Anh Phan Thìn, chủ một cửa hàng tạp hóa lớn tại khu vực chợ Đồng Hới (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), cho hay: “Tết năm nay người mua hàng đến sớm hơn trước đây. Thông thường sau rằm tháng Chạp mới có người mua hàng. Nhưng bữa nay, mấy ngày trước đã nhiều người đến đặt túi quà lễ Tết rồi. Hy vọng những ngày giáp Tết, sức mua hàng của người dân sẽ được tăng lên”.
Hàng trang trí lên, bia rượu xuống…
Chợ Đồng Hới được xem như là trung tâm thương mại bán lẻ của thành phố và cả tỉnh Quảng Bình. Trước cổng chợ thường có nhiều hàng tạp hóa phục vụ khách hàng. Những ngày giáp tết con Rồng, lượng người mua đã tăng lên, bãi giữ xe gần đó cũng nhộn nhịp hẳn lên. Cả một dãy quầy hàng như rực rỡ sắc màu bởi hoa, bóng bay, sắc đỏ đèn lồng, vàng, xanh của các tấm mành trúc…
Chị Mai Trang vừa chọn hàng vừa đon đả chào mời khách đến xem, mua hàng. Vẫn thoăn thoắt xếp hàng, chị cho hay, do năm ngoái những mặt hàng nhóm trang trí bị “cháy” nên năm nay chợ dồn vốn nhập sớm về với tổng trị giá trên nửa tỷ đồng.
“Vào dịp đón tết, các trường học, khối cơ quan mua nhiều để về trang trí làm không gian tết xưa cho học sinh hay nơi chụp ảnh dịp tết nên bán cũng khá chạy hàng và sớm hơn”, chị Trang cho hay.
Một nhóm các chị vào cửa hàng và hỏi thăm nhau năm nay trang trí theo mẫu nào cho bắt mắt. Chị Trang nhanh nhẹn trả lời: “Vải con công làm hai bên, mành trúc trang trí vảy rồng nha các chị”. Một loáng, chị Trang đã đóng đủ hàng vào túi cho khách và không quên tặng thêm chiếc đèn lồng màu đỏ nhỏ xinh để mang lại sự may mắn.
Cửa hàng anh Phan Thìn cũng có người đến đóng hàng tết sớm. Hàng anh lấy về cũng đủ chủng loại của nhóm bánh kẹo, mứt, trà, nước uống có ga. Mấy năm trước, tôi cũng hay ghé đây, thấy bia hộp, bia thùng chất từ trong ra ngoài. Nhưng nay thấy trống.
Anh Thìn giải thích: “Dự báo năm nay sẽ ít người dùng bia, rượu nên cũng chỉ nhập về vài chục thùng. Các năm trước nhập vài trăm thùng có khi còn tuần nữa mới đến tết đã sạch không còn lon bia nào. Do các cơ quan chức năng làm mạnh tay đo nồng độ cồn nên các quầy tạp hóa cũng không có ai nhập về nhiều bia, rượu đâu. Chỉ nhập trong đó bia Heineken loại 20 lon/hộp chứ cũng không lấy loại 24 lon đâu”, anh Thìn nhìn nhận.
Cũng theo anh Thìn, những ngày này, người đến đặt hàng làm túi quà tết cũng có xu hướng giảm ở mức dưới 1 triệu đồng/túi quà. Hôm trước có cơ quan đến đặt mấy chục túi quà mức giá 1 triệu đồng nhưng cũng rất khó làm vì tính ra cũng không có lãi được bao nhiêu. “Trong đó chai rượu hết 400 ngàn đồng, hộp bánh Nga 160 ngàn đồng, trà cà phê 100 ngàn đồng, bánh Thái 140 ngàn đồng cùng với các loại bánh kẹo, thuốc lá khác cũng hết thêm 170 ngàn đồng nữa và chi phí băng keo, túi nilon, công xá… thì lãi cũng chỉ được khoảng 20 – 30 ngàn đồng nên cũng không nhận nhiều”, anh Thìn tính toán.
Cửa hàng của bà Kim Tuyến trên đường Lý Thường Kiệt thông thường khách đông cho đến chiều tối 30 Tết. Theo bà Kim Tuyến thì cửa hàng chủ yếu nhận đóng túi hàng làm quà Tết cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân có nhu cầu. ‘Trị giá túi quà tùy theo khách hàng đặt bao nhiêu thì cửa hàng đáp ứng bấy nhiêu tiền”, bà Kim Tuyến cho hay.
Khi chúng tôi vào cửa hàng đã có mấy người đến đặt thử túi quà và xem mẫu mã, chất lượng hàng. Chị Trần Hà (làm ở một cơ quan ngân hàng), đang xem túi hàng mà nhân viên vừa đóng gói rồi nhấc lên xem nặng nhẹ rồi hài lòng: “Túi như này tổng giá 450 ngàn đồng là được. Bên em đặt cho chị 30 túi nhé. Sau mấy hôm sẽ đặt thêm nhiều”. Cô nhân viên giao dịch của cửa hàng cũng dặn: “Chị nhớ có thông tin sớm, chứ muộn là hết hàng chúng em không nhận được đâu”.
Sức mua “chạy” về vùng nông thôn…
Những năm trước, người dân các vùng nông thôn, phụ cận thành phố, thị xã thường phải về đô thị mua hàng hóa tết. Nhưng bữa nay gần như đã có sự thay đổi đáng kể. Họ về phố thị vừa để đi chơi, thăm thú và mua ít thứ hàng kiểu như khảo giá. Tại quầy bán hoa, cây cảnh sát đường Nguyễn Hữu Cảnh (thành phố Đồng Hới), cũng đông người.
Anh Nguyễn Văn Thành quê ở xã Gia Ninh cách xa khoảng hai chục cây số hỏi một chậu hoa thược dược được chủ vườn hô giá 80 ngàn đồng, xin bớt 10 ngàn cũng không đồng ý. Anh quay sang hỏi chậu hoa cẩm tú cầu có giá 129 ngàn đồng không bớt.
Anh Thành nhìn tôi cười bảo: “Hỏi cho biết thôi chứ quầy hoa cây cảnh trên làng của thằng bạn nó bán với giá 200 ngàn/3 chậu hoa thược dược và 80 ngàn chậu cẩm tú cầu thôi”, Thành nói rồi lên xe nổ máy đi.
Chị Mai Thảo (ở cách Đồng Hới cũng chừng hơn hai mươi cây số), có quầy bán tạp hóa tại nhà. Năm nay, chị vay vốn đầu tư xây cửa hàng rộng hơn và bày biện các kệ hàng hai bên giữa lối đi như kiểu siêu thị, Hàng bán dịp tết chị nhập về gần như đủ các chủng loại từ vật dụng gia đình đến bánh kẹo thuốc trà lẫn sang cả hàng điện nước. “Thì ở quê, phục vụ đủ hết cả. Bà con thiếu, cần gì thì mình phục vụ thứ đó nên đỡ phải về thành phố xa xôi”, chị Thảo cho hay.
Kệ bánh cũng đủ loại. Từ hộp sắt đến hộp bìa cứng, đủ hình vuông, tròn, đủ màu sắc vàng, đỏ, xanh… Nhiều người chọn hàng cứ nhấc từng hộp bánh lên như để “cân” trọng lượng rồi mới chọn mua. Chị Thảo bảo: “Bây giờ hàng hóa sản xuất có mẫu mã bắt mắt như nhau cả. Bà con cũng chưa quen dùng loại hàng nào. Vì vậy, cứ cầm hộp bánh lên tay cùng kích cỡ tương đương nhau mà hộp nào thấy nặng tay là bà con chọn thôi. Bà con cho rằng hộp bánh nặng là chất lượng cao hơn hay số lượng nhiều hơn mà. Chứ khi mua, có ai được mở hộp bánh ra kiểm tra được đâu”.
Chị Thảo cũng cho hay, năm nay nhập nhiều bánh kẹo hơn và dễ bán trong cả năm. Riêng bia thì chị cũng nhập giảm hơn năm ngoái một chút và chỉ các loại bia lon Sài Gòn hay Huda với giá bán khoảng 250 ngàn đồng mỗi hộp. “Vì vùng thôn quê nên bà con vẫn uống ba ngày tết vì họ chỉ đi lại trong làng, không đi xa”, chị Thảo giải thích.
Cửa hàng của chị Thanh Nga thì bán nhiều hàng hóa của Lào, Thái Lan. Chị có người thân làm ăn bên đó nên gửi hàng về đều đặn. Dịp tết này, hàng hóa nhiều hơn, cũng đủ đầy bánh kẹo, gạo nếp… Hỏi giá một ký nếp cái hoa vàng, chị Nga bảo giá 35 ngàn đồng. “Nếu ở dưới phố là người ta bán đến 45 ngàn đồng/ký đó. Trên này em lấy hàng tại gốc lại không phải mất tiền thuê mặt bằng nên có giá bán rẻ hơn cho bà con. Năm nay em cũng bán như năm ngoái vậy chứ không tăng giá”, chị Nga bộc bạch thêm.
Các mặt hàng nông sản cũng bắt đầu chuyển động. Ông Lê Đình Quả, Giám đốc Công ty TNHH MTV An Nông cho hay, năm nay thị trường chậm hơn so với mọi năm rất nhiều. Doanh thu của An Nông giảm khoảng 20%, mặc dù các mặt hàng kinh doanh của công ty đều là hàng thiết yếu như rau đậu, củ quả, trái cây…
Chính vì vậy, đội ngũ công ty phải họp bàn mấy lần để chủ động tìm phương án kích cầu. Công ty đã tổ chức chuỗi hoạt động “Phiên chợ Tết An Nông”, Chương trình được tổ chức với các chương trình ưu đãi về giá; trải nghiệm, dùng thử các sản phẩm đặc sắc; thầy đồ tặng chữ; chụp ảnh checkin ngày Tết… “Rất vui là kết quả cho thấy doanh thu cũng tăng lên khá ổn. Lượng hàng bán ra đã bắt đầu tăng lên”, anh Quả nói thêm.
Nhiều đơn vị cung ứng hàng hóa tết cũng có nhận định do suy thoái kinh tế nên nhu cầu và thói quen mua sắm Tết của người tiêu dùng hiện nay đã thay đổi theo hướng thắt chặt hơn. Các mặt hàng xa xỉ phải hạn chế mà thiên về những sản phẩm truyền thống với mức giá phải chăng thì sẽ thuận lợi hơn.
Để hoạt động kinh tế mua bán được diễn ra bình thường, UBND tỉnh Quảng Bình đã có Chỉ thị gửi các cơ quan, địa phương về tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán. Theo đó, Sở Công thương phối hợp với các lực lượng thực hiện kiểm tra, giám sát chất lượng, giá cả hàng hóa để người dân đón tết vui xuân trong an lành.
Nguồn: nongnghiep.vn