“Ông Tơ bà Nguyệt” se duyên
Dưới chân núi Ka Đay một tộc người tưởng như tuyệt chủng hàng chục năm trước nay “lột xác” đổi thay không ngừng. Cái thời sống trong hang đá, ăn rau dại, dùng vỏ cây che thân đã thành ký ức, nhường chỗ cho những mái ngói khang trang, trang phục sặc sỡ. Dưới đồng, lúa nước, rau màu được gieo trồng như những vườn mẫu không khác gì miền xuôi.
Đời sống văn hóa, tinh thần hòa nhịp cùng người Kinh. Ở đó, công cuộc xóa mù chữ với thế hệ trẻ gần như tuyệt đối, trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường, không ít em bước chân vào giảng đường đại học trong niềm tự hào khôn xiết của dân bản.
Trong hành trình “thuần hóa” tộc người Chứt, bản Rào Tre, xã Hương Liên (Hà Tĩnh) có lẽ khó khăn nhất là xóa bỏ hôn nhân cận huyết.
Theo Trung tá Nguyễn Văn Thiên, tổ trưởng tổ công tác Biên phòng bản Rào Tre, đồn Biên phòng Bản Giàng, tháng 6/2001, anh cùng đồng đội trong tổ công tác đặc biệt thực hiện “Đề án Bảo tồn phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội cho đồng bào dân tộc Chứt, bản Rào Tre” được giao nhiệm vụ “xóa mù chữ” cho đồng bào. Giai đoạn ấy, việc tiếp cận bà con cực kỳ gian nan, vất vả. Thấy người lạ đến cả bản đều trốn tránh, nhìn cán bộ như “người ngoài hành tinh”.
“Chúng tôi xác định sẽ mất nhiều thời gian nhưng nếu không thay đổi con người thì không thể xóa bỏ được hủ tục lạc hậu của tộc người này”, Trung tá Thiên nói.
Nguyên nhân do lối sống biệt lập trong rừng sâu, việc giao lưu, tiếp xúc với đồng bào các dân tộc khác bên ngoài hạn chế nên tình trạng con chú lấy con bác, con chị lấy con em, con dì lấy con cậu, cháu anh lấy cháu em… vốn dĩ rất bình thường. Vì thế, những đứa trẻ sinh ra từ cái vòng luẩn quẩn của hôn nhân cận huyết đều chậm lớn và mang trong mình những mầm mống bệnh tật ảnh hưởng đến nòi giống của người Chứt.
Để xóa bỏ hủ tục này, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh và chính quyền địa phương trở thành những “ông Tơ bà Nguyệt”, thường xuyên xây dựng các buổi giao lưu văn nghệ, thể thao giữa đồng bào Chứt ở Quảng Bình và Hà Tĩnh; giữa đồng bào Chứt, bản Rào Tre và nam thanh, nữ tú người Kinh ở huyện Hương Khê. Quá trình giao lưu đó đã sẽ duyên cho 9 cặp vợ chồng đồng bào Chứt, Hà Tĩnh lấy đồng bào Chứt, Quảng Bình và 8 cặp đồng bào Chứt kết hôn với người Kinh.
Nhớ lại ngày đại diện họ nhà gái tổ chức hôn lễ cho chị Hồ Thị Thường, sinh năm 2003 (dân tộc Chứt) và anh Thái Văn Khải (dân tộc Kinh), ở xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, Trung tá Nguyễn Văn Thiên bồi hồi: “Khi mới lên cắm bản, tôi đã trực tiếp dạy chữ, hướng dẫn Thường cấy lúa, nuôi gà, nuôi bò rồi dìu dắt cháu vào Đảng và bây giờ đi đến hôn nhân. Lúc giao dâu, tôi vừa vui vừa xúc động không khác gì người cha tiễn con đi lấy chồng”.
Ngoài trách nhiệm của người lính biên phòng, anh Thiên xác định mình như người anh, người cha phải giúp đồng bào dân tộc Chứt phát triển toàn diện về thể chất, nhận thức, văn hóa để hòa nhập với thế giới bên ngoài.
