Hàng nghìn nông dân tham gia vào nông hội
Ngày 31/10, Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm triển khai thực hiện mô hình nông hội trên địa bàn. Theo báo cáo, hiện toàn tỉnh đã thành lập 168 mô hình nông hội tại 17 huyện, thị xã, thành phố với hơn 4.900 hội viên. Trong đó có 43 nông hội thuộc lĩnh vực sản xuất rau, hoa, cây ăn quả; 36 nông hội trồng cà phê, điều, mắc ca, thuốc lá và 32 nông hội lĩnh vực chăn nuôi cá, dê, thỏ, bò, dúi, chim.
Đến nay, nhiều nông hội vẫn duy trì hoạt động, phát triển tốt, chủ yếu trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần hỗ trợ người dân thoát nghèo. Các mô hình nông hội đã phát triển theo hướng hàng hóa, sản phẩm có thị trường tiêu thụ, phần nào phát huy hiệu quả kinh tế trong các làng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên.
Bà Lương Thùy Chi, Phó Chủ nhiệm Nông hội Đồng Tâm chăn nuôi, trồng lúa, cây ăn trái xã Ia Ake (huyện Phú Thiện) cho biết, thời gian qua, đơn vị đã đẩy mạnh công tác tập huấn, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho hội viên.
Qua đó, nông hội đã xuất hiện nhiều mô hình hay, có hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như mô hình trồng cây đa canh của hội viên Nguyễn Văn Tường cho thu nhập 200 triệu/năm; mô hình trồng điều của ông Vũ Ngọc Quế cho thu nhập 300 triệu đồng/năm; mô hình trồng chùm ruột, nuôi heo của ông Phan Quốc Trưởng cho thu nhập 250 triệu đồng/năm…
“Các hội viên đã chia sẻ với nhau cách làm hay, sáng tạo để phát triển kinh tế. Ngoài ra, chúng tôi còn vận động các thành viên có điều kiện hỗ trợ, đóng góp về vật chất, tinh thần để giúp đỡ các thành viên trong nông hội và xã hội”, bà Chi chia sẻ.
Tương tự, ông Thiều Viết Đoàn, Chủ nhiệm Nông hội trồng cà phê xen cây mắc ca xã Sơn Lang (huyện Kbang) cho biết, tại nông hội, các thành viên thương xuyên bàn luận, trao đổi cách làm mới, hiệu quả, các vấn đề về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm…
Mặt khác, Ban chủ nhiệm và các thành viên nông hội luôn tìm kiếm, liên hệ với các doanh nghiệp, đơn vị thu mua hạt mắc ca và cà phê để tìm đầu ra cho sản phẩm, tránh trường hợp bán nhỏ lẻ, bị thương lái ép giá.
Trong năm 2023, các thành viên trong nông hội đã thu hoạch được khoảng 40 tấn mắc ca với giá bán 80.000đồng/ký, tổng thu khoảng 3,2 tỷ đồng. Trong năm 2024, các thành viên đã thu hoạch được khoảng 50 tấn mắc ca với giá bán 80.000 – 85.000 đồng/ký, tổng thu khoảng 4 tỷ đồng.
“Để các sản phẩm phát triển bền vững, UBND xã Sơn Lang đã làm công văn đăng ký truy xuất nguồn gốc sản phẩm chủ lực trên địa bàn xã năm 2024 với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kbang đối với cây mắc ca với diện tích 45ha. Hiện chúng tôi đang chờ xét duyệt”, ông Đoàn chia sẻ.
Hoạt động vẫn “3 không”
Bên cạnh những kết quả đạt được, sau 5 năm triển khai, mô hình nông hội cũng bộc lộ một số hạn chế. Ông Thiều Viết Đoàn, Chủ nhiệm Nông hội trồng cà phê xen cây mắc ca xã Sơn Lang cho biết, hiện nông hội hoạt động vẫn còn “3 không”: Không bộ máy, không kinh phí, không cơ sở vật chất nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động. Mặt khác, trên địa bàn xã số hộ trồng cà phê xen mắc ca chiếm tỉ lệ cao nhưng việc tham gia vào nông hội còn ít, nhất là các hộ dân người đồng bào dân tộc thiểu số.
Các thành viên trong Ban chủ nhiệm chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, chủ yếu được đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn hàng năm nên không tránh khỏi những hạn chế trong việc tuyên truyền, vận động bà con tham gia nông hội.
“Để nông hội phát triển hiệu quả, Ban chủ nhiệm cần phải thường xuyên tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm để hướng dẫn, trao đổi với bà con về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng. Đồng thời nhạy bén trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm”, ông Đoàn phản ánh.
Ông Lê Văn Lực, Chủ nhiệm Nông hội cây ăn quả thôn Thanh Bình (xã ia Bă, huyện Ia Grai) cho biết, kinh nghiệm sản xuất cây ăn quả của các thành viên nông hội còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, thời tiết, khí hậu biến đổi theo hướng bất lợi, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt, mô hình nông hội không thuộc tổ chức theo quy định nên các chế độ chính sách vay vốn của các thành viên chưa tiếp cận được, dẫn đến khó khăn trong hoạt động sản xuất và thu hút hội viên. “Do chưa có chính sách, chế độ hỗ trợ nông hội hoạt động nên Ban chủ nhiệm chủ yếu làm việc với tinh thần trách nhiệm để triển khai vận dụng trong sản xuất nông nghiệp”, ông Lực chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Lành, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ia Grai cho biết, nông hội là tổ chức của những nông dân với tiêu chí “3 không, 3 tự, 3 cùng” nên chưa có sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ tích cực từ các cấp chính quyền.
Phần lớn thành viên ban quản trị nông hội là nông dân trực tiếp sản xuất nên kiến thức, kinh nghiệm quản lý, điều hành, các mối quan hệ để liên kết còn hạn chế. Cùng với đó, nội dung sinh hoạt chưa phong phú, thiết thực.
Ông Rah Lan Chung, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, liên quan đến những hạn chế, các địa phương nên có hướng dẫn và tháo gỡ kịp thời. Thời gian tới, để phát huy hiệu quả mô hình này, các địa phương nên định hướng thêm về nguồn kinh phí hỗ trợ, cách làm để nông hội phát triển. Đồng thời, rà soát, đánh giá lại chất lượng các mô hình nông hội, mô hình nào không hiệu quả thì dừng, không nên chạy theo thành tích.
“Chính quyền các địa phương tiếp tục hỗ trợ người dân liên kết, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, trao đổi phương thức sản xuất kinh doanh. Cần khen thưởng, tuyên dương kịp thời những đơn vị, địa phương làm tốt trong việc phát triển mô hình nông hội”, ông Rah Lan Chung nhấn mạnh.
Nguồn: nongnghiep.vn