Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang dự thảo Thông tư quy định về việc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3 (Yagi).
Theo đó, chính sách này sẽ áp dụng cho khách hàng vay vốn tại 26 tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng trực tiếp của siêu bão Yagi gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa.
Trước đó, tại Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024, NHNN được giao chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão số 3 (Yagi) theo các quy định hiện hành.
Căn cứ quy định và chỉ đạo của Chính phủ, việc ban hành Thông tư quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ là điều cấp bách để thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 143/NQ-CP.
Theo dự thảo, các tổ chức tín dụng sẽ xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho số dư nợ gốc và/hoặc lãi dựa trên đề nghị của khách hàng và khả năng tài chính của tổ chức. Thông tư áp dụng cho các khoản nợ phát sinh trước ngày 7/9, với nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 7/9 đến hết ngày 31/12/2025.
Việc xem xét cơ cấu hạn trả nợ được thực hiện trong 3 tháng đầu tiên kể từ ngày Thông tư có hiệu lực và thời gian cơ cấu hạn trả không quá 1 năm. Thời điểm trả nợ cuối cùng của khoản vay được cơ cấu, tùy theo mức độ khó khăn của khách hàng, nhưng không được muộn hơn ngày 31/12/2026.
Trong 10 ngày đầu của mỗi tháng, các tổ chức tín dụng (trừ quỹ tín dụng nhân dân) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải gửi báo cáo cho NHNN về tình hình thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ tính đến ngày cuối tháng trước.
Đáng chú ý, theo Cơ quan soạn thảo, việc xử lý khoanh nợ cho khách hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cần từ 6 – 8 tháng (có trường hợp là hơn 1 năm), do phải thực hiện xử lý tại nhiều cấp ở địa phương, các bộ và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Do vậy, dự thảo Thông tư đã có quy định để xử lý đối với tình huống nêu trên, đảm bảo các tổ chức tín dụng có thể triển khai thực hiện ngay chính sách hỗ trợ cơ cấu nợ cho khách hàng theo quy định pháp luật.
Dư nợ bị ảnh hưởng bởi bão số 3 lên tới 165.000 tỷ đồng
Theo thống kê từ các ngân hàng (đến ngày 25/9), dư nợ bị ảnh hưởng của bão số 3 tại tất cả tỉnh thành lên tới 165.000 tỷ đồng, với số khách hàng chịu ảnh hưởng là hơn 94.000.
Đến nay, đã có 32 ngân hàng cũng đã công bố giảm từ 0,5-2% lãi suất cho cá nhân và hộ kinh doanh vay vốn chịu thiệt hại vì bão Yagi, với tổng giá trị 405.000 tỷ đồng.
Như báo NNVN đã thông tin, ngay sau khi cơn bão Yagi đi qua, ngày 9/9, NHNN đã có văn bản số 7417/NHNN-TD gửi Chủ tịch HĐQT/Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Giám đốc NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố về việc triển khai các giải pháp để hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do siêu bão gây ra.
Cụ thể, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng: chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định hiện hành.
Thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 và Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Thông tư 10/2015/TT-NHNN ngày 22/7/2015 và Thông tư 25/2018/TT-NHNN ngày 24/10/2018 của NHNN hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP…
Nguồn: nongnghiep.vn