Đưa tinh hoa vào từng nén hương
Dọc theo mọi ngả đường xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa (TP Hà Nội) những ngày này, không khó để thấy những “đóa hoa” tre sắc màu, được xếp ngay ngắn và gọn gàng theo các cụm trông rất “nghệ”, tô điểm cho làng quê có phần mộc mạc và bình dị trong dịp Tết Nguyên đán. Mùi hương ấm nồng quyện cùng những dòng khói trắng mịn màng, len lỏi như dẫn dụ, mời gọi khách thập phương ghé thăm, trải nghiệm nghề làm hương có truyền thống ngót ngét 100 năm.
Xưởng hương của nghệ nhân Nguyễn Thu Phương, 37 tuổi, thôn Quảng Nguyên, xã Quảng Phú Cầu là một trong số đó.
Trái với hình dung về một nơi trải nghiệm rực rỡ những đụn hương xòe quạt đầy sặc sỡ màu sắc được bắt gặp từ đầu làng, workshop trải nghiệm làm hương truyền thống Quảng Phú Cầu lại có phần “nhún nhường” hơn về mặt thị giác nhưng đặc biệt thu hút khứu giác bởi các mùi hương hòa quyện từ quầy trưng bày sản phẩm.
Là đời thứ hai của gia đình có truyền thống làm hương hơn 50 năm qua, chị Hương cho biết, trong xã còn nhiều hộ có lịch sử làm nghề này lâu đời hơn, ngót nghét cả trăm năm. Từ chỗ là sinh kế, nghề làm hương dần trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống đáng tự hào của xã Quảng Phú Cầu. Với nhiều thế hệ, đây không chỉ là một nghề mà còn gắn liền với yếu tố tâm linh và giá trị văn hóa đặc sắc của người Việt.
“Vì nghề làm hương còn có yếu tố tâm linh, gắn liền với văn hóa, tín ngưỡng của người Việt trong thờ tự, tẩy uế, thanh lọc không gian… nên các quy trình làm hương cần đặc biệt tỉ mỉ và giữ gìn tâm trí thanh sạch”, chị Phương chia sẻ và cũng không quên nhấn nhá về quy trình khép kín của xưởng từ chọn nguyên liệu, nghiền thành bột mịn, trộn hỗn hợp bột theo từng công thức mùi vị, đưa vào máy tạo hình, phơi khô, đóng gói và cuối cùng là đưa sản phẩm ra thị trường.
Việc chọn nguyên liệu và pha trộn theo tỷ lệ chuẩn là hai công đoạn quan trọng nhất, quyết định chất lượng và hương thơm đặc trưng của sản phẩm. Các nguyên liệu thì vô cùng dễ tìm và đơn giản như quế, trầm hương, nhựa trám rừng, lá ngải cứu, bồ kết và nhiều loại cây lá khác có mùi thơm tự nhiên. Tất cả đều là sản vật của núi rừng Việt Nam trải từ Bắc vào Nam. Không hề quá khi nói rằng, tinh hoa núi rừng Việt Nam đều được tuyển lựa để đưa vào làm nguyên liệu làm bột hương.
Tuy nhiên, kết hợp các nguyên liệu như thế nào lại là một câu chuyện khác, nói đến đây, chị Phương có phần trầm ngâm. Bởi, dù tiếp nối nghề cha truyền con nối này khi hơn 15 năm làm nghề, chị vẫn mải miết tìm kiếm và kết hợp các loại hương, nỗ lực nghiên cứu ra các công thức theo tỷ lệ mới để tiếp tục tạo ra các sản phẩm phù hợp hơn với thị hiếu của người tiêu dùng.
“Mỗi nhà xưởng có một công thức ‘pha chế’ khác nhau, không nơi đâu giống nơi đâu. Con đường làm nghề vẫn còn rất dài nên chúng tôi cứ vừa làm, vừa học hỏi”, chị Phương nói thêm.
So với thời bố mẹ, giai đoạn những người trẻ như chị Phương theo nghề hương, giờ đã nhàn hơn nhiều. Hầu hết các công đoạn đã được hỗ trợ bằng máy móc như trộn bột và tạo hình. Chỉ một số ít việc như phơi, đóng gói vẫn thực hiện thủ công để đảm bảo sự tỉ mỉ của nghề.
“Vấp ngã” để mở ra con đường mới
Nhìn những máy móc, người làm hoạt động liên tục, tập trung hết công suất cho dịp lễ Tết, không ai có thể ngờ được xưởng của chị Phương trước kia từng có một thời kỳ “gục ngã”.
Giai đoạn chuyển giao từ xuất khẩu sang thị trường trong nước là khi chị Phương nhận thấy sự trì trệ và bế tắc khi xuất hàng đi vào khoảng những năm 2010-2016. Đây là quãng thời gian đặc biệt khó khăn của doanh nghiệp xuất khẩu hương Việt đến các thị trường lớn, trong đó có Ấn Độ, do chính sách ngừng nhập khẩu để bảo toàn lao động trong nước và thị hiếu người dùng nước ngoài thay đổi.
“Đó là lúc hai mẹ con tôi thấy bế tắc, có cảm giác không còn giữ được nghề nữa rồi”, nhắc lại quãng thời gian này, chủ thương hiệu Từ bi hương có phần xúc động khi lúc đó khó khăn, hàng tồn kho lớn, vốn vay đọng lại hàng tỷ đồng, vợ chồng chị còn bàn nhau bỏ tất cả lại, chia nhau đi xuất khẩu lao động để trang trải cuộc sống.
Tuy nhiên, tình yêu với nghề truyền thống cộng với động lực từ gia đình đã tiếp thêm can đảm cho nghệ nhân trẻ. Nhờ quyết định không dừng lại, chị đã tự mở ra một hướng đi mới. Càng tìm hiểu, chị Phương càng thấy nhu cầu của thị trường trong nước rất nhiều, khi người tiêu dùng ngày càng có niềm tin và sự ưa thích đối với các sản phẩm truyền thống, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết.
Để tăng thêm phần đa dạng, chị Phương đầu tư phát triển thêm các sản phẩm mới như nụ trầm, nụ quế, que hương bồ kết, que hương khuynh diệp… cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau từ thờ tự, thanh lọc không khí, châm cứu… Mỗi loại nguyên liệu sử dụng lại mang đến một trải nghiệm mùi hương mới cho người dùng, từ đó xây dựng được thương hiệu Từ bi hương như hiện nay.
Bên cạnh việc phát triển sản phẩm, chị Phương cũng được định hướng, tư vấn để thiết kế và thử nghiệm cách bài trí, tổ chức khu vực cho du khách trải nghiệm các công đoạn làm hương. Từ khoảng 3 tháng nay, cơ sở sản xuất tại thôn Quảng Nguyên thu hút hàng trăm lượt khách nước ngoài đến trải nghiệm, tự tay sản xuất từng nén hương và thích thú mang về sản phẩm của làng quê Việt.
Bước đi này cũng bắt kịp với xu hướng phát triển chung của các làng nghề hiện nay, khi muốn vừa duy trì “lửa nghề” vừa muốn giới thiệu văn hóa và cải thiện thu nhập cho người dân.
Với những hướng đi này và kết quả nhìn thấy trong những tháng đầu tiên phát triển, chị Phương cho rằng, việc thế hệ trẻ tiếp nối và phát triển nghề truyền thống của gia đình, làng xã là hoàn toàn có thể và cần được khuyến khích. Với sự hỗ trợ của công nghệ, định hướng từ những người đi trước, người trẻ chắc chắn có thể “sống khỏe” và tìm kiếm những hướng đi mới cho nghề truyền thống. Nghề làm hương ở xã Quảng Phú Cầu cũng không phải là ngoại lệ.
Trong 2 năm gần đây, xã Quảng Phú Cầu từng bước mở rộng mô hình du lịch trải nghiệm tại các làng nghề, thu hút đông đảo du khách thập phương.
Hiện làng tăm hương Quảng Phú Cầu là một trong những điểm nhấn của tuyến du lịch “Con đường di sản Nam Thăng Long”, kéo dài từ trung tâm Thủ đô đến huyện Thanh Oai, Ứng Hòa và kết thúc tại Mỹ Đức. Cuối năm 2024, UBND TP Hà Nội công nhận điểm du lịch Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu, đồng thời tổ chức trưng bày hương tại đình Cầu Bầu để du khách trong và ngoài nước tham quan, trải nghiệm.
Nguồn: nongnghiep.vn