Nông nghiệp 2024 – kỳ tích “khác thường”
Vốn dĩ, tôi định dùng từ phi thường để nói về kỳ tích của ngành Nông nghiệp – Phát triển nông thôn năm nay, nhưng cuối cùng lại lựa chọn chữ “khác thường”. Bởi có lẽ, đây là từ phù hợp nhất, đặc biệt nhất khi đặt lĩnh vực nông nghiệp – nông dân – nông thôn của chúng ta trong bối cảnh chung của nền kinh tế trong nước và quốc tế.
Khác thường đầu tiên, như chúng ta đã biết, 2024 là một năm có thể nói là cực khó của nền kinh tế toàn cầu cũng như kinh tế Việt Nam. Tình hình biến động của thị trường thế giới, nhất là thiên tai đã tác động cực kỳ khủng khiếp đến nền kinh tế, trong đó nông nghiệp như thường lệ vẫn là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Theo thống kê, chỉ tính riêng ảnh hưởng của thiên tai, điển hình nhất là bão Yagi năm 2024 đã gây tổng thiệt hại về kinh tế của Việt Nam ước tính trên 87.400 tỷ đồng, cao gấp 9,38 lần so với năm 2023. Cùng với đó là một loạt vấn đề khách quan mà nông nghiệp Việt Nam phải đối mặt như hạn hán, xâm nhập mặn, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Thứ hai, như tôi đã nhiều lần phân tích trên các diễn đàn kinh tế, nông nghiệp của chúng ta luôn là lĩnh vực khó khăn nhất trong tương quan với các lĩnh vực kinh tế khác. Đầu tư ít, rủi ro cao, trình độ sản xuất manh mún, áp dụng khoa học công nghệ vào đầu tư sản xuất còn hạn chế, chuỗi liên kết sản xuất chưa thật sự bền chặt, chính sách tháo gỡ khó khăn chưa thực sự được quan tâm…
Tuy nhiên, vượt lên tất cả những khó khăn đó, nông nghiệp Việt Nam lại liên tục tạo nên những kỳ tích rực rỡ, vượt xa mong đợi của nền kinh tế, của Thủ tướng Chính phủ kỳ vọng. Nông nghiệp một lần nữa khẳng định vai trò to lớn là trụ đỡ, điểm tựa của nền kinh tế đất nước, khẳng định lợi thế quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
Điển hình như năm 2023, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 53 tỷ USD, trong đó xuất siêu hơn 12 tỷ USD. Năm 2024, mặc dù nhiệm vụ Thủ tướng giao 55 tỷ USD nhưng ngành Nông nghiệp – Phát triển nông thôn đã tạo tạo ra cột mốc kỷ lục xuất khẩu tới hơn 62 tỷ USD, tiếp tục đà tăng trưởng từ 3,1 đến 3,4%. Đây thực sự là những con số mang nhiều ý nghĩa, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế đất nước.
Năm 2024, kinh tế Việt Nam có nhiều bước tăng trưởng có thể xem là khởi sắc với một số chỉ số khả quan như GDP, xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài… Tuy nhiên, nhìn chung bức tranh kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều ảm đạm. Nhất là khu vực nội địa có nhiều chỉ số chưa thực sự tích cực, thể hiện ở kết quả tăng trưởng tín dụng và giải ngân đầu tư công, mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng vẫn chậm, chưa được như kỳ vọng. Lĩnh vực bất động sản quá khó khăn, nhiều doanh nghiệp lao đao, lĩnh vực du lịch dù có khởi sắc so với năm 2023 nhưng vẫn còn lâu mới đạt được kỳ vọng của Chính phủ. Tựu chung lại, tăng trưởng của nền kinh tế vẫn dựa phần lớn vào doanh nghiệp FDI.
Trong bối cảnh “khó của khó”, nông nghiệp Việt Nam lại vượt lên ở tất cả các lĩnh vực, đạt nhiều thành tựu vô cùng to lớn thì dùng từ kỳ tích, khác thường cũng là khiêm tốn.
Tôi đặc biệt ấn tượng với kỳ tích của ngành nông nghiệp ở một số lĩnh vực quan trọng như: sản xuất lúa gạo, xuất khẩu thủy sản, xuất khẩu rau quả, cà phê, lâm nghiệp… đã góp phần to lớn vào con số xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 18,6 tỷ USD. Từ kỷ lục đó, chúng ta cần có sự lý giải nghiêm túc, nhìn nhận thật rõ ràng để thấy đâu là động lực, điều gì đã làm nên thành tựu ngỡ ngàng đó của nông nghiệp Việt Nam?
Cá nhân tôi cho rằng, nguyên nhân đầu tiên chính là nỗ lực của toàn ngành, của hệ thống quản lý từ Chính phủ, Bộ NN-PTNT, các địa phương trọng điểm, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con nông dân chúng ta đã chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn để sản xuất, tìm kiếm, mở cửa thị trường, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của nông sản Việt.
Thứ hai, là sự biến chuyển trong quá trình thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị, đa ngành, đa lĩnh vực mà toàn ngành Nông nghiệp – Phát triển nông thôn đã nhất quán, quyết tâm thay đổi trong những năm qua, đã lan tỏa và nhận được sự hưởng ứng của toàn xã hội. Tư duy kinh tế nông nghiệp tác động lên toàn bộ chuỗi ngành hàng, từ sản xuất đề cao chất lượng, tiêu chuẩn thị trường đến chế biến, tiêu thụ và nỗ lực nghiên cứu, nắm bắt, tận dụng thời cơ mở rộng thị trường.
Ví dụ đơn giản nhất là xuất khẩu trái sầu riêng. Tất nhiên, cơ hội khách quan đến từ thị trường tiêu thụ ở Trung Quốc bùng nổ. Tuy nhiên, phải khẳng định rõ, cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất của chúng ta đã nắm bắt rất nhanh thời cơ, để từ đó tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất, đàm phán mở cửa thị trường một cách khoa học bài bản, làm nên câu chuyện xuất khẩu sầu riêng hơn 1,45 triệu tấn, tăng 21,2% so với năm 2023.
Tương tự là câu chuyện xuất khẩu lúa gạo. Rõ ràng, cách tiếp cận thị trường bài bản, có sự hỗ trợ của Nhà nước trên nhiều phương diện từ hợp tác, đàm phán, ngoại giao đã cùng với sự nỗ lực chung của toàn ngành để chuyển nông nghiệp Việt Nam sang một trạng thái phát triển mà thị trường mang tính định hướng, đề cao việc tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn và tận dụng, nắm bắt thời cơ một cách tốt nhất.
Theo tôi, đây là những nguyên nhân và bài học sâu sắc cần lý giải “kỳ tích khác thường” của nông nghiệp năm 2024 và tôi tin rằng, khi làm rõ, làm sâu sắc thêm những bài học này thì kỳ tích của năm 2024 sẽ tiếp tục tạo thế và đà cho nông nghiệp Việt Nam tiếp tục bùng nổ trong những năm tiếp theo.
Hai vai trò trong kỷ nguyên mới: Nền tảng và tiên phong
Từ kỳ tích khác thường của ngành Nông nghiệp – Phát triển nông thôn năm 2024, tôi muốn đặt vấn đề rằng: Đất nước đang chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc hướng đến sự giàu có và thịnh vượng, liệu chúng ta nên nhận diện, phân tích về vai trò, vị trí, vị thế của ngành Nông nghiệp – Phát triển nông thôn nói riêng và vấn đề nông nghiệp – nông dân – nông thôn nói chung như thế nào? Cần phải có cách tư duy đúng, xác định rõ nền tảng trụ cột, lợi thế của quốc gia để từ đó có giải pháp cơ cấu nền kinh tế, có chính sách nhằm phát huy hết tiềm năng, lợi thế của quốc gia, dân tộc.
Nền kinh tế của đất nước trong thời khắc này làm tôi nhớ lại năm 1986, thời điểm dân tộc Việt Nam bước vào công cuộc Đổi mới lịch sử.
Trước năm 1986, nền kinh tế Việt Nam lâm vào khủng hoảng do gặp muôn vàn khó khăn trong vấn đề thay đổi phương thức sản xuất, đối mặt với sự trì trệ của nền kinh tế kế hoạch bao cấp, đối mặt với sự bao vây cấm vận, tình trạng ngăn sông cấm chợ… Từ trong bối cảnh vô cùng gian khó đó, nông nghiệp chính là lĩnh vực tiên phong cải cách, tiên phong xóa bỏ tư duy cũ để đổi mới và thực tế đã tạo ra sự đột phá, tạo ra động lực to lớn để đưa nền kinh tế, đưa đất nước Việt Nam chuyển sang nền kinh tế thị trường.
Tôi luôn cho rằng đó là bước ngoặt ghê gớm của nông nghiệp Việt Nam. Nói cách khác, nông nghiệp năm 1986 đã hoàn thành vẻ vang sứ mệnh tiên phong của sự nghiệp cải cách và đổi mới đất nước với một vai trò vô cùng đặc biệt.
Cải cách, đổi mới, đột phá từ nông nghiệp đã giúp đất nước từ chỗ phải nhập khẩu hàng triệu tấn lương thực trở thành quốc gia xuất khẩu. Tiên phong xóa bỏ tư duy cũ, tiên phong mở cửa hội nhập, tiên phong mở đường đưa hàng hóa Việt Nam đi ra thế giới, mở đường đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu có thứ hạng và giữ được danh hiệu cường quốc xuất khẩu nông sản từ đó đến nay chính là vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Có thể nói rằng, từ trong gian khó bủa vây, nông nghiệp đập tan xiềng xích, vươn tầm thế giới bằng tư duy tiên phong đột phá, bằng tâm thế không hề sợ hãi bất cứ điều gì.
Cải cách, đổi mới và đột phá từ nông nghiệp năm 1986 trở thành nền tảng và động lực giúp nền kinh tế Việt Nam cất cánh bay lên, chứ không phải bất cứ lĩnh vực kinh tế nào khác. Và dường như, nhìn lại cả quá trình phát triển đất nước thì mọi công cuộc Đổi mới đều khởi nguồn từ nông nghiệp – nông dân – nông thôn. Lĩnh vực này luôn giữ vai trò tiên phong, vai trò lịch sử để giải phóng nền kinh tế, giải phóng toàn bộ xã hội, xoay chuyển cục diện để tạo nên những giai đoạn rực rỡ, thần kỳ.
Nhìn lại lịch sử để nghiên cứu và đặt nông nghiệp – nông dân – nông thôn đúng tầm vóc, vị thế, vai trò của lĩnh vực truyền thống nhất, quan trọng nhất của đất nước trước kỷ nguyên mới. Sau gần 40 năm kể từ kỳ tích Đổi mới 1986, thời điểm nông nghiệp từng giữ vai trò tiên phong, khai sáng đưa kinh tế đất nước đi lên thì liệu bây giờ, trước ngưỡng cửa bước vào kỷ nguyên mới, liệu nông nghiệp – nông dân – nông thôn Việt Nam có tiếp tục “phất cờ”, có tiếp tục giữ vai trò tiên phong trong quá trình đưa đất nước đến mục tiêu giàu mạnh nữa hay không? Liệu nông nghiệp Việt Nam có tiếp tục là khởi nguồn của cải cách, đổi mới và đột phá để góp phần quan trọng phát triển đất nước như mục tiêu đã đề ra hay không?
Tôi khẳng định là có. Nông nghiệp – nông dân – nông thôn Việt Nam vẫn sẽ là nền tảng quan trọng nhất, giữ vai trò tiên phong và vị thế của một lĩnh vực đã được khẳng định là lợi thế của quốc gia. Xét từ yếu tố truyền thống lịch sử, tiềm năng lợi thế, vị thế vai trò của nông nghiệp – nông dân – nông thôn đều có thể thấy rõ hai yếu tố luôn luôn mang tính cách mạng là tiên phong cải cách, đổi mới và tiên phong mở cửa hội nhập.
Thứ nhất, nói về vai trò nền tảng của nông nghiệp – nông dân – nông thôn trong kỷ nguyên mới.
Đây là kỷ nguyên mà nền kinh tế thế giới bước vào thời đại kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Khái niệm kinh tế xanh, thời đại xanh mang tính chất sinh tử đối với loài người và Chính phủ Việt Nam cũng đã cam kết với cộng đồng quốc tế sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 – Net Zero vào năm 2050. Để hiện thực được mục tiêu đó, nông nghiệp – nông dân – nông thôn chắc chắn giữ vai trò nền tảng.
Thực tế thời gian qua cũng đã cho thấy, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ cam kết Net Zero tại COP26, nông nghiệp Việt Nam cũng là lĩnh vực tiên phong thay đổi tư duy từ “nâu” sang “xanh”. Đó là Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”; Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”; Trồng rừng bán tín chỉ carbon… Cùng với đó là sự dịch chuyển tư duy xanh dẫn đến hành động xanh, xây dựng nền nông nghiệp xanh,…
Có thể nói, nông nghiệp Việt Nam lại tiếp tục đi đầu, mang sứ mệnh gánh đỡ cho các lĩnh vực kinh tế khác nhằm hiện thực cam kết của Thủ tướng Chính phủ, giúp kinh tế Việt Nam dịch chuyển theo hướng xanh cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, cả những giá trị hữu hình lẫn giá trị vô hình. Một đất nước có truyền thống là nông nghiệp, lợi thế là nông nghiệp thì tương lai chắc chắn phải là nông nghiệp. Phải gắn với rừng, với biển, với ruộng đồng, nông thôn mới có thể phát triển xanh và bền vững như mục tiêu của Chính phủ đề ra.
Thứ hai, là vai trò tiên phong, khẳng định lợi thế của quốc gia là nông nghiệp. Từ Đại hội XIII, Đảng ta đã xác định nông nghiệp là trụ đỡ, là lợi thế của quốc gia, điều đó có nghĩa sự phồn vinh, giàu có của đất nước phụ thuộc rất lớn vào vị thế của nông nghiệp, phụ thuộc vào chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn ra sao.
Vai trò, vị thế của ngành Nông nghiệp – Phát triển nông thôn giờ đây mang giá trị đa ngành, đa lĩnh vực. Đặt trong tương quan với công nghiệp như thế nào, với du lịch ra sao là những vấn đề cần phân tích, xác định rõ để có tư duy, chiến lược thực sự xứng tầm. Lẽ tất nhiên là ngành nào cũng quan trọng, tuy nhiên cần có tư duy đúng, tập trung cho ngành quan trọng nhất, có nhiều lợi thế nhất.
Cá nhân tôi cho rằng, nông nghiệp – nông dân – nông thôn luôn là lợi thế lớn nhất của quốc gia chứ không phải bất cứ lĩnh vực nào khác. Chúng ta đã từng có những bài học đau đớn đối với các lĩnh vực khác, từng phải hứng chịu những mối hiểm họa của nền kinh tế khi không có tư duy đúng về lợi thế của từng lĩnh vực, cho nên, lần này cần phải đúng, không thể tiếp tục sai được nữa.
Đồng ý rằng trong xu thế chung của thời đại, tỷ trọng của nông nghiệp có thể giảm nhưng không vì thế mà vai trò, vị thế của nông nghiệp giảm đi, thậm chí cần phải có chiến lược, giải pháp để nâng cao hơn nữa. Bởi vì kỷ nguyên mới cần nhấn mạnh lợi thế của quốc gia và lợi thế quốc gia Việt Nam chính là nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhiều chuyên gia trên thế giới đã đến đất nước chúng ta, họ ví Việt Nam là “bếp ăn của thế giới”, ví nông thôn của Việt Nam với bản sắc văn hóa đậm đà là lợi thế của Việt Nam, nhất là giá trị đặc biệt to lớn để phát triển du lịch. Chính vì vậy, nông nghiệp – nông dân – nông thôn Việt Nam chính là bản sắc của Việt Nam.
Trong kỷ nguyên mới, cùng với vấn đề toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, khi Việt Nam nhập vào quỹ đạo này thì nông nghiệp – nông dân – nông thôn chắc chắn với tất cả lợi thế như tôi đã phân tích ở trên chắc chắn sẽ giữ vai trò tiên phong để tiếp tục cải cách, đổi mới, tạo sự đột phá và là động lực phát triển của kinh tế đất nước.
Hồn cốt Việt Nam – Vị thế Việt Nam
Đặt vấn đề về vai trò, vị thế của nông nghiệp Việt Nam trong kỷ nguyên mới cũng là cách để trả lời câu hỏi: Làm gì để nông nghiệp – nông dân – nông thôn Việt Nam có thể phát triển bền vững? Làm gì để nông nghiệp – nông dân – nông thôn có thể khẳng định giá trị của Việt Nam đối với quốc tế, bảo đảm được sự phát triển như chúng ta mong muốn là xanh và an toàn?
Khi đã xác định nông nghiệp là lợi thế quốc gia, đầu tiên là cần nhìn thẳng vào thực tế những điểm yếu, nút thắt của ngành, đó là trình độ sản xuất cơ bản chưa cao; cơ cấu còn manh mún, lạc hậu; chính sách đầu tư còn hạn chế, chưa thực sự xứng tầm, sản phẩm chủ lực quốc gia chưa rõ ràng… Nhìn thẳng vào điểm yếu, điểm hạn chế để xác định phải có cách tiếp cận hoàn toàn mới.
Phải có sự hỗ trợ về nguồn lực, phải có cách mạng về cơ chế, chính sách để nông nghiệp – nông dân – nông thôn của chúng ta có thể thoát ra và tiếp tục bứt phá. Tôi luôn có niềm tin to lớn, nếu chúng ta biết nhìn ra điểm mấu chốt, thay đổi tư duy để nhìn nhận chính xác hơn về nông nghiệp – nông dân – nông thôn Việt Nam thì lĩnh vực này chắc chắn sẽ phát huy vai trò mạnh mẽ, khẳng định vị thế lớn lao, đóng góp vô cùng quan trọng để phát triển kinh tế đất nước.
Cần phải có tư duy, chính sách và tầm nhìn dài hạn cho nông nghiệp – nông dân – nông thôn. Cách tiếp cận phát triển lĩnh vực này cần phải có những tư duy đột phá, phải có cách tiếp cận khác thường, nếu chúng ta vẫn cứ duy lối tư duy cũ thì nông nghiệp – nông dân – nông thôn không thể khẳng định vị thế của một lĩnh vực quan trọng bậc nhất được.
Với tư cách một chuyên gia kinh tế, tôi kiến nghị một số cách tiếp cận, giải pháp nhằm phát huy vai trò, vị thế của nông nghiệp – nông dân – nông thôn.
Thứ nhất, cần phải có bước đột phá về cơ chế chính sách trong vấn đề thu hút đầu tư, chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt trong chuỗi sản xuất nông nghiệp.
Thứ hai, phải tạo điều kiện tiếp tục cởi trói về cơ chế chính sách, hỗ trợ nguồn lực nhiều hơn cho lĩnh vực nông nghiệp – nông dân – nông thôn. Thực tế hiện nay, dù xác định lĩnh vực này là trụ đỡ của nền kinh tế, là lợi thế của quốc gia nhưng với mức đầu tư dưới 5% trên tổng GDP là quá ít ỏi. Tiềm năng, lợi thế của nông nghiệp Việt Nam rất lớn nhưng nguồn lực manh mún, phân tán là một trong những nút thắt, rào cản khiến lĩnh vực này phát triển chưa thực sự xứng tầm.
Thứ ba, là chính sách đầu tư khoa học công nghệ trong nông nghiệp. Đây vừa là giải pháp căn cơ, nền tảng vừa là động lực để nông nghiệp Việt Nam bứt phá. Người nông dân Việt Nam tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật mới rất giỏi, sản xuất rất giỏi nhưng nền tảng khoa học công nghệ trong nông nghiệp của chúng ta còn thấp, cơ cấu phát triển còn manh mún nên cơ hội chinh phục thị trường chưa cao. Chính vì vậy, cần phải có chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, có thể thông qua doanh nghiệp, hợp tác xã để hỗ trợ khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, chuyển nền nông nghiệp Việt Nam có giá trị gia tăng cao hơn, có thể chiếm lĩnh lợi thế trên thị trường nhiều hơn.
Cuối cùng, trước thời khắc đất nước bước vào kỷ nguyên mới, tôi cho rằng nông nghiệp – nông dân – nông thôn Việt Nam sẽ lại một lần nữa đóng vai trò tiên phong, vai trò nền tảng của kinh tế đất nước trong giai đoạn phát triển mới. Xứng tầm với vị thế của lĩnh vực lợi thế quốc gia, đồng thời là hồn cốt, bản sắc và lợi thế phát triển mang tính bền vững của Việt Nam.
Nguồn: nongnghiep.vn