Quen việc… tổng hợp các loại mùi
Nghề thu gom, phân loại, tái chế rác nhựa góp phần làm sạch môi trường. Tuy nhiên, chính môi trường sống của họ – những người dân ở thôn Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) lại đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Những bãi tập kết phế liệu cách khu dân cư chỉ vài bước chân, chất bẩn trong nhựa rỉ ra, ngấm xuống đất, nước rửa nhựa xả trực tiếp ra kênh, ra sông, hoạt động đốt trộm rác thải… đang ngày ngày “bào mòn” môi trường sống của họ.
Rác nhựa được phân loại ở đây bao gồm cả những vỏ cốc trà sữa hay những thức ăn uống còn thừa, lâu ngày bốc mùi khó chịu. Thậm chí, những vỏ chai hóa chất cũng được tập kết về làng này. Đối mặt với “tử thần” rình rập, nhưng người lao động trong thôn chỉ dùng những chiếc khẩu trang và đôi găng tay vải. Thậm chí, khẩu trang cũng không dùng.
Không chỉ có nhựa vô cơ mà tại đây còn xuất hiện nhiều sản phẩm y tế như túi đựng máu, ống dẫn, bao bì, tấm nhựa và các thiết bị y tế như băng keo y tế, găng tay y tế… Theo quy định, những loại rác thải y tế này phải được các tổ chức có chuyên môn thu gom và xử lý theo quy trình, nhưng bằng cách nào đó chúng lại xuất hiện ở “thủ phủ phế liệu” này. Điều này đã dấy lên những câu hỏi về nguy cơ lây nhiễm các loại bệnh tật.
Chìm trong ô nhiễm
Đất, nước thậm chí là cả không khí tại “thủ phủ phế liệu” này đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề từ hoạt động phân loại và tái chế rác thải. Theo lời người dân trong làng, trước đây khi chưa làm nhựa, họ vẫn duy trì các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi nhưng từ khi làm nhựa thì đất và nước đều nhiễm chất bẩn.
Nước thải từ hoạt động rửa nhựa, nghiền nhựa được xả trực tiếp ra môi trường, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. Một số người do e ngại việc nhiễm độc từ nguồn nước, đã chuyển sang dùng nước máy, thậm chí là cả nước mưa để làm nước sinh hoạt chính.
Những hộ gia đình nghiền nhựa phải rửa sạch nhựa trước khi nghiền. Và liệu nước thải từ hoạt động rửa nhựa này sẽ được xử lý như thế nào, đi đâu, về đâu? Câu trả lời chúng tôi nhận được từ một người hành nghề là: “Xả thẳng ra sông, ra kênh thôi”.
Chị Nguyễn Thị Ước (49 tuổi, nhân công phân loại, nghiền nhựa) cho biết: “Xử lý nước thải nữa thì lấy đâu ra tiền, tốn kém lắm nên cứ xả thẳng ra sông, ra kênh thôi… Mà cả làng cả tổng người ta xả ra chứ có phải 1, 2 nhà đâu mà quản lý được…”. Giờ đây con kênh Bắc Quảng Hoa biến thành con kênh chứa nước thải trực tiếp từ các hộ gia đình nghiền nhựa. Và không chỉ có con kênh này, những con kênh chạy dọc ruộng lúa cũng luôn trong tình trạng đen ngòm.
Nhiều hộ gia đình ở đây đã chuyển hẳn sang làm nhựa mà không hoạt động trồng trọt hay chăn nuôi nữa, một phần do không có thời gian, phần còn lại là do nguồn nước, đất đã bị ô nhiễm, rất khó để canh tác. Bà M kể: “Ngày xưa, hồi chưa làm nhựa thì còn thấy đồng lúa thẳng cánh cò bay, nước kênh còn trong, chứ bây giờ thì nước kênh đen ngòm thì còn trồng trọt gì nữa…”.
Trong khâu phân loại nhựa, nhiều hộ gia đình phải bóc bỏ nhãn mác để có thể bán cho những hộ nghiền nhựa khác. Và rồi những nhãn mác đó sẽ đi đâu, khi hết giá trị sử dụng?
