Tại tỉnh Tây Ninh, hệ thống thủy lợi đã góp phần đáng kể vào sự phát triển nông nghiệp bền vững và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Tây Ninh hiện có 4 hồ chứa nước (Dầu Tiếng, Tha La, Nước Trong 1, Nước Trong 2), 10 trạm bơm điện, 1.759 tuyến kênh tưới, 365 tuyến kênh tiêu và 24 tuyến đê bao. Hệ thống này phục vụ cấp nước cho trên 150.000ha đất nông nghiệp, chiếm 75% diện tích sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Trong đó, trên 120.000ha được cấp nước tưới chủ động, đạt tỷ lệ 80%; tiêu nước cho gần 97.000ha và cấp nước công nghiệp khoảng 7 triệu m³/năm. Hệ thống cũng giúp ngăn lũ và bảo vệ trên 2.700ha đất nông nghiệp.
Hạ tầng thủy lợi của Tây Ninh đã giúp ngành nông nghiệp tỉnh này có những bước phát triển vượt bậc. Nhờ hệ thống tưới tiêu hiệu quả, người dân có thể chủ động trong việc canh tác, không lo thiếu nước hoặc ngập úng. Cây mì và cây mía cho hiệu quả ổn định, trong khi cây lúa đạt năng suất và chất lượng cao hơn.
Xã Phước Minh, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Tây Ninh có hơn 100 hộ nuôi trồng thủy sản với khoảng 400ha, chủ yếu là các đối tượng nuôi như ba ba, cá lóc và cá rô đồng. Người dân ở đây cho biết, nhờ nguồn nước dồi dào và trong sạch từ hồ Dầu Tiếng, việc nuôi trồng thủy sản diễn ra thuận lợi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Tôi nuôi cá lóc và ba ba từ nhiều năm nay, nhờ có nguồn nước từ hồ Dầu Tiếng nên sản xuất khá thuận lợi, nước sạch nên cá sống rất khỏe, ít bệnh tật”, ông Đỗ Văn Đáng, hộ nuôi ba ba, cá lóc tại xã Phước Minh, huyện Dầu Tiếng cho biết.
Xã Hảo Đước, huyện Châu Thành là một trong các địa phương được thụ hưởng hệ thống tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông, người dân nơi đây không còn lo lắng đến vấn đề thiếu nước canh tác vào mùa khô. Theo lãnh đạo UBND xã Hảo Đước, dự án đã mang lại những điều kiện thuận lợi cho nông dân. Nhờ hệ thống tưới tiêu mà người dân xã Hảo Đước đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang những loại cây trồng hiệu quả kinh tế cao hơn.
Dù hệ thống thủy lợi đã đạt được nhiều thành tựu, song một số khu vực như cánh đồng Khedol (thuộc xã Thạnh Đông, thành phố Tây Ninh) và các xã: Phan, Suối Đá (huyện Dương Minh Châu) vẫn gặp khó khăn về cấp nước. Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh cho biết, việc thiếu nước chủ yếu xảy ra tại các khu vực nằm ngoài phạm vi cấp nước của hệ thống hiện tại.
“Để khắc phục tình trạng này, tỉnh đã đề xuất dự án “Phát triển hạ tầng chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu”, bao gồm việc xây dựng hạ tầng thủy lợi và giao thông phục vụ cho phát triển nông nghiệp thông minh tại huyện Dương Minh Châu. Dự án sẽ cung cấp nước tưới tiêu cho 3.283ha đất và giải quyết tình trạng thiếu nước ở các khu vực gặp khó khăn”, ông Xuân thông tin.
PGS.TS Nguyễn Phú Quỳnh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư cho hạ tầng thủy lợi. Vùng Đông Nam bộ, phụ thuộc vào nguồn nước từ lưu vực sông Đồng Nai, cần một hệ thống quản lý nước hiệu quả để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Kế hoạch tích trữ nước và cải thiện hệ thống thủy lợi là chiến lược dài hạn giúp khu vực này ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu.
“Đầu tư cho hạ tầng thủy lợi, công trình thủy lợi chính là đầu tư cho tương lai. Đây là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy nông nghiệp phát triển và bảo đảm nguồn nước bền vững”, PGS.TS Nguyễn Phú Quỳnh khẳng định.
Nguồn: nongnghiep.vn