Thị trường nhiều tiềm năng
Theo Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương), châu Phi là một thị trường xuất khẩu gạo quan trọng của Việt Nam. Trong giai đoạn 2017-2021, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang châu Phi có sự tăng trưởng tích cực, từ 411 triệu USD năm 2017 lên 692,6 triệu USD năm 2021. Gạo thường chiếm khoảng 15-20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi.
Tuy nhiên, năm 2022 kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang châu Phi lại giảm 10,5% so với năm 2021 khi chỉ đạt 620 triệu USD (tương đương 16% trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang châu lục này).
Nguyên nhân chủ yếu của sự sụt giảm này là do nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên ở nhiều nơi trên thế giới trước những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu đã đẩy giá gạo lên cao, khiến một số nước trong khu vực châu Phi phải cắt giảm nhập khẩu gạo. Ngoài ra, dịch bệnh Covid-19 cũng khiến cho nhập khẩu gạo của châu Phi sụt giảm đáng kể vì nguồn cung gạo thế giới bị gián đoạn, các quốc gia xuất khẩu gạo cắt giảm xuất khẩu để đảm bảo an ninh lương thực.
Sang năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam sang châu Phi đã tăng trưởng trở lại khi đạt 1,3 triệu tấn, trị giá 788 triệu USD, tăng 6,3% về lượng và 27,7% về trị giá so với năm 2022
Trong những năm qua, một số quốc gia châu Phi đã đẩy mạnh sản xuất lúa gạo nhằm tăng dự trữ và đáp ứng nhu cầu trong nước nhưng việc này rất khó khăn do những vấn đề tài chính và kỹ thuật canh tác… Sự gia tăng dân số, lượng khách du lịch và lực lượng lao động châu Á đến châu Phi ngày càng nhiều, khiến cho nhu cầu tiêu thụ gạo ở châu Phi có chiều hướng tăng lên.
Chính vì vậy, trong những năm tới, châu Phi vẫn là thị trường đầy tiềm năng để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu gạo.
Tại châu Phi, Bờ Biển Ngà, Ghana, Senegal, Cameroon là những nước nhập khẩu gạo chính của Việt Nam. Thị trường Bờ Biển Ngà vẫn duy trì ổn định vị trí là một trong những nước nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam tại châu lục này. Gạo của Việt Nam hiện được xuất khẩu sang châu Phi chủ yếu qua trung gian là các tập đoàn thương mại quốc tế lớn như Louis Dreyfus, Olam, Phoenix, Platinum, Wilmar, WSGF Group, Stallion Group…
Giảm gạo thường, tăng gạo thơm
Trước đây, gạo Việt Nam xuất khẩu sang châu Phi chủ yếu là gạo trắng hạt dài 15% và 25% tấm. Trong những năm gần đây, thị phần của gạo Việt Nam tại thị trường châu Phi có xu hướng bị thu hẹp do cạnh tranh gay gắt với gạo Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan. Lợi thế của những nước này là nguồn gạo trắng tồn kho giá rẻ, phù hợp với khả năng chi trả của phần lớn người tiêu dùng châu Phi
Bên cạnh gạo giá rẻ, nhu cầu sử dụng gạo thơm ở châu Phi đang tăng lên do đô thị hóa cộng với thu nhập tăng ở khu vực thành thị. Bà Nguyễn Chi Mai, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nigeria (kiêm nhiệm cả một số nước châu Phi khác, trong đó có Ghana), cho biết, người dân đô thị ở Ghana ưa chuộng gạo nhập khẩu (nhất là gạo thơm) hơn gạo nội địa. Vì vậy, 80% gạo nhập khẩu của nước này được tiêu thụ ở các đô thị. Các nhà hàng ở Ghana thường sử dụng gạo thơm nhập khẩu để thu hút khách hàng. Ghana nhập khẩu gạo thơm chủ yếu từ Việt Nam, Mỹ và Canada.
Với xu thế đó, trong thời gian qua, các nhà nhập khẩu ở châu Phi đang ngày càng tìm mua nhiều hơn gạo thơm Việt Nam do chất lượng ổn định và giá cả cạnh tranh. Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho biết, xuất khẩu gạo thơm Việt Nam sang châu Phi trong những năm gần đây có sự tăng trưởng tốt.
