Năm 2024, công tác phòng chống dịch bệnh, công tác tiêm phòng trên đàn vật nuôi ở ĐBSCL được ngành chăn nuôi và thú y quan tâm thực hiện. Nhờ đó, trong năm không xảy ra ổ dịch lớn, chỉ xảy ra các ổ dịch nhỏ lẻ do phát hiện sớm, tổ chức dập dịch kịp thời nên không lây lan diện rộng.
Các đơn vị đã chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi. Phối hợp với các địa phương triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của cơ quan chuyên môn và hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh động vật.
Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ NN-PTNT, dịch tả heo Châu Phi có chiều hướng gia tăng. Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh đã xảy ra tại 1.103 xã 48 tỉnh, tiêu hủy trên 81.000 con, cao gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể như đối với bệnh dịch tả heo Châu Phi, tại tỉnh Trà Vinh xuất hiện 4 trường hợp, còn tỉnh Bến Tre chỉ 1 trường hợp. Riêng tỉnh Tiền Giang, số liệu báo cáo 9 tháng đầu năm xuất hiện 81 trường hợp, tiêu hủy trên 2.000 con.
Hiện nay, đang bước vào thời điểm cuối năm bà con chăn nuôi bắt đầu tăng đàn để phục vụ cho thị trường Tết. Tuy nhiên, thời điểm này cũng lúc giao mùa, có nguy cơ bất lợi do yếu tố thời tiết. Quá trình tăng đàn lớn dễ sẽ xảy ra dịch bệnh.
Ông Trương Công Lý, Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Trà Vinh khuyến cáo, khi tăng đàn bà con lưu ý trước hết là về vấn đề vệ sinh môi trường. Chuồng trại phải đảm bảo sạch sẽ ấm áp, bởi vì khi mà gió mùa đông bắc tràn về sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe vật nuôi.
Bên cạnh đó, quá trình chăn nuôi phải đảm bảo tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin theo khuyến cáo của ngành chuyên môn. Đối với con giống, phải có nguồn gốc rõ ràng không được mua trôi nổi trên thị trường. Trong quá trình chăn nuôi luôn hợp tác chặt chẽ với nhân viên thú y cấp xã.
“Hiện tại, tỉnh Trà Vinh đã có lực lượng nhân viên thú y cấp xã. Bà con lưu ý liên hệ phối hợp chặt chẽ với nhân viên thú ý cấp xã để theo dõi sức khỏe của đàn vật nuôi của mình kịp thời. Khi có biểu hiện bất lợi thì báo cho nhân viên thú y cấp xã để báo về cơ quan thẩm quyền cấp trên kịp thời xử lý”, ông Trương Công Lý nói.
Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh đối với công tác phòng bệnh, bà con phải hết sức quan tâm tham gia tiêm phòng đầy đủ tất cả các loại vacxin. Đặc biệt, trong đợt tiêm phòng thứ hai năm 2024, tỉnh Trà Vinh đang tập trung tiêm phòng vacxin dịch tả heo Châu Phi với hình thức xã hội hóa.
Bên cạnh đó, bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục, cúm gia cầm bà con cần phải tập trung tiêm phòng đối với những đàn mà trước đây chưa tới tuổi tiêm hoặc là đã tiêm rồi nhưng hết thời gian miễn dịch. Giai đoạn này do bất lợi về yếu tố thời tiết, môi trường và do sự tăng đàn đột biến sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe đàn vật nuôi, do đó ông Lý đề nghị bà con lưu ý tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin.
Theo báo cáo của các Sở NN-PTNT khu vực ĐBSCL, tính đến nay, tổng đàn đại gia súc (gồm trâu, bò) là trên 942.000 con (đạt 97% kế hoạch năm); tổng đàn heo trên 2,9 triệu con (đạt 95% kế hoạch năm); đàn gia cầm đạt trên 95 triệu con (đạt trên 98% kế hoạch năm).
Nguồn: nongnghiep.vn