Bệnh LMLM quần thảo
Từ đầu năm đến nay, các ổ dịch viêm da nổi cục, lở mồm long móng (LMLM), dịch tả lợn Châu Phi phát sinh, lây nhiễm trên đàn gia súc thường xuyên, gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Mặc dù ngành chuyên môn và các địa phương phát hiện, kiểm soát, xử lý kịp thời trong diện hẹp nhưng do độc lực các ổ dịch mạnh dẫn đến tốc độ lây nhiễm nhanh, khó chữa trị.
Tại huyện Kỳ Anh, từ ngày 14/9 đến ngày 19/9, dịch LMLM xảy ra liên tiếp tại 3 xã Kỳ Bắc, Kỳ Đồng, Kỳ Giang làm 39 con trâu, bò của 21 hộ gia đình bị ốm, chết.
Chị Phan Thị Mẫn, trú thôn Kim Sơn, xã Kỳ Bắc cho biết, gia đình đang nuôi 3 con bò, 8 con lợn. Một số con trâu, bò của các hộ trong thôn bị chết do nhiễm bệnh LMLM, cộng với thời tiết giao mùa nắng mưa thất thường khiến vật nuôi giảm sức đề kháng nên chị rất lo lắng.
“Tôi đã chủ động báo cáo số lượng đàn vật nuôi của gia đình đến chính quyền địa phương, đồng thời đăng ký vacxin để tiêm phòng. Theo thông báo của cán bộ thú y, dự kiến trong tuần này sẽ tiêm phòng trên toàn xã”, chị Mẫn nói.
Ngày 14/9, khi thấy 3 con bò của gia đình kém ăn và di chuyển chậm chạp, ông Hoàng Nhật Cường, cùng trú thôn Kim Sơn, xã Kỳ Bắc kiểm tra và phát hiện vật nuôi bị nhiễm bệnh LMLM. Ngay sau khi phát hiện trâu, bò bị bệnh ông Cường kịp thời nhốt vật nuôi trong chuồng để cách ly, chăm sóc, tiến hành các biện pháp phòng và dập dịch, đồng thời báo với thôn để có biện pháp xử lý nhằm tránh lây lan diện rộng.
“Sau 4 ngày phát hiện 4 trường hợp đầu tiên, đến hết ngày 18/9, toàn thôn Kim Sơn đã có 14 con trâu, bò của 9 hộ gia đình ghi nhận mắc bệnh”, Trưởng thôn Kim Sơn thông tin.
Theo vị này, hiện nay, giá lợn hơi, trâu bò tăng khá cao nên các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi tăng đàn, tái đàn phục vụ nhu cầu thực phẩm dịp Tết, trong khi diễn biến thời tiết phức tạp, khó lường nên nguy cơ dịch bệnh phát sinh, lây lan thời gian tới rất cao. Việc đẩy mạnh tiến độ tiêm phòng các loại vacxin là giải pháp hàng đầu để tăng cường sức đề kháng, bảo vệ đàn vật nuôi.
Phấn đấu hoàn thành tiêm phòng đợt 2 trước 30/10
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, tiến độ tiêm phòng các loại vacxin cho đàn gia súc, gia cầm đợt 2 năm 2024 phải hoàn thành trước ngày 30/10, với tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng Quản lý thú y, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cho rằng, thời tiết đang chuyển mùa, mưa nắng đan xen kết hợp se lạnh và ẩm ướt, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát sinh, gây hại. Vì vậy, tốc độ tiêm phòng tại các địa phương cần đẩy nhanh hơn nữa.
“Quan trọng nhất bà con phải nâng cao nhận thức, chấp hành quy định về phòng, chống dịch bệnh và tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm; áp dụng tốt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi. Chi cục sẽ kịp thời hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ; đồng thời, kiểm tra các địa phương thực hiện không đạt yêu cầu để có giải pháp bổ cứu, xử lý theo quy định”, ông Nam nhấn mạnh.
Ghi nhận tại “ổ dịch” huyện Kỳ Anh, từ đầu tháng 10 đến nay, để bao vây, dập dịch LMLM, địa phương này đã cung ứng, tổ chức tiêm phòng được gần 3.000 liều vacxin tụ huyết trùng; hơn 2.700 liều vacxin LMLM cho đàn trâu bò.
Còn tại huyện Đức Thọ, đợt 2 năm 2024, toàn huyện có hơn 21.000 con gia súc trong diện tiêm phòng bệnh LMLM, tụ huyết trùng, viêm da nổi cục, dịch tả lợn. Trong đó, đàn trâu, bò hiện đã triển khai tiêm đạt hơn 5.000/10.400 con; đàn lợn đã tiêm hơn 500/11.500 con.
Theo ông Hà Quang Thăng, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Đức Thọ, để công tác tiêm phòng đảm bảo tiến độ và đạt kết quả cao, trước đó, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương và ngành nông nghiệp thống kê số lượng vật nuôi trong diện phải tiêm và điều động cán bộ thú y các xã thành lập tổ tiêm phòng tại các thôn, đồng thời trực tiếp đến tận các hộ chăn nuôi để tiêm phòng một cách triệt để.
“Việc tiêm vacxin phòng bệnh cho đàn gia súc trong thời điểm này hết sức quan trọng bởi đây là giai đoạn thời tiết giao mùa, rất dễ phát sinh các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, như: viêm da nổi cục, LMLM trên trâu, bò; dịch tả lợn Châu Phi; tụ huyết trùng trên đàn lợn…
Ngoài chấp hành quy định về tiêm phòng, người dân phải theo dõi sức khỏe vật nuôi thường xuyên, cho ăn uống đầy đủ dưỡng chất, giữ gìn vệ sinh chuồng trại, không mua hoặc nuôi nhốt chung với những con gia súc có dấu hiệu bị bệnh để hạn chế lây nhiễm chéo”, ông Hà Quang Thăng khuyến cáo.
Tỉnh Hà Tĩnh hiện có hơn 2 triệu con gia cầm; hơn 128.000 con trâu, bò; hơn 214.000 con lợn thuộc diện phải tiêm phòng đợt 2 năm 2024. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã cung ứng 47.000 liều vacxin tụ huyết trùng; hơn 53.000 liều vacxin LMLM trâu bò; hơn 7.400 liều vacxin dịch tả, tụ huyết trùng lợn và hơn 60.000 liều vacxin cúm gia cầm.
Nguồn: nongnghiep.vn