Vụ Thị trường châu Á – châu Phi đánh giá, gạo thơm hiện là một trong những loại gạo có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất của Việt Nam sang châu Phi. Vì vậy, việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo thơm sang châu Phi là giải pháp để gạo Việt Nam gia tăng về kim ngạch cũng như thị phần tại châu lục này.
Các giải pháp cần thiết
Nhằm thúc đẩy xuất khẩu gạo Việt Nam sang châu Phi, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, cho rằng, từ phía các cơ quan Nhà nước, trong thời gian tới, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế điều hành xuất khẩu gạo và quản lý hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân phù hợp diễn biến tình hình thị trường, tạo thuận lợi cho thương nhân tham gia xuất khẩu gạo, tham gia sâu vào chuỗi giá trị gạo toàn cầu.
Khai thác hiệu quả các cơ chế, thỏa thuận hợp tác song phương (như Ủy ban hỗn hợp, Tiểu ban hỗn hợp thương mại…) giữa Việt Nam và các quốc gia châu Phi để thúc đẩy hợp tác thương mại gạo với châu Phi. Bên cạnh đó, có thể nghiên cứu về khả năng ký mới hoặc gia hạn các biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác thương mại gạo với các nước có nhu cầu nhập khẩu gạo để phục vụ dự trữ hoặc chưa tự do hóa thị trường gạo (ví dụ Uganda). Theo dõi, đôn đốc và hỗ trợ doanh nghiệp đầu mối hai bên thực hiện các MOU về thương mại gạo đã ký còn hiệu lực (với Ai Cập, Comoros, Madagascar, Guinea, Sierra Leone).
Công tác thông tin từ phía các cơ quan nhà nước cũng cần được chú trọng, đặc biệt cần có sự minh bạch hóa thông tin về thị trường lúa gạo, xuất khẩu gạo; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo kinh doanh theo cơ chế thị trường. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại mặt hàng gạo nhằm quảng bá, giới thiệu đồng bộ về thương hiệu gạo Việt Nam, triển khai tuần lễ gạo Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức kết nối với các thương nhân trung gian nhập khẩu và phân phối gạo tại các nước châu Phi,… cũng là giải pháp hữu hiệu nhằm tạo thương hiệu và thúc đẩy xuất khẩu gạo Việt Nam sang châu Phi một cách hiệu quả.
Một vấn đề quan trọng cần được các cơ quan Nhà nước quan tâm hỗ trợ là các giải pháp hỗ trợ về thanh toán và logistics bởi châu Phi là địa bàn xa xôi, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong khâu thanh toán, vận chuyển. Do vậy, khi có quan hệ đối tác với các ngân hàng lớn, uy tín tại các nước châu Phi sẽ tạo thuận lợi cho giao dịch thanh toán xuất nhập khẩu nói chung giữa Việt Nam và các nước trong khu vực, trong đó có mặt hàng gạo.
Các Hiệp hội cần tích cực, ưu tiên xây dựng và triển khai các chương trình xúc tiến thương mại tại châu Phi nhằm quảng bá thương hiệu gạo Việt Nam tại thị trường này. Các Hiệp hội cần tích cực phối hợp với Bộ Công Thương trong việc thúc đẩy đưa gạo Việt Nam vào các chuỗi phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị bán lẻ tại các nước châu Phi nhằm quảng bá, tăng cường sự hiện diện của gạo Việt Nam tại châu Phi.
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại gạo tại châu Phi; chủ động tìm kiếm thông tin thị trường, liên hệ với Bộ Công Thương, các cơ quan Thương vụ để tìm kiếm đối tác, cung cấp các sản phẩm phù hợp.
Để tạo được niềm tin lâu dài với người tiêu dùng châu Phi, các doanh nghiệp cần chủ động tìm biện pháp nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu thông qua việc nâng cấp các công nghệ sau thu hoạch, áp dụng các công nghệ tiên tiến trong tạm trữ. Doanh nghiệp cũng cần chú trọng đào tạo đội ngũ nhân lực có trình độ ngoại ngữ, kiến thức chuyên sâu về ngoại thương, kinh nghiệm về hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo với mục tiêu thâm nhập lâu dài và bền vững tại thị trường gạo châu Phi.
Nguồn: nongnghiep.vn