Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá (CLSPHH) và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật (TCQCKT) được Quốc hội thông qua năm 2006, là những luật gốc có phạm vi ảnh hưởng rất lớn.
Hai bộ luật này quyết định toàn bộ cách thức tiếp cận và phương thức kiểm soát chất lượng, an toàn sản phẩm, hàng hóa và chi phí sản xuất sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến sức sản xuất của doanh nghiệp và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.
Sau gần 20 năm áp dụng đã có những tác động tích cực trong kiểm soát chất lượng, an toàn sản phẩm, hàng hoá của nước ta. Đến nay, do trình độ và năng lực sản xuất kinh doanh, sản phẩm, hàng hoá của nước ta đã thay đổi, đất nước hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, 2 luật này không còn phù hợp, và gây phát sinh nhiều chi phí sản xuất không cần thiết, bỏ lỡ nhiều cơ hội cạnh tranh của hàng hoá Việt trên thị trường quốc tế.

Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá và Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn sau gần 20 năm triển khai đã không còn phù hợp với trình độ và năng lực sản xuất kinh doanh, sản phẩm, hàng hoá của nước ta hiện nay.
Theo số liệu thống kê, sản lượng các loại thịt gia súc, gia cầm sản xuất trong nước tăng trung bình 2-3%/năm, trong khi thịt các loại nhập khẩu vào Việt Nam tăng trung bình từ 15-20%/năm. Nếu tình hình này không được kiểm soát, trong tương lai gần, Việt Nam sẽ trở thành nước nhập khẩu thực phẩm, nhất là khi các dòng thuế quan nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi theo cam kết của các FTA đang dần về 0%.
Giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước cao, không phải do năng suất chăn nuôi trong nước thấp, mà chủ yếu do còn quá nhiều các chi phí bất hợp lý trong sản xuất được quy định trong một số Luật đang là “điểm nghẽn” tác động không nhỏ tới ngành chăn nuôi Việt Nam.

TS Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị bỏ quy định công bố hợp quy sản phẩm. Ảnh: MH.
Tại Hội thảo Những bất cập trong thực hiện Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá trong lĩnh vực Nông nghiệp và Môi trường diễn ra ngày 24/2 tại Hà Nội do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức, TS Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam chỉ ra những bất cập của việc hợp quy.
Theo quy định hiện nay, các chỉ tiêu chất lượng và chỉ tiêu an toàn (QCKT) của sản phẩm đã được người sản xuất công bố trong hồ sơ đăng ký sản phẩm và trên nhãn mác bao bì nay lại yêu cầu phải làm các thủ tục công bố hợp quy sản phẩm trước khi đi vào sản xuất và lưu thông sản phẩm là rất hình thức, gây phát sinh chi phí, thời gian làm tăng giá thành sản phẩm và chậm cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.
Mặt khác, các lô hàng nhập khẩu vào Việt Nam đều phải lấy mẫu phân tích kiểm tra để công bố hợp quy. Như vậy 100% lô hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam phải kiểm tra công bố hợp quy, nghĩa là nghĩa là phải thực hiện tiền kiểm, trái với chủ trương của nhà nước chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Việc này gây khó khăn cho hoạt động logistic và áp dụng thương mại điện tử.
“Không nước nào làm như vậy, ngay cả đối với những mặt hàng buộc phải lấy mẫu kiểm tra chất lượng trước thông quan, thì thông thường cũng chỉ áp dụng theo phương thức xác suất, để lấy mẫu không vượt quá 5% số lô hàng nhập khẩu. Chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm là chủ trương nhằm tạo điều kiện thuận lợi và phát huy tối đa sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm của người SXKD mà Nhà nước ta cũng như các quốc gia đang khuyến khích áp dụng”, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết thêm.
Hiện Quốc hội đang cho phép sửa đổi 2 Luật này, là cơ hội rất tốt để tháo gỡ những nút thắt, bất cập nêu trên, cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội có kiến nghị bỏ hình thức công bố hợp quy sản phẩm để hoạt động sản xuất kinh doanh được thuận lợi hơn.
Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam đưa ra kiến nghị bỏ quy định công bố hợp quy sản phẩm, hàng hoá, trong đó có lĩnh vực chăn nuôi, thú y trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật làm cơ sở để sửa đổi các Luật chuyên có liên quan.

Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam Phan Xuân Dũng đề xuất hợp nhất Luật TCQC vào Luật CLSP. Ảnh: MH.
Đồng tình với ông Dương, Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam Phan Xuân Dũng, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia, nhà khoa học cũng đưa ra kiến nghị bỏ quy định phải công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa trước khi sản xuất, lưu thông. “Đây là điểm nghẽn của cơ chế, pháp luật, gây phức tạp, phiền hà không đáng có cho hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm hàng hóa của Việt Nam”, ông Dũng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Dũng cũng đưa ra đề xuất hợp nhất Luật TCQC vào Luật CLSP, trong đó dành một số chương, điều quy định về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý và người dân, doanh nghiệp truy cập và thực hiện.
Nguồn: nongnghiep.vn