Sau bão Yagi, tôi đến trang trại chỉ thấy một cảnh hoang tàn, đổ nát nhưng chủ nhân của nó, một người hơn 70 tuổi thì vẫn kiên cường. Ông tâm sự, việc tái thiết sản xuất có những thứ có thể dùng tiền để mua, thay thế được nhưng có những thứ thì không, ví dụ như các cây xanh đã được trồng 20 năm nay, khi công nhân muốn cắt dù chỉ một cành cũng phải xin phép.
Ông ước mơ mọi người đến trang trại này dù trời nắng cũng không phải đội nón, đội mũ vì đã có bóng cây che và đã thực hiện được 80-90% như thế. Con đường cây Osaka trải dài được rất nhiều người đến chụp ảnh hay khúc sông uốn lượn với hàng dừa quanh bờ và 2.000 cây lát hoa đường kính đã được 30-40cm rất xanh tốt. Thế mà bão Yagi đã làm đổ gãy hết:
“Một cảnh tượng khủng khiếp mà từ nhỏ đến già tôi mới thấy là hàng trăm công nhân làm ở trong trang trại lúc bão gió tốc hết cả mái tôn của các lán, cái nào chưa tốc thì cũng dập lên dập xuống như là diều, sợ quá họ bò về nhà tôi, mặt cắt không còn nổi một giọt máu. Có người vai bị tôn bay cắt vào da thịt chảy máu nhưng lúc đó không thể đi khâu được do cây đổ chặn hết đường, điện không có, nước không có.
Giữa cảnh mưa gió như thế hàng trăm người đã bò về nhà tôi, cũng may là ngôi nhà vững chắc chứ không biết chui vào đâu bởi trang trại cách làng rất xa. Tôi cứ nghĩ sau cơn bão Yagi các lãnh đạo Trung ương và địa phương phải nghiên cứu sao cho các trang trại ít nhất phải có một ngôi nhà chắc chắn để trú ẩn lúc bão gió. Có thể quy định về diện tích và khi Nhà nước cần đến thì không được đền bù gì…
Bão làm điện mất pha, gây cháy mấy trăm cái mô tơ trong trang trại, tôi phải lội dưới sông thò đầu lên để tránh cây đổ hay mái tôn bay, mỗi lần sóng đánh trùm cả qua đầu để kiểm tra. Nếu cưa một cái cây còn biết được hướng đổ của nó mà tránh còn trong cơn bão, chỉ nghe tiếng rắc cái là cây đã đổ rồi, lỡ mà đập xuống người thì tôi cũng không thể chạy đi đâu được. Giữa cảnh tượng đó mà chủ cũng như hàng trăm công nhân không ai chết là điều đáng mừng rồi.
Tôi thiệt hại cỡ hơn 60 tỷ đồng nhưng so với những người ở miền núi, dù họ thiệt hại ít nhưng cả cơ nghiệp chỉ có thế, thậm chí còn mất cả người thân. Với những người như thế tôi nghĩ Trung ương và địa phương nên hỗ trợ bằng tiền mặt để họ khôi phục lại sinh hoạt. Còn những người chủ trang trại như chúng tôi thì Nhà nước ra chính sách cho vay vốn để tái thiết sản xuất chứ không cần hỗ trợ. Bởi ai cũng hỗ trợ thì tiền đâu cho đủ?”.
Nay gần 3 tháng sau bão, tôi đến để thấy trang trại của ông bắt đầu hồi sinh. 20 trại gồm 10 trại lợn, 6 trại gà, 4 trại chim thì đã phục hồi được 3 trại lợn, 1 trại chim. Những thanh xà gồ bị bão uốn cong được tháo ra nắn lại, cái nào tận dụng được thì tận dụng, cái nào phải thay mới thì thay, rồi những tấm tôn lợp mái bị bão thổi bay cũng được thay thế. Nhờ đó 300 con nái đã được thả vào theo tiến độ mỗi tháng 100 con bởi ông thú thật mình cạn tiền và thị trường cũng đang cạn giống.
Về thủy sản, trang trại có hơn 20 cái ao lớn nhỏ, sau bão bị ngập, cá đi lung tung, giờ cũng đang phải tát cạn từng cái, phân loại ra theo kích cỡ, giống, đồng thời nhặt hết các dị vật như các tấm tôn, cành cây bị thổi xuống. Về cây trồng ông có 5ha ổi lê, 2ha bưởi, 1.000 – 2.000 gốc nhãn, vải, cây nào đổ nhưng có khả năng cứu được thì nâng lên, chăm sóc lại, cây nào không thể cứu được thì trồng thay thế.
Ông tâm sự: “Bất cứ cây gì, con gì mà chết tôi đều tiếc thương dù chúng không có lợi về kinh tế như đàn cò hàng ngàn con non bị bão hất xuống đất chẳng hạn, không thể bỏ lại vào tổ vì tổ cũng đã bị nát rồi, đành để chúng chết. Ở trang trại không chỉ có cò mà còn có nhiều loại chim khác như giang, vạc, bạc má, sáo, chào mào, chim sâu, chim chích… Tôi muốn biến nơi đây thành một khu bảo tồn thiên nhiên thu nhỏ ngay trong lòng Hải Phòng, người dân có thể ghé thăm mà không phải đến tận đảo cò Thanh Miện của tỉnh Hải Dương.
Trẻ con tới trang trại được xem từ sản xuất nông nghiệp đến bảo tồn tự nhiên, còn người lớn thì được trở về với tuổi thơ, với đồng quê của mình, xa rời ồn ào của thành phố. Từ nay đến Tết tôi cố gắng phục hồi trang trại được 30-40% như trước, để sang năm phục hồi nốt.
Qua cơn bão này cũng cho tôi nhiều kinh nghiệm. Trước đây khi cây cối dù công nhân chỉ chặt một cành tôi cũng tiếc nhưng nay nếu nghe đài báo bão to thì phải cắn răng mà cưa cành. Về chuồng trại, trước làm mái tôn chìa ra ngoài 50 cm thì đều bị bão lột hết, cái nào chỉ chìa ra 15-20cm thì không sao nên giờ cũng phải làm như thế, rồi các lưới che ruồi quanh trại thì phải tháo ra không sẽ bị giật đứt hết.
Chỗ nào kín là kín hết, hở là hở hết để cho gió vào thì có chỗ ra, chứ nửa kín nửa hở là hỏng. Về thủy sản thì trước bão phải tháo nước đệm ra để sẵn sàng chứa thêm nước, các cống bình thường chặn bằng đăng dễ bị lá cây, cành cây bít gây tràn nước thì phải quây lại bằng lưới.
Những lúc vất vả nhất như thế này tôi thường phải tươi cười để tiếp thêm năng lượng tích cực cho người lao động. Càng khó khăn thì càng phải tiến lên phía trước bởi nếu mình nản chí, buông xuôi thì trang trại này đã tan từ lâu rồi”.
Nguồn: nongnghiep.vn