Từ lúc các địa phương trong tỉnh Quảng Bình thực hiện việc giải thể, sáp nhập cơ quan thú y cơ sở (cấp huyện, thành phố) vào Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, nhiệm vụ kiểm soát việc giết mổ gia súc lại lâm vào cảnh người được làm thì không có quân, người có quân quy định không cho phép.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình, hiện trên địa bàn có 511 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Trong đó có 6 cơ sở giết mổ tập trung. Những cơ sở này có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp. Tuy nhiên, trong 6 cơ sở này đang có 4 cơ sở hoạt động và 2 cơ sở tạm dừng giết mổ.
Quảng Bình hiện có khá nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Ông Nguyễn Văn Kỳ, cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình cho biết, toàn tỉnh có 505 cơ sở nhỏ lẻ. Trong đó, 35 cơ sở giết mổ trâu, bò và 428 cơ sở lợn và 42 cơ sở gia cầm. Các cơ sở giết mổ gia cầm hầu như không được đầu tư xây dựng và hoạt động không được cấp phép.
Do việc cơ quan thú y cơ sở bị giải thể, sáp nhập nên việc kiểm sdoats giết mổ tập trung vào lực lượng thú y cấp tỉnh. Theo ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình, do lực lượng mỏng nên thú y cấp tỉnh chỉ đảm nhận được phần nào nhiệm vụ này. “Chúng tôi chỉ có thể tập trung kiểm soát trên địa bàn thành phố Đồng Hới. Việc kiểm soát giết mổ tại các địa phương được giao cho Trung tâm dịch vụ nông nghiệp”. Ông Tám cho hay.
Công tác kiểm soát giết mổ được giao cho các Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp cấp huyện. Tuy nhiên, việc này đã gặp khó. Ông Lê Thế Triển, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Ninh cho chúng tôi hay, lực lượng của trung tâm có thể đảm đương được nhiệm vụ này.
“Được UBND huyện giao nhiệm vụ này vì có Trạm Thú y sáp nhập vào. Nhưng Trung tâm là đơn vị làm dịch vụ và không có chức năng quản lý, kiểm soát hoạt động giết mổ trên địa bàn. Chúng tôi hiểu là không thể buông lỏng việc kiểm soát. Những anh em đi làm nhiệm vụ cũng rất lo lắng vì sợ bị sai”. Ông Triển chia sẻ.
Tiện đường, chúng tôi ghé vào chợ Hôm (xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh). Dù là chợ họp vào buổi chiểu, nhưng có đến hơn chục gian hàng bán thịt lợn và đông người mua kẻ bán.
Quầy bán của bà Nguyễn Thị Dung đang hồi có mấy người mua. Vừa bán cho khách bà vừa hay chuyện, mỗi ngày cũng bán được khoảng 50 ký xương thịt.
Khi hỏi về việc cán bộ thú y kiểm tra sản phẩm lợn ở chợ, bà Dung bảo, trước có cán bộ mang sắc phục kiểm tra, đóng dấu. Nay thì có cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp đến làm công việc này. “Họ cũng không có sắc phục gì và chỉ đến nhấn dấu vào. Chúng tôi đóng lệ phí 20.000 đồng cho mỗi lần đóng dấu”. Bà Dung cho hay.
Sự thay đổi kiểm soát giết mổ từ cơ quan quản lý nhà nước sang cơ sở dịch vụ cũng đã tác động đến ý thức chấp hành của các sơ sở còn hạn chế. Ngoài ra, giá vật nuôi biến động ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân khiến việc giết mổ bị trì trệ, cơ sở khó tìm được đầu mối tiêu thụ nên đã có 2 cơ sở ngừng hoạt động.
Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình, mức độ kiểm soát giết mổ trung bình toàn tỉnh chỉ đạt đạt 60%. Một số địa phương đạt thấp chỉ 10 – 20%.
Thành phố Đồng Hới là địa phương có tỷ lệ kiểm soát giết mổ động vật cao nhất trong tỉnh. Nhiệm vụ này được giao cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố đảm nhận. Từ 3 giờ sang, cán bộ của Trung tâm đã có mặt tại các lò mổ tập trung để thực hiện nhiệm vụ.
Ông Cao Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thành phố chia sẻ: “Trách nhiệm giao nên anh em cố gắng hoàn thành. Tuy nhiên, làm nhiệm vụ trong khi văn bản pháp luật chưa quy định thì cũng tâm lý vừa làm vừa lo”.
Nhằm góp phần bình ổn giá thịt lợn trên thị trường và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đã cùng các huyện, thị xã, thành phố Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn rà soát, tổ chức thực hiện ký cam kết đối với các cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ. Phối hợp các cơ quan có thẩm quyền quản lý, tổ chức thực hiện đưa các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vào giết mổ tập trung đảm bảo yêu cầu theo quy định
“Do vậy, Chi cục phải tăng cường chỉ đạo kiểm tra các địa phương nhằm quản lý chặt chẽ hơn các lò mổ tư nhân này để hạn chế tối đa việc phát sinh và lây lan dịch bệnh cho đàn vật nuôi”. Ông Tám nói thêm.
Nguồn: nongnghiep.vn