Một số khu vực đồng ruộng được tận dụng để chứa “rác từ phế liệu”. Nhãn mác bị bóc ra từ những chai nhựa được tập kết ở một khu vực ruộng lúa cũ. Và đây cũng là nơi tập kết “rác từ rác”, bà con không thể canh tác.
Chị Ước cho biết: “Rác thì mình tập kết ra đấy, có công ty người ta đến mang đi chứ có đốt đâu…”. Trên thực tế, đã xuất hiện một số trường hợp đốt trộm “rác từ phế liệu”. Theo bà Nguyễn Thị Thung (65 tuổi), do rác quá nhiều, đến mức nhiều khu vực không đủ sức chứa, nên một vài hộ gia đình quyết định đốt, để tiết kiệm diện tích. Tuy nhiên, điều này lại vô tình gây ra tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Mùi khét từ những hộ làm nhựa tập trung ở đầu làng len lỏi vào trong làng mỗi tối.
Bà M cho biết: “Đêm đến, đóng kín cửa rồi, vẫn thấy mùi khét lẹt, có những đêm còn không thở nổi… thế nên là mất ngủ mai có đi làm được đâu”. Không chỉ riêng bà M mà hầu hết những người dân ở đây đều bày tỏ thái độ bất mãn với hành vi đốt rác thải này.
Không chỉ riêng bà M, mà bà Nguyễn Thị Lan (bán tạp hoá) cách khu làm nhựa khoảng 1,5 – 2km cũng thường xuyên phải “chịu đựng” mùi khét lẹt này vì nhà “thuận chiều gió”. Liệu “rác từ phế liệu” có đang tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh cho những người dân ở đây hay không?
Ẩn họa khôn lường
Lẫn trong những đống nhựa mà bà M phải phân loại mỗi ngày, là những kim tiêm y tế, còn nguyên máu, thậm chí có những chiếc đã bị mất nắp tiềm ẩn những nguy cơ mắc phải những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Bà M cho biết: “Làm nghề thì tránh làm sao được, kim đâm vào thì bóp bỏ cái máu đấy đi, lúc nào ra máu tươi là được. Bóp đi cho nó đỡ nhức rồi làm tiếp, chứ không làm thì lấy gì mà ăn…”.
Với nhiều lần “vô tình” bị kim đâm vào tay nhưng không đến các cơ quan chuyên môn để xét nghiệm, bà M đã vô tình làm tăng nguy cơ mắc các bệnh xã hội nguy hiểm như HIV, viêm gan BC, viêm gan C…Nhưng đến nay bà M khi làm việc vẫn chỉ trang bị những chiếc găng tay bằng vải hết sức thô sơ vì suy nghĩ: “Hoạ hoằn lắm thì mới nắm vào thôi…”.
Khi được hỏi có sợ nhiễm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm không? Bà M vui vẻ đáp: “Sống chết có số, trời thương thì cho sống chứ người tôi đầy bệnh, mấy chục năm nay rồi vẫn sống đấy thây, thêm bệnh thì thêm tiền thôi…”.
Có thể nói bà M đang đánh cược sức khỏe thậm chí là cả sinh mạng của mình với tử thần để đổi lấy nguồn sống trị giá 1.000đ/1kg nhựa. U tuyến giáp, cột sống, đau lưng…và rất nhiều căn bệnh khác, thật khó thể trở thành rào cản ngăn bà M lao động. Bởi nếu không làm bà M sẽ không thể trang trải tiền thuốc men và sinh hoạt phí hàng ngày.
Theo TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên (Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai): “Bản thân rác nhựa, nilon khi cháy nóng bốc hơi lên, phát sinh ra chất mới, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, từ nhiễm độc đến mắc các bệnh truyền nhiễm…”. Bác sĩ chia sẻ thêm trong quá trình làm việc đã gặp nhiều bệnh nhân nhiễm độc từ hoạt động tái chế nhựa, tái sử dụng các chất từ nhựa như nhiễm thiếc, asen, nhiễm chì…từ đó tiềm ẩn nguy cơ mắc những căn bệnh nguy hiểm.
Ngoài ra, các chất bốc lên từ hoạt động đốt trộm nhãn mác, nilon, nhựa thừa cũng là một trong số những tác nhân gây bệnh nguy hiểm.
Nguồn: nongnghiep.vn