Nhiều kết quả ấn tượng
Tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt thông tin, năm 2024, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc, hạn hán, mưa lũ… gia tăng cả về tần suất và cường độ.
Bão số 3 (Yagi) gây hậu quả nghiêm trọng đến sản xuất trồng trọt tại 26 tỉnh, thành phía Bắc (gây ngập úng, ảnh hưởng đến 285.000ha lúa vụ mùa, 61.000ha hoa màu và 39.000ha cây ăn quả).
Hạn hán, xâm nhập mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Đông Nam bộ, Tây Nguyên gây thiệt hại khoảng 43.000ha cây trồng (190ha giảm năng suất trên 70%, gần 12.000ha giảm năng suất từ 30 – 70%, hơn 31.000ha giảm năng suất dưới 30%)…
Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Bộ NN-PTNT, các địa phương đã chủ động xây dựng sớm, kịp thời kế hoạch sản xuất với các giải pháp cụ thể, linh hoạt, bám sát thực tế sản xuất, nhanh chóng ứng phó, khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, khôi phục sản xuất hiệu quả.
Cục Trồng trọt cũng tích cực xây dựng, trình ban hành Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực (cà phê, cao su, chè, điều, hồ tiêu, dừa) đến năm 2030 và phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tham mưu, trình Bộ ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý sức khỏe đất hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững; triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL đến năm 2030. Công tác xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường được tăng cường và thực hiện tốt, nhất là mặt hàng sầu riêng và dừa…
Đối với sản xuất lúa, tổng diện tích gieo cấy cả nước đạt hơn 7 triệu ha, năng suất 61 tạ/ha, sản lượng hơn 43 triệu tấn. Cây ăn quả tổng diện tích hơn 1,2 triệu ha, sản lượng các cây cơ bản đều tăng, riêng nhóm cây có múi, nhãn, vải giảm (nhãn giảm 16,7%). Cây công nghiệp tổng diện tích hơn 2 triệu ha, sản lượng cao su tăng 7,5%; tiêu, điều giảm gần 3%. Đối với cây hàng năm, rau các loại tăng hơn 2%; khoai lang, lạc, đậu tương giảm cả về diện tích và sản lượng.
Diện tích đất lúa được chuyển đổi sang cây hàng năm hơn 76.000ha, sang cây lâu năm hơn 23.000ha, trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản hơn 16.000ha. Diện tích tái canh cà phê khu vực Tây Nguyên hơn 55.000ha.
Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trồng trọt ước đạt 1,9%; giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản trên 30 tỷ USD, tăng hơn 6,3% so với năm 2023, chiếm gần 50% giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp (gạo 5,8 tỷ USD, cà phê 5,5 tỷ USD, rau quả 7,2 tỷ USD, hạt điều 4,3 tỷ USD, cao su 3,2 tỷ USD…).
Về công tác quản lý giống cây trồng, Cục Trồng trọt đã công nhận, gia hạn lưu hành 124 giống cây trồng (74 giống lúa, 18 giống ngô, 32 giống cây ăn quả, cây công nghiệp); tiếp nhận hơn 2.000 hồ sơ tự công bố lưu hành giống cây trồng; ban hành 246 giấy chứng nhận, chứng nhận lại chủng loại gạo xuất đi châu Âu hưởng hạn ngạch ưu đãi thuế quan; theo dõi, kiểm tra, nghiệm thu khối lượng 13 dự án giống thuộc Chương trình giống giai đoạn 2021 – 2030 thuộc lĩnh vực trồng trọt.
Bên cạnh đó, nhận 254 đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng, cấp mới bằng bảo hộ giống cây trồng đối với 179 giống; đình chỉ 93 bằng bảo hộ giống cây trồng do không nộp phí duy trì; cấp lại 10 bằng bảo hộ thay đổi chủ sở hữu; phục hồi hiệu lực bằng bảo hộ cho 12 giống cây trồng; ghi nhận chuyển nhượng và cấp lại bằng bảo hộ cho 6 giống cây trồng. Các địa phương cấp 1.400 mã số vùng trồng phục vụ thị trường tiêu thụ trong nước.
Trong công tác dự trữ quốc gia, Cục Trồng trọt đã tham mưu Bộ NN-PTNT trình Chính phủ xuất gần 654 tấn giống cây trồng hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra…
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, trong năm 2025, ngành trồng trọt đặt mục tiêu phát triển trở thành ngành kinh tế kỹ thuật hoàn chỉnh, chuyên nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, an toàn thực phẩm, gia tăng giá trị xuất khẩu, góp phần ổn định xã hội, an ninh quốc phòng. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 2,2%, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt trên 33 tỷ USD, giá trị sản lượng trên 1ha đất trồng trọt đạt trên 130 triệu đồng.
Tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò của trồng trọt
Đánh giá cao những thành tựu ngành trồng trọt đã đạt được trong năm 2024, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung nhấn mạnh, trong bối cảnh thiên tai diễn biến khó lường, gây thiệt hại nặng cho sản xuất nhưng với sự nỗ lực, vào cuộc đồng bộ, xuất khẩu trồng trọt vẫn chiếm gần 50% giá trị xuất khẩu ngành là kết quả cực kỳ ấn tượng, khẳng định vai trò quan trọng của trồng trọt trong sự phát triển chung của toàn ngành nông nghiệp.
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng lưu ý năm 2025, trong bối cảnh mới, cơ cấu tổ chức, nhân sự của Cục Trồng trọt sẽ có nhiều thay đổi. Do đó, tập thể lãnh đạo, cán bộ, người lao động của Cục cần tiếp tục phát huy tinh thần không ngại khó, ngại khổ, đoàn kết, thống nhất, trí tuệ, sáng tạo để giữ vững, phát triển và đưa lĩnh vực trồng trọt tiến tới những cột mốc cao hơn, ấn tượng hơn.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn cần được đặc biệt quan tâm. Đây là cơ sở để các hoạt động khác được đẩy nhanh, nhất là tiếp tục điều chỉnh những quy định, hướng dẫn thực hiện Luật Trồng trọt cho phù hợp với thực tiễn sản xuất.
Song song đó, phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổng hợp, đánh giá cụ thể việc thực hiện các chiến lược, chương trình, đề án phát triển trồng trọt…, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc để những văn bản này không còn nằm trên giấy, thực sự đi vào thực tiễn, mang lại giá trị.
Đặc biệt, giống cây trồng là khâu quyết định đến thành công của sản xuất trồng trọt. Trong năm mới, Cục phải tích cực thay đổi phương thức quản lý giống, tránh chồng chéo, đưa đẩy giữa các đơn vị liên quan, vừa giúp công tác kiểm soát hiệu quả vừa tạo thuận lợi đưa nhanh những giống có chất lượng cao vào sản xuất.
Đồng thời, phải xác định rõ công tác nâng cao sức khỏe đất, dinh dưỡng đất là nhiệm vụ của lĩnh vực trồng trọt để có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng công việc cho các đơn vị. Ngoài ra, trong hợp tác quốc tế, Cục mới dừng lại ở việc cùng tham gia với các đơn vị dẫn tới phân tán, hiệu quả không cao. Trước những yêu cầu mới, Cục cần chủ động mở rộng hoạt động này để huy động thêm nguồn lực, học tập kinh nghiệm, phương pháp tiên tiến từ các nước để công tác chỉ đạo sản xuất bắt kịp xu thế, tăng sức cạnh tranh cho nông sản.
“Nói đến nông nghiệp sẽ nhắc ngay tới trồng trọt rồi mới đến các lĩnh vực khác. Do đó, Cục Trồng trọt phải không ngừng hoàn thiện, đổi mới, nâng cấp về mọi mặt để khẳng định vai trò quan trọng của mình, cùng với toàn ngành nông nghiệp gặt hái những kỳ tích mới”, Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh
Nguồn: nongnghiep.vn