Thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị lúa gạo
Tỉnh Hậu Giang là một trong những địa phương sản xuất lúa gạo trọng điểm của vùng ĐBSCL, với diện tích gieo trồng cả năm đạt trên 170.000ha, sản lượng hơn 1 triệu tấn/năm.
Đứng trước thách thức của biến đổi khí hậu, việc canh tác lúa 3 vụ liên tục nhiều năm khiến đất đai trở nên bạc màu, sâu bệnh phát sinh và gây hại nhiều. Năng suất lúa “chạm đỉnh” không còn khả năng tăng cao hơn nữa, thậm chí có phần sụt giảm, đòi hỏi ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang phải thực hiện công cuộc chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Ngày 12/12/2023, Hậu Giang được lựa chọn là địa phương khởi đầu cho chiến lược mới, quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam, khi Bộ NN-PTNT chính thức phát động thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (Gọi tắt là Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao).
Ngay sau lễ phát động, với sự đồng tình ủng hộ và tham gia của bà con nông dân, HTX và doanh nghiệp, Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang liên tiếp tổ chức nhiều chương trình, kế hoạch, mô hình canh tác lúa thông minh, giảm phát thải khí nhà kính trải đều khắp các địa phương.
Trong đó, tỉnh đã lựa chọn 6 vùng trồng lúa trọng điểm ở TP Vị Thanh, TX Long Mỹ, huyện Vị Thủy, Châu Thành A, Long Mỹ và Phụng Hiệp để tập trung củng cố các diện tích được đầu tư từ Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT).
Ông Ngô Minh Long – Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, thời gian qua địa phương tập trung xây dựng các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa gạo, gắn với bao tiêu sản phẩm.
Hằng năm, diện tích liên kết tiêu thụ lúa gạo của tỉnh đạt trên 25.000ha. Các mô hình ngày càng được người dân quan tâm bởi tính hiệu quả và tăng được thu nhập cho nông dân.
Tuy nhiên, chuỗi giá trị lúa gạo trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đang gặp một số khó khăn thách thức như diện tích canh tác nhỏ, manh mún, khả năng liên kết gặp nhiều trở ngại; hệ thống thủy lợi, đường giao thông một số nơi chưa hoàn thiện; các mô hình tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi chưa phát triển ổn định, thiếu bền vững…
Hiện nay, để phục vụ đề án, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang thực hiện duy tu, bảo dưỡng một số công trình thủy lợi hiện có. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống kênh mương kết hợp với giao thông nội đồng để chủ động tưới, tiêu, quản lý nước và thuận lợi cho máy móc vận hành…
Để giải quyết những tồn tại này, ông Long cho rằng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về đầu tư vào hạ tầng; xây dựng thương hiệu gạo Hậu Giang; tăng cường đào tạo, chuyển giao công nghệ cho nông dân; các biện pháp quản lý, liên kết, tiêu thụ sản phẩm; hoàn thiện các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo trên địa bàn tỉnh.
Ngày 25/10, UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo liên kết chuỗi giá trị lúa gạo góp phần thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.
Hội thảo quy tụ khoảng 200 đại biểu là đại diện các cơ quan trực thuộc Bộ NN-PTNT, hiệp hội, các chuyên gia, doanh nghiệp, ngành nông nghiệp các tỉnh thành vùng ĐBSCL, HTX và bà con nông dân để cùng thảo luận, nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách; từ đó giúp tỉnh Hậu Giang có định hướng chỉ đạo thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao trong vụ đông xuân 2024 – 2025 và những mùa vụ tiếp theo.
Hội thảo tập trung thảo luận và đưa ra các giải pháp để giải quyết những khó khăn, thách thức trên. Đặc biệt tại sự kiện, Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang sẽ ký kết hợp tác với Ngân hàng Agribank chi nhánh tỉnh Hậu Giang hỗ trợ tín dụng cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và Công ty Cổ phần chứng nhận và kiểm định Vinacontrol, sẽ cung cấp các giải pháp đảm bảo chất lượng và an toàn cho hàng hóa.
Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang tham gia ký kết hợp tác với 10 doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, máy móc cơ giới hóa phục vụ sản xuất lúa gạo.
Liên hiệp HTX lúa gạo mekong thực hiện ký kết hợp tác với 6 doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng lúa gạo.
Trên 1.400ha thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Theo kế hoạch, giai đoạn 2024 – 2025, tỉnh Hậu Giang sẽ tập trung củng cố 28.000ha đất trồng lúa tham gia Dự án chuyển đổi Nông nghiệp bền vững (VnSAT).
Đến giai đoạn 2026 – 2030, tỉnh sẽ tổ chức triển khai thực hiện Dự án “Hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho lúa carbon thấp tỉnh Hậu Giang” do Bộ NN-PTNT chủ trì. Dự án này sẽ góp phần phát triển cơ sở hạ tầng cho chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao, các bon thấp thông qua các hoạt động đầu tư hệ thống tưới tiêu; đê bao liên vùng, kết hợp giao thông, vận chuyển nông sản; phát triển, chuyển giao công nghệ, phát triển diện tích lúa chất lượng cao, phát thải thấp đạt 46.000ha.
Vừa qua, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành 2 kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Cụ thể, Kế hoạch số 112/KH-UBND ngày 21/5/2024 về thực hiện Đề án tại tỉnh Hậu Giang năm 2024 – 2025 và Kế hoạch số 167/KH-UBND ngày 12/9/2024 về triển khai thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.
Theo đó, Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang đang triển khai thực hiện mô hình thí điểm 180ha tại TP Vị Thanh, thị xã Long Mỹ, huyện Vị Thủy, Châu Thành A, Long Mỹ và Phụng Hiệp.
Các mô hình cũng lồng ghép ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP, liên kết chuỗi, nâng cao giá trị sản phẩm.
Tại huyện Long Mỹ, trong vụ đông xuân 2023 – 2024 và hè thu 2024, đã triển khai 2 mô hình thí điểm sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn SRP kết hợp với áp dụng cơ giới hoá để thúc đẩy liên kết sản xuất – tiêu thụ và giảm lượng giống gieo sạ.
Ngoài ra còn có các mô hình quản lý, kiểm soát sinh vật gây hại trên lúa; sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp; ướt khô xen kẽ; tập huấn cho nông dân về quản lý, tái sