Đầu tư nguồn lực phát triển nông thôn
Huyện Tân Hiệp là lá cờ đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh Kiên Giang. Đây là huyện đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2015, được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận chính thức năm 2016.
Từ đó đến nay, huyện Tân Hiệp không chỉ quyết tâm giữ vững các tiêu chí đã đạt được, mà còn nâng cao chất lượng, nỗ lực xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Theo Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia huyện Tân Hiệp, năm 2024, huyện phấn đấu xây dựng xã Tân Hiệp B đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đối với nông thôn mới nâng cao, có ít nhất 2 trong 4 xã Tân Hiệp A, Tân An, Thạnh Đông và Thạnh Đông A được công nhận đạt chuẩn.
Để hoàn thành mục tiêu này, huyện Tân Hiệp tăng cường tuyên truyền, phát động phong trào thi đua, ra quân thực ngày cao điểm “Tình nguyện chung tay xây dựng Nông thôn mới và Ngày chủ nhật xanh”. Cùng với đó là tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức lại sản xuất để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Về Giao thông nông thôn, thường xuyên duy tu, sửa chữa các tuyến đường tỉnh lộ và huyện, đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân. Trong năm, thực hiện 15 công trình giao thông, gồm 4 cây cầu và 11 công trình đường, với tổng giá trị đầu tư 41,7 tỷ đồng. Phấn đấu duy trì tỷ lệ nhựa hóa và bê tông hóa đường giao thông nông thôn đạt từ 98% trở lên.
Năm 2024, huyện Tân Hiệp đầu tư tổng số 41 công trình thủy lợi, với kinh phí gần 157 tỷ đồng từ nguồn vốn thủy lợi phí. Ngoài ra, từ nguồn vốn Nghị định 35, đầu tư tổng số 20 công trình thủy lợi, với kinh phí 13,5 tỷ đồng. Qua đó, đảm bảo 100% diện tích sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động.
Cùng với đó là thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, phát triển ngành nghề, du lịch nông thôn, nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Triển khai kế hoạch phân vùng sản xuất nông nghiệp, khởi động và thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.
Thực hiện quản lý mã số vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, huyện có 81 mã số vùng trồng cho cây lúa đáp ứng Tiêu chuẩn cơ sở quy trình thiết lập và giám sát mã số vùng trông theo quy định.
Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể, với 59 hợp tác xã đang hoạt động, gồm 1 hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp và 58 hợp tác xã nông nghiệp. Đẩy mạnh phát triển chương trình mỗi xã một sản phẩm – OCOP, đến nay trên địa bàn huyện có 20 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao.
Tiến lên kiểu mẫu
Là xã điểm được huyện Tân Hiệp chọn thực hiện nông thôn mới kiểu mẫu, Tân Hiệp B đang nỗ lực phấn đấu mục tiêu này. Ông Nguyễn Minh Lành, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp B cho biết, xã được tỉnh Kiên Giang quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Thực hiện nông thôn mới kiểu mẫu, xã không thực hiện dàn trải, mà chọn các lĩnh vực nổi trội để đột phá, kéo các lĩnh vực khác phát triển theo.
Cụ thể, chính quyền và người dân xã Tân Hiệp B thống nhất chọn 2 lĩnh vực về tổ chức sản xuất và an ninh trật tự để thực hiện của bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện nay, trên địa bàn xã có Hợp tác xã Nông nghiệp Tân An hoạt động liên kết kinh doanh hiệu quả.
Phấn đấu thực hiện thêm Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Hòa A thực hiện liên kết kinh doanh hiệu quả với doanh nghiệp thu mua trên địa bàn xã.
Cùng với đó, xã Tân Hiệp B đã phối hợp Phòng Văn hóa và Thông tin huyện và các đơn vị liên quan rà soát triển khai thực hiện mô hình ấp thông minh trong phát triển sản xuất và quản lý an ninh trật tự.
Đối với các xã thực hiện nông thôn mới nâng cao là Tân Hiệp A, Tân An, Thạnh Đông và Thạnh Đông A, hiện nay còn một số tiêu chí chưa đạt như về chất lượng môi trường sống, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch còn thấp, đảo tạo nghề cho lao động nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn cao hơn so với quy định.
Để giải quyết vấn đề này, hiện dự án Nhà máy nước Giồng Riềng, Tân Hiệp – N.I.D đang được đầu tư xây dựng, sẽ sớm đi vào hoạt động và đầu tư thêm trạm tăng áp thi công lắp đặt tuyến ống đến địa bàn các xã.
Bên cạnh đó, dự án Nhà máy nước liên xã Tân Thành, Tân Hội, Tân Hòa, Tân An và các vùng lân cận đang thi công lắp đặt các tuyến ống và vận động người dân đăng ký lắp đặt đồng hồ.
Qua đó, sẽ nâng tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung trên địa bàn, đảm bảo sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Xây dựng nông thôn mới góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn trên địa bàn huyện Tân Hiệp. Hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng, nhựa hóa, bê tông hóa.
Sản xuất nông nghiệp phát triển, hệ thống thủy lợi được nâng cấp và xây mới đã cơ bản cơ bản phục vụ tưới tiêu, kiểm soát lũ. Chương trình OCOP góp phần nâng cao hiệu quả phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Nguồn: nongnghiep.vn