạo Việt Nam sẽ nâng cao giá trị và đủ tiêu chuẩn đến với nhiều thị trường trên thế giới”
“Trong thời gian tới, Tân Long phấn đấu không chỉ dừng lại ở ST25, Japonica mà còn nhiều dòng gạo khác mang thương hiệu AAN – thương hiệu nội địa Việt Nam sẽ từng bước chính phục những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu”, Chủ tịch Tập đoàn Tân Long cho biết thêm.
Nguồn: nongnghiep.vn