Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh, năm 2023 tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh không đạt theo kế hoạch của kịch bản tăng trưởng kinh tế. Trong đó, đàn trâu gần 25.0500 con (đạt 79% so với kế hoạch); đàn bò đạt trên 29.000 con (đạt 78% so với kế hoạch); đàn lợn gần 296.000 con (đạt 80% so với kế hoạch); đàn gia cầm đạt trên 5,4 triệu con (tăng 34% so với kế hoạch năm 2023, tăng 13% so với cùng kỳ).
Do tổng đàn đạt thấp nên tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt trên 101.000 tấn (tăng 2,28% so với năm 2022, đạt 98% so với kế hoạch tỉnh giao, đạt 97% so với kịch bản tăng trưởng).
Ngay như thị xã Đông Triều, một địa phương mạnh về chăn nuôi, trồng trọt của Quảng Ninh tính đến thời điểm này đã giảm 3057 hộ chăn nuôi so với năm 2020. Tuy tổng số vật nuôi vẫn tăng lên so với năm 2020 nhưng tăng tập trung ở các trang trại, gia trại.
Qua công tác phân tích, đánh giá, rà soát của Sở NN-PTNT, cho thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tổng đàn gia súc, gia cầm không đạt so với kế hoạch. Đối với đàn trâu, do tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, cơ giới trong nông nghiệp dần thay thế sức kéo cho trâu bò và diện tích chăn thả tự nhiên bị thu hẹp. Hiện ở vùng nông thôn, miền núi xuất hiện nhiều ngành nghề, khu công nghiệp có thu nhập khá đã thu hút lao động tham gia, khiến số hộ chăn nuôi bị giảm.
Đối với đàn bò, nguyên nhân chủ yếu là do Công ty TNHH Phú Lâm, đơn vị thường chiếm 30% tổng đàn bò cả tỉnh với khoảng trung bình 10.000 con/năm thì năm 2023, tổng đàn bò của Công ty còn có 4.810 con (giảm 61% so với cùng kỳ năm 2022).
Ông Nguyễn Minh Bạch, Giám đốc Công ty TNHH Phú Lâm, cho biết: Năm 2023, giá nhập bò thịt, giá thức ăn tăng cao nhưng đầu ra không ổn định và giá bán cũng không đạt so với kỳ vọng của đơn vị. Chưa kể lãi suất vốn vay ngân hàng tăng nên Công ty mới nhập được 2.561 con, trong khi đó kế hoạch đặt ra là nhập trên 5.000 con trong năm nay.
Về đàn lợn, do khu vực chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, không kiểm soát được an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, giá lợn giống cao, giá thức ăn chăn nuôi giảm không đáng kể, dẫn đến chi phí sản xuất tăng mà hiệu quả chăn nuôi không cao, nhiều hộ thua lỗ nên người chăn nuôi đã hạn chế tăng đàn hoặc dừng hẳn không nuôi.
Năm 2023, toàn tỉnh đã có khoảng 5.000 hộ dừng chăn nuôi trong khi các dự án chăn nuôi triển khai chậm, chưa đi vào sản xuất, các doanh nghiệp chăn nuôi sản xuất cầm chừng. Những yếu tố này đã ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận người chăn nuôi, khả năng tái đàn và tốc độ tăng trưởng của đàn lợn.
Không chỉ vậy, thời gian qua, chi phí sản xuất tăng nhưng tình hình tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gặp nhiều yếu tố bất lợi. Ngay từ thời điểm những tháng đầu năm, giá các sản phẩm chăn nuôi rất bấp bênh, còn ở thời điểm hiện tại, mặc dù đã ở những tháng cuối năm nhưng giá thịt lợn hơi dao động chỉ ở mức 51.000-52.000 đồng/kg, giá thịt gia cầm hơi xuất chuồng hiện tại dao động trong khoảng 70.000-80.000 đồng/kg (đối với thịt gà thả vườn). Giá bán không cao nhưng giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong 6 tháng đầu năm 2023 vẫn cao hơn từ 37-43% so với giá thức ăn chăn nuôi trong giai đoạn trước dịch (năm 2020).
Bà Chu Thị Thu Thủy, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN-PTNT) cho biết, những khó khăn bủa vây chăn nuôi Quảng Ninh đó là rất khó tìm được mặt bằng, diện tích, vị trí nuôi phù hợp với những tiêu chuẩn thú y hiện nay; trình độ chăn nuôi của người dân không cao, chăn nuôi nông hộ vẫn là chủ yếu; chi phí đầu vào cao hơn so với các tỉnh, thành khác do không có cơ sở sản xuất tại chỗ, đều phải nhập từ nơi khác về.
“Chỉ tính tiêu chí quỹ đất dành cho các dự án chăn nuôi: Địa hình phần lớn vùng thấp là vùng dân cư đông đúc, dịch xuống là mép biển, dịch lên là đồi núi dốc; như vậy không chỉ khó san gạt, đào đắp xây dựng chuồng trại, mà ngay từ khâu thủ tục hành chính cấp đất cũng vướng bởi các quy định về sử dụng, chuyển đổi đất rừng, mặt nước…”, bà Thủy cho hay.
Thêm nữa, chi phí vật tư đầu vào của chăn nuôi Quảng Ninh cao, khiến cho mất lợi thế cạnh tranh. Đôi khi sản phẩm chăn nuôi làm ra tại Quảng Ninh có giá bán cao hơn sản phẩm các thương lái vận chuyển từ các tỉnh, thành khác về tiêu thụ tại Quảng Ninh.
Có thể thấy, với những khó khăn nêu trên, nếu chạy đua về các sản phẩm chăn nuôi thông thường, Quảng Ninh khó có thể cạnh tranh với nhiều tỉnh, thành đồng bằng lân cận. Tuy nhiên, sản phẩm chăn nuôi đặc sản là lợi thế của Quảng Ninh. Bởi tỉnh có lượng khách du lịch rất lớn, nhiều trong số đó sẵn sàng chi trả cao để được thưởng thức những món ẩm thực tươi ngon, mới lạ.
Những vật nuôi đặc sản thuận lợi phát triển có thể kể đến như lợn Móng Cái, gà Tiên Yên, ngan sao, ngan đen, vịt biển… vốn là đối tượng nuôi mang tính địa phương, bản địa cao; những vật nuôi là động vật hoang dã đã được cho phép chăn nuôi thương phẩm, như lợn rừng, lợn hương, hươu, nai, dúi, nhím…
Bà Chu Thị Thu Thủy cho rằng, để giải “bài toán” khó cho ngành chăn nuôi Quảng Ninh, ngoài việc mở rộng đối tượng nuôi cần thắt chặt quy trình nuôi, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm nuôi ra đến thị trường, đến tay người tiêu dùng phải có sự khác biệt, vượt trội, ưu thế hơn hẳn sản phẩm cùng loại.
“Thực tế giống lợn Móng Cái, gà Tiên Yên đã khẳng định ưu thế về giống, tuy nhiên chất lượng sản phẩm đưa ra thị trường thời gian qua không đồng đều, ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm. Điều này là do sự khác biệt giữa quy trình nuôi theo phương thức truyền thống với cơ chế thức ăn tự nhiên, thô, giàu xơ, ngô, khoai, sắn, nuôi chăn thả… so với phương thức nuôi khép kín, phụ thuộc nguồn thức ăn công nghiệp, nuôi trong thời gian ngắn”, bà Thủy nhìn nhận.
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, tỉnh đang có lợi thế nhân đàn gia cầm, thủy cầm, khi có thể nhân rộng các mô hình nuôi ngan, gà bản địa dưới tán rừng, nuôi vịt ở những vùng ven biển, bãi sú vẹt, đầm lầy. Đặc biệt với diện tích rừng sản xuất lớn, Quảng Ninh có thể phát triển kinh tế rừng kết hợp chăn nuôi động vật hoang dã được phép chăn nuôi thương phẩm; điều này vừa nâng cao giá trị kinh tế rừng, vừa phát triển chăn nuôi đúng hướng mà tỉnh đặt ra.
Nguồn: nongnghiep.vn