TP Cần Thơ nằm ở trung tâm của ĐBSCL, là một trong những vùng nông nghiệp trọng điểm của cả nước. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, Cần Thơ đã xây dựng và phát triển nhiều HTX nông nghiệp. Tính đến nay, trên địa bàn thành phố có 183 HTX với sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực trồng trọt, đặc biệt là cây ăn trái và lúa gạo.
Các HTX này tập trung chủ yếu vào lĩnh vực trồng trọt, chiếm 78%, trong đó nổi bật là cây ăn trái và lúa gạo. Lĩnh vực chăn nuôi chỉ chiếm 2,7%, thủy sản 9,8%, và các dịch vụ khác chiếm 9,3%.
Theo kết quả đánh giá của Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, hiện số lượng thành viên tham gia HTX cũng có sự tăng trưởng, với 3.293 thành viên, tăng 653 thành viên trong giai đoạn 2021-2024. Điều này phản ánh xu hướng tăng cường thành viên liên kết sử dụng dịch vụ hơn là kết nạp thành viên chính thức.
Về chất lượng, 80% thành viên đã hiểu biết rõ Luật HTX và 60% tích cực tham gia xây dựng HTX. Tổng vốn điều lệ của các HTX hiện tại đạt hơn 172,4 tỷ đồng, tăng hơn 38 tỷ đồng so với năm 2021. Bình quân vốn điều lệ của mỗi HTX là 989 triệu đồng và bình quân vốn góp của thành viên là 52,3 triệu đồng. Hầu hết các thành viên đã góp vốn đúng theo quy định, với tỷ lệ góp vốn đạt 56,4% theo vốn điều lệ.
Tổ chức quản lý HTX chủ yếu theo mô hình Hội đồng quản trị kiêm Ban giám đốc, chiếm trên 91% tổng số HTX, do hạn chế về trình độ và nguồn thu. Hàng năm có khoảng 52 HTX liên kết với các công ty trong việc tiêu thụ sản phẩm, tạo niềm tin cho thành viên tham gia HTX.
Đặc biệt, thời gian qua TP Cần Thơ là 1 trong 6 tỉnh, thành của vùng ĐBSCL (gồm Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng và TP Cần Thơ) được Bộ NN-PTNT chọn tham gia “Dự án các Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh giai đoạn 2021-2024” (GIC). Dự án GIC được thực hiện với mục tiêu thúc đẩy và nhân rộng các mô hình, giải pháp đổi mới, sáng tạo, thông qua nhiều sản phẩm nông nghiệp khác nhau, góp phần phát triển nông thôn bền vững vùng ĐBSCL.
HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân Lợi ở xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh là 1 trong 10 HTX trên địa bàn TP Cần Thơ tham gia dự án Các trung tâm đổi mới sáng tạo xanh (GIC), dự án đã hỗ trợ cho HTX rất nhiều hoạt động, trong đó hỗ trợ HTX 1 máy đảo phân để làm giá thể hữu cơ từ nguồn rơm rạ góp phần nâng cao giá trị cho người dân sản xuất lúa, giải quyết các vấn đề tồn tại về đốt đồng trong thời gian qua.
Theo ông Tiêu Ngọc Lợi, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân Lợi, thời gian qua trong và ngoài HTX đã có mô hình tận dụng rơm rạ làm nấm rơm đã mang lại giá trị kinh tế cho người dân.
Mỗi năm, 1 hộ thành viên ở địa phương trồng khoảng 10 vụ nấm, sử dụng khoảng 200 tấn rơm. Bình quân mỗi vụ trồng, thu hoạch khoảng 700kg nấm. Với giá bán khoảng 50.000 – 60.000 đồng/kg, trừ chi phí, lãi từ 5 – 20 triệu đồng/vụ, qua đó đã tận dụng nguồn phụ phẩm trong sản xuất lúa và tăng thu nhập cho người nông dân. Không chỉ dừng lại ở bán nấm, sau mỗi vụ nấm (sử dụng khoảng 550 cuộn rơm), hộ dân sẽ bán số rơm mục (đã sử dụng trồng nấm) cho các nhà vườn phủ gốc cây (mai, chanh, bưởi,…) với giá từ 2.500 – 3.000 đồng/cuộn.
Còn nói về tăng cường công tác liên kết và tiêu thụ nông sản trong và sau tham gia dự án GIC hỗ trợ cho HTX Tiến Dũng ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ mở lớp tập huấn kinh doanh cho nông dân (FBS) đã giúp nông dân nâng cao kiến thức tổ chức quản lý, điều hành, liên kết doanh nghiệp, xây dựng kế hoạch trung hạn, quản lý tài chính và marketing.
Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho biết: Ứng dụng các đổi mới sáng tạo xanh trong quản lý và tổ chức dịch vụ là xu hướng tất yếu giúp nông dân và HTX nông nghiệp tại Cần Thơ để nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện quy trình sản xuất và tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Việc áp dụng công nghệ hiện đại, cải tiến quản lý và phát triển các mô hình kinh doanh mới không chỉ giúp các HTX đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp địa phương.
Nguồn: nongnghiep.vn