Sản xuất theo chuỗi liên kết, bao tiêu sản phẩm
Để nghề muối phát triển bền vững, thị trường muối được ổn định, không còn tình trạng giá cả bấp bênh lệ thuộc vào thương lái thì diêm dân cần xoá bỏ tư duy, tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Thay vào đó, mạnh dạn tham gia loại hình kinh tế tập thể như tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) để được Nhà nước hỗ trợ các chính sách, nhất là được sản xuất theo chuỗi liên kết từ đầu vào đến đầu ra đều được cam kết bao tiêu sản phẩm. Từ đó, bà con diêm dân có thể an tâm sản xuất mà không phải thấp thỏm âu lo hạt muối thu hoạch không có người thu mua hoặc bị ép giá.
Ông Cổ Tân Xuyên, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoà Bình (Bạc Liêu), thông tin: “Huyện đang định hướng các THT, HTX trên địa bàn sản xuất một vài sản phẩm muối chất lượng cao để tham gia trưng bày tại Festival muối năm 2025. Đồng thời, hướng đến xây dựng sản phẩm muối hồng đạt tiêu chuẩn OCOP đặc trưng của huyện Hoà Bình. Về lâu dài, để phát huy làng nghề sản xuất muối, huyện Hoà Bình hướng tới phát triển du lịch kết hợp với làm muối, chế biến sản phẩm muối làm đẹp, muối sức khoẻ”.
Chia sẻ về nghề làm muối ở Bạc Liêu hiện nay, ông Ngô Nguyên Phong, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Bạc Liêu cho biết, hiện nay Bộ NN-PTNT đã thống nhất với tỉnh tổ chức sự kiện Festival muối diễn ra từ ngày 6-8/3/2025. Tại sự kiện này, địa phương cũng mời gọi các nhà đầu tư vào để tìm hiểu, khảo sát, đánh giá thực tế để xây dựng nhà máy chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ muối trong và ngoài nước.
“Hiện tại có một số nhà đầu tư đã triển khai đăng ký xây dựng nhà máy sản xuất muối, khu trưng bày tại tỉnh Bạc Liêu, đồng thời một số nhà đầu tư ở Hà Nội đã vào thực hiện chuỗi liên kết sản xuất cùng với các HTX để bao tiêu sản phẩm và xây dựng kho bãi trữ muối, được giá lúc nào bán lúc đó”, ông Phong chia sẻ.
Đồng thời, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bạc Liêu chia sẻ niềm vui, để giá trị hạt muối được nâng cao thì cần tập trung đầu tư xây dựng kho bãi để trữ muối, khi nào giá ổn định, có lời thì xuất bán. Qua xúc tiến đầu tư, tỉnh Bạc Liêu đã tìm được một số đối tác nước ngoài như Trung Quốc để tạo liên kết tiêu thụ muối.
“Muốn giá trị hạt muối được nâng lên thì phải nâng cao chất lượng, khi có chất lượng thì tự động giá muối sẽ cao. Tỉnh sẽ định hướng sản xuất theo cách thức tăng dần chất lượng sản phẩm muối từ 3 sao lên 4 sao, 4 sao lên 5 sao. Hiện Bạc Liêu đang đề xuất Bộ NN-PTNT công nhận 2 sản phẩm muối đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 5 sao trong năm nay”, ông Phong thông tin.
Ông Phong khuyến cáo, đối với bà con diêm dân, trong quá trình sản xuất muối nên cần quan tâm đến chất lượng nguồn nước, để nâng dần chất lượng sản phẩm. Theo ông Phong, hiện giờ hạt muối không chỉ tiêu thụ nội địa mà còn hướng đến xuất khẩu ra nước ngoài. Do đó, nhu cầu của thị trường nước ngoài luôn đòi hỏi về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm rất khắc khe, do đó bà con nên tập thói quen sản xuất muối đạt chất lượng tốt nhất.
Đồng thời, lãnh đạo Sở NN-PTNT Bạc Liêu khuyến cáo rằng, sản xuất muối còn phụ thuộc vào thời tiết, cho nên người dân nên thường xuyên cập nhật thông tin về thời tiết để có hướng sản xuất phù hợp, tránh trường hợp thời tiết xấu sẽ ảnh hưởng tới vụ mùa.
“Muốn sản phẩm đủ lớn mạnh, không có cách nào khác ngoài sản xuất theo mô hình kinh tế HTX. Bởi sản xuất theo loại hình này diêm dân sẽ để được sản xuất theo chuỗi liên kết, được bao tiêu sản phẩm. Từ đó, tăng dần giá trị sản xuất, chứ sản xuất nhỏ lẻ thì giá bấp bênh do đầu ra không ổn định”, ông Phong nói.
Tạo thuận lợi cho nhà đầu tư
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhận định, trong thời gian qua do quá trình phát triển kinh tế nên chưa chú trọng quan tâm nhiều đến vấn đề muối mà chỉ quan tâm đến lúa, gạo, tôm và các lĩnh vực khác. Từ đó, đời sống của diêm dân còn khó khăn.
Do đó, năm 2020, Bộ VH-TT-DL đã công nhận nghề muối là nghề văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và có đề án để xây dựng nghề muối Bạc Liêu phát triển mạnh, tạo động lực để phát huy tiềm năng của nghề này. Từ đó, UBND tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo Sở NN-PTNT xây dựng đề án phát triển nghề muối Bạc Liêu.
Theo ông Thiều, nghề sản xuất muối ở Bạc Liêu đã có từ thời Pháp, nổi tiếng là sản phẩm muối hồng. “Khi người Pháp vào Việt Nam, họ nhìn thấy tiềm năng của Bạc Liêu nên đã chuyển giao công nghề từ Pháp sang đây để sản xuất muối. Từ đó, muối Bạc Liêu nổi tiếng, được xuất khẩu sang các nước châu Âu, Trung Đông và được đánh giá là loại muối ngon. Cho nên, hôm nay các doanh nghiệp muốn đầu tư vào lĩnh vực muối thì địa phương rất hoan nghênh. Bạc Liêu cam kết nếu các nhà đầu tư ở Singapore mà triển khai được nhà máy ở đây thì tất cả các thủ tục về đầu tư, về xây dựng, tỉnh Bạc Liêu sẽ tạo điều kiện tốt nhất”, ông Thiều nói.
Bạc Liêu được xem là tỉnh có trữ lượng muối cao, chất lượng tốt nhất so với các địa phương khác nên Bộ NN-PTNT chọn Bạc Liêu là điểm tổ chức Festival muối. Đây cũng là thời điểm tỉnh Bạc Liêu vào vụ thu hoạch muối.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu khẳng định, việc nào khó nhất thì dành cho nhà nước, việc nào dễ nhất sẽ dành cho doanh nghiệp. Làm sao để duy trì và phát huy thế mạnh của nghề muối, đừng để nghề muối mai một, phải nhập muối từ nước ngoài sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực, giá cả càng mắc thì chúng ta càng khó khăn.
“Dù cho công nghệ tiên tiến cỡ nào, năng lượng phát triển cỡ nào mà không có lương thực thì không thể sống được. Nói như thế để chúng ta quan tâm đến vấn đề muối. Tổ chức Festival muối mà không có nhà máy muối thì mất hay, không có ý nghĩa, những sản phẩm từ muối cũng bị đơn điệu, nên chúng ta đẩy mạnh xúc tiến đầu tư. Tóm lại, cần xúc tiến chuẩn bị thủ tục, kế hoạch xây dựng nhà máy muối để chuẩn bị cho Festival muối sắp tới”, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh.
Nguồn: nongnghiep.vn