
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính viếng Giáo sư Võ Tòng Xuân. Ảnh: Kim Anh.
Ngày 21/8, những đoàn người khắp cả nước tiếp nối vào thắp hương tiễn biệt Giáo sư Võ Tòng Xuân và chia buồn cùng gia quyến.
Những lẵng hoa tang từ các đoàn khách gửi đến viếng được sắp xếp trang nghiêm, tỏ lòng thành kính với Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân, Giáo sư tiến sĩ Võ Tòng Xuân. Không phô trương, nhưng ai cũng nhìn thấy, những bảng đề tên viếng tặng có rất nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước cấp Trung ương; các đơn vị, tổ chức quốc tế; UBND các tỉnh, thành trong cả nước; doanh nghiệp; các trường đại học… Tất cả như một lời ghi nhận, trân trọng, tưởng nhớ những đóng góp của Giáo sư Võ Tòng Xuân đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đoàn đến viếng lễ tang Giáo sư Võ Tòng Xuân.
Trước đó, Chính phủ Australia gồm đại diện Tổng lãnh sự quán Australia tại TP Hồ Chí Minh và Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia cũng tổ chức đoàn đến viếng giáo sư.

Bà Võ Hiếu Dân, con gái cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đến viếng Giáo sư Võ Tòng Xuân. Ảnh: Kim Anh.
Bà Nguyễn Thị Thanh An, Trưởng đại diện Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia chia sẻ, cách đây 25 năm, Giáo sư Võ Tòng Xuân là cố vấn người Việt Nam đầu tiên của Hội đồng cố vấn chính sách Australia về nghiên cứu nông nghiệp quốc tế. Sự ra đi của giáo sư là niềm tiếc thương vô hạn đối với bản thân bà cũng như ngành nông nghiệp Việt Nam.
Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, bày tỏ trong sổ tang, đất Sen Hồng sẽ luôn lưu giữ những tình cảm, tâm huyết của Giáo sư Võ Tòng Xuân trong mỗi lần đến với tỉnh và bà con nông dân.

Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, bày tỏ tình cảm của Đảng bộ, chính quyền và người dân tỉnh Đồng Tháp đối với Giáo sư Võ Tòng Xuân trong sổ tang. Ảnh: Kim Anh.
“Sự phát triển của nông nghiệp, ngành lúa gạo Đồng Tháp có sự đóng góp quan trọng của thầy. Những gửi gắm, tâm huyết của thầy vì cây lúa, với sự phát triển của nông nghiệp, cuộc sống người nông dân sẽ được Đồng Tháp tiếp tục phát huy trong thời gian tới”, ông Phong viết.
Đoàn cựu học sinh các khóa 1, 2, 3 Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ), tốt nghiệp trước năm 1975 sáng 21/8 cũng họp mặt đến viếng người thầy kính yêu. “Thầy tuyệt vời! Thầy hay lắm!” những câu từ cảm thán thân thương, gửi gắm trọn tình cảm, lòng kính trọng đối với GS Võ Tòng Xuân.
Qua lời kể của mọi người, Giáo sư Võ Tòng Xuân có lối ứng xử mềm mỏng, khiêm tốn, khéo léo và rất nhạy bén với thời cuộc. Những thành công của giáo sư một lần nữa là tấm gương để thế hệ sau tiếp nối, tiến bộ hơn.

Những ngày làm việc cuối đời của Giáo sư Võ Tòng Xuân. Ảnh: Kim Anh.
Phương châm của giáo sư là học thuật phải gắn với ứng dụng, làm sao đáp ứng được lợi ích của nông dân và cộng đồng. Minh chứng cho điều này, một học trò khóa 5 (xin được giấu tên) của Giáo sư Võ Tòng Xuân ngậm ngùi kể lại, sự kiện năm 1978, miền Nam nước lụt, nông dân đói khổ, người dân cần một giống lúa để khi trồng không bị rầy nâu tấn công.
“Mang nặng tâm huyết, nhìn thấy vấn đề, thầy Xuân đã chọn lọc và mạnh dạn đề xuất giống lúa IR36 kháng rầy. Vì sao thầy có thể quyết đoán làm được điều này? Bởi thầy đã xây dựng được đội ngũ “môn đệ” hiểu vấn đề, cùng chung tiếng nói với thầy, tạo thành sức mạnh để chứng minh, lan tỏa đến nông dân, lãnh đạo địa phương và ngành nông nghiệp”, vị học trò của Giáo sư Võ Tòng Xuân chia sẻ.
Bên linh cữu người cha quá cố, ông Võ Tòng Anh, con trai Giáo sư Võ Tòng Xuân, bày tỏ, điều đáng quý ở cha mà ông học được là đạo đức, lòng yêu nước và tinh thần lao động, cống hiến. Trong ký ức của ông, Giáo sư Võ Tòng Xuân dù tuổi cao nhưng chưa một ngày nghỉ ngơi, luôn dành toàn thời gian cho công việc đến những ngày cuối đời.

Giáo sư Võ Tòng Xuân trong một lần hướng dẫn cán bộ khuyến nông địa phương ứng dụng vi sinh xử lý rơm rạ trên đồng ruộng tại tỉnh An Giang vào năm 2022. Ảnh: Kim Anh.
“Có những lần, cha thức dậy từ lúc 3 giờ sáng để bắt xe đò đi xuống ruộng cùng nông dân. Những ngày cuối đời, chống chọi cùng lúc nhiều căn bệnh, nhưng cha vẫn tranh thủ làm việc. Chuyến công tác cuối cùng của cha là chuỗi 5 ngày dẫn đoàn chuyên gia nước ngoài đi khảo sát đồng lúa nhiều tỉnh miền Tây. Khi đó, bác sĩ chỉ cho đi 3 ngày, nhưng cha vẫn ráng, sau lần đó yếu dần. Những lời trăn trối cuối cùng, cha vẫn dặn tôi cố gắng góp sức để cuộc sống nông dân ngày càng cải thiện”, ông Võ Tòng Anh ánh mắt rưng rưng kể lại.
Được truyền tình yêu với cây lúa, hạt gạo, yêu quý nông dân, ông Võ Tòng Anh tiếp tục lựa chọn con đường nghiên cứu nông nghiệp, tìm hiểu phương thức sản xuất để giúp đỡ bà con nông dân canh tác ổn định, hiệu quả hơn.
8 giờ sáng 22/8, sau lễ truy điệu, xe tang sẽ đưa linh cữu Giáo sư Võ Tòng Xuân di chuyển một vòng ngang qua Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Nam Cần Thơ. Sau đó, di chuyển về TP Long Xuyên, đi ngang qua Trường Đại học An Giang và Trường Tiểu học song ngữ Tinh Hoa. Cuối cùng, rẽ về thị trấn Ba Chúc tiến hành an táng.
Nguồn: nongnghiep.vn