Vào năm 2009, cơn bão số 9 kèm theo sóng lớn đã khiến cho nhiều ngôi nhà của người dân ở khu vực cửa biển Sa Cần thuộc thôn Tân Hy 1 và thôn Sơn Trà (xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) hư hỏng, thiệt hại lớn về tài sản. Từ thời điểm đó đến nay, hàng năm, nơi đây luôn hứng chịu tác động của triều cường, sóng lớn làm sạt lở bờ biển, cuốn trôi đất đai, nhà ở, vật kiến trúc của các hộ dân.
Đặc biệt, trong 3 năm trở lại đây, tình hình sạt lở ở cửa biển Sa Cần lại càng nghiêm trọng. Nhiều đoạn sạt lở lấn sâu vào đất liền hơn 10m, một số vị trí sạt lở đến chân móng nhà của người dân với chiều dài sạt lở gần 500m. Lo sợ bị sóng biển “nuốt nhà” nhiều người đã phải bỏ đi nơi khác sinh sống. Hiện tại, còn khoảng 32 hộ với 92 nhân khẩu đang bị đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản.
Ông Ngô Quốc Nghĩa (trú thôn Tân Hy 1, xã Bình Đông) cho biết, vào năm 2009, căn nhà của gia đình ông bị sạt lở, cuốn trôi. Sau đó, ông Nghĩa đã dời dần nhà vào sâu trong đất liền hơn. Tuy nhiên, qua từng năm, sóng lớn cứ liên tục lấy đi từng mét đất, khoảng cách từ nhà đến bờ biển ngày càng bị thu hẹp. Trước tình hình này, gia đình ông đã tự bỏ tiền ra xây bờ tường đá để ngăn triều cường “cướp đất”.
“Mặc dù vậy, vào những ngày biển động, sóng lớn đánh vào sâu khiến cho việc đi lại của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Bây giờ chỉ mong chính quyền địa phương hỗ trợ xây một bờ kè kiên cố, vững chắc hoặc di dời người dân trong vùng ảnh hưởng đi nơi an toàn để ổn định cuộc sống, không còn thấp thỏm lo nhà cửa, tài sản bị cuốn trôi mỗi mùa bão lũ nữa”, ông Nghĩa chia sẻ.
Theo lãnh đạo UBND huyện Bình Sơn, để đảm bảo an toàn, trước mắt các hộ dân sống gần cửa biển Sa Cần đã tự chủ động trong việc gia cố bằng cọc tre, bờ đá, xà bần, xây tường chắn bằng đá hộc… nhằm hạn chế sạt lở bờ biển, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, đất ở, nhà ở phía bên trong. Tuy nhiên, việc gia cố mang tính chất tạm thời, không có khả năng chống chịu khi sóng lớn, thiên tai, bão lũ xảy ra.
Do đó, huyện Bình Sơn đã chỉ đạo UBND xã Bình Đông theo dõi tình hình triều cường, sóng lớn, bão lũ khu vực này, khoanh vùng các khu vực nguy hiểm; thường xuyên thông tin tình hình cho các hộ dân biết; sẵn sàng phương án di dời dân khi có nguy cơ mất an toàn do triều cường, nước dâng, sóng lớn. Đồng thời chủ động khắc phục, hạn chế sạt lở bờ biển bằng các vật liệu tại chỗ, sẵn có cũng như bố trí lực lượng phối hợp với các đơn vị chức năng kịp thời ứng phó, gia cố bờ biển khi xảy ra sạt lở.
Ông Nguyễn Ngọc Trân, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho hay, vừa qua, huyện nay đã gửi tờ trình cho các các cơ quan có thẩm quyền về việc đề nghị công bố tình trạng khẩn cấp sạt lở cửa biển Sa Cần. “Huyện Bình Sơn đề nghị UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các sở, ngành tỉnh công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai do mưa, lũ, bão và triều cường làm sạt lở cửa biển Sa Cần.
Đồng thời đầu tư khẩn cấp kè kiên cố chống sạt lở để đảm bảo an toàn tính mạng, nhà ở, đất ở của người dân thuộc thôn Tân Hy 1 và thôn Sơn Trà (xã Bình Đông) Dự kiến tổng mức đầu tư dự án khoảng 40 tỷ đồng cho tuyến kè dài 450m theo hình thức kè mái nghiêng, thời gian thực hiện vào năm 2025”, ông Trân thông tin.
Nguồn: nongnghiep.vn