Với cặp vợ chồng đầu tiên không chung huyết thống Hồ Xuân Nam (dân tộc Chứt Hà Tĩnh) và Hồ Thị Khiên (dân tộc Chứt Quảng Bình), hành trình tìm hiểu của họ cũng xuất phát từ “ông Tơ bà Nguyệt” Bộ đội Biên phòng. Năm 2003 trong buổi giao lưu văn nghệ giữa đồng bào Chứt hai tỉnh, Nam trúng tiếng sét ái tình của Khiên. Sau khi tìm hiểu, họ được Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương tổ chức một hôn lễ bài bản theo phong tục của người Kinh, sau đó định cư tại bản Rào Tre, sinh con đẻ cái. Kinh tế gia đình hiện thuộc top khá giả nhất bản, đầy đủ tiện nghi như ti vi, tủ lạnh, xe máy…
“Hồ Xuân Nam và Hồ Thị Khiên rất chăm chỉ làm ăn. Người chồng vừa đi làm thuê vừa là thành viên tổ an ninh cơ sở của bản Rào Tre, còn vợ ở nhà nuôi 4 con bò, trồng lúa, trồng rau để phục vụ cuộc sống hàng ngày. Chứng kiến đổi thay của đồng bào chúng tôi mừng vô cùng”, ông Nguyễn Xuân Mẫn, Bí thư chi bộ bản Rào Tre vừa hướng dẫn bà con trồng rau màu vụ đông, xây dựng thí điểm mô hình vườn mẫu vừa nói.
Con đường hy vọng
Năm 1991, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh phát hiện một bộ phận người Chứt sinh sống trong rừng sâu bản Rào Tre, xã Hương Liên. Sau khi vận động đồng bào xuống núi, Đảng, Nhà nước giao các lực lượng dạy đồng bào học chữ, phát triển sản xuất theo phong tục của người Kinh; đầu tư nguồn lực xây nhà mới, góp phần tạo môi trường sống trong lành, an toàn cho 45 hộ với 156 nhân khẩu.
Tuy nhiên, người Chứt có những đặc tính văn hóa rất riêng biệt, sống khép kín, ít giao lưu với bên ngoài, trong khi số lượng dân số ít ỏi, tỷ lệ nam giới chiếm gấp 3 lần so với nữ giới nên việc duy trì nói giống, ngăn chặn hôn nhân cận huyết trong tương lai khá nan giải.
“Sắp tới Bộ Quốc phòng sẽ thi công dự án đường giao thông từ bản Rào Tre đi Quảng Bình, với tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng; chiều dài hơn 11km. Con đường này ấp ủ từ thời bác Võ Trọng Việt đang là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh nhằm mục đích nối nhịp cầu duyên, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào Chứt 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh có cơ hội giao lưu, tìm hiểu, kết nghĩa phu thê”, Tổ trưởng tổ công tác Biên phòng bản Rào Tre Nguyễn Văn Thiên nhấn mạnh.
Dù cách bản Rào Tre 8km theo đường chim bay nhưng hiện nay đồng bào dân tộc Chứt ở bản Cà Xen và bản Hợp Hóa, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa muốn tìm hiểu nhau phải cắt rừng đi bộ hoặc di chuyển theo đường mòn Hồ Chí Minh quãng đường gần 60km.
UBND huyện Hương Khê cho rằng, việc đầu tư xây dựng tuyến đường không chỉ cải thiện hôn nhân cận huyết mà còn tạo tiền đề cho sự hòa nhập cộng đồng, phát triển kinh tế – xã hội; phát triển giáo dục, nâng cao dân trí; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Chứt. Nhìn rộng hơn, khi xảy ra thiên tai, cháy rừng, tuyến đường này sẽ hỗ trợ ứng cứu nhanh chóng, kịp thời.
Lãnh đạo UBND huyện Hương Khê nhấn mạnh: “Hành trình 33 năm xoá bỏ hủ tục hôn nhân cận huyết, chính quyền địa phương đã phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng tuyên truyền vận động; tổ chức hàng trăm cuộc giao lưu văn hoá giữa người đồng bào dân tộc Chứt với người Kinh và với người đồng bào dân tộc Chứt ở Quảng Bình.
Đặc biệt, trong các lễ hội như Tết Lấp Lỗ – nét văn hóa riêng của đồng bào Chứt, chúng tôi tổ chức cho các cặp đôi có cơ hội giao lưu, kết nối. Từ sự nỗ lực của nhiều lực lượng, đến nay hủ tục hôn nhân cận huyết tại bản Rào Tre đã được xoá bỏ hoàn toàn”.
Nguồn: nongnghiep.vn