UBND thành phố Hà Nội vừa có quyết định ban hành giá vé vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt có trợ giá trên địa bàn thành phố.
Theo đó, từ ngày 1/11/2024, giá vé xe buýt Hà Nội sẽ tăng từ 14 đến 55% so với mức giá hiện nay.
Cụ thể, giá vé xe buýt Hà Nội cự ly dưới 15km tăng từ 7.000 đồng lên 8.000 đồng/lượt; từ 15km đến dưới 25km tăng từ 7.000 đồng lên 10.000 đồng/ lượt; từ 25km đến dưới 30km tăng từ 8.000 đồng lên 12.000 đồng/lượt; từ 30km đến dưới 40.000km tăng từ 9.000 đồng lên 15.000 đồng/lượt; từ 40km trở lên tăng từ 9.000 đồng lên 20.000 đồng/lượt.
Với vé tháng, vé tháng bán cho đối tượng ưu tiên bao gồm học sinh phổ thông, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề (không kể hệ đào tạo vừa học vừa làm), công nhân khu công nghiệp đi một tuyến là 70.000 đồng (hiện là 55.000 đồng); liên tuyến là 140.000 đồng (hiện là 100.000 đồng).
Vé mua theo hình thức tập thể (không ưu tiên) đi một tuyến 100.000 đồng (hiện là 70.000 đồng), liên tuyến 200.000 đồng (hiện là 140.000 đồng).
Giá vé tháng bán cho các đối tượng không ưu tiên đi một tuyến là 140.000 đồng (hiện là 100.000 đồng), liên tuyến là 280.000 đồng (hiện là 200.000 đồng).
Người có công, người cao tuổi (60 tuổi trở lên), trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo tiếp tục được miễn tiền vé xe buýt.
Giá vé xe buýt tăng khiến nhiều người có ý định chuyển sang đi phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng đây là mức tăng hợp lý với sự phát triển kinh tế.
Hàng ngày, anh Lê Quang Huy phải bắt xe buýt từ Kim Ngưu (Hai Bà Trưng) đến Xuân Thủy (Cầu Giấy) đi làm. Trước thông tin giá vé xe buýt tăng, anh Huy khá bất ngờ: “Nếu việc tăng giá đi kèm với dịch vụ xe buýt được cải thiện, tôi sẵn sàng bỏ ra 280.000 đồng một tháng. Còn không, tôi sẽ cân nhắc chuyển sang đi xe máy, vừa tiện mà tiền xăng cũng tương đương”.
Trường hợp của anh Huy cũng đặt ra lo ngại về tình trạng tắc đường, phương tiện giao thông ngày một tăng.
Còn với Nguyễn Thị Mai – sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Vào những hôm mưa gió hay có việc đột xuất, tôi chọn đi xe buýt hoặc tàu điện trên cao. Giá xe buýt tăng như vậy vẫn hợp lý với sinh viên không có phương tiện cá nhân”.
Mai cũng bày tỏ thêm, nếu giá xe buýt tăng lên thì nhiều sinh viên sẽ có thể chuyển sang một phương tiện công cộng khác hoặc trang bị cho mình phương tiện cá nhân. Để giữ chân hành khách, xe buýt nên cải thiện chất lượng dịch vụ, đặc biệt là thái độ phục vụ.
Với những người cao tuổi như bà Vũ Thị Thảo (Bắc Từ Liêm), xe buýt vẫn là phương tiện thiết yếu trong cuộc sống: “Tôi thường xuyên đi khám sức khỏe, đi chợ, đi học thiền bằng xe buýt vì đây là phương tiện tất yếu khi về già. Hơn nữa, tôi còn thuộc đối tượng được miễn tiền vé”.
Về vấn đề tăng giá vé với các đối tượng còn lại, bà Thảo cho rằng đó là việc cần thiết để dịch vụ này ngày càng văn minh, hiện đại hơn.
Nguồn: nongnghiep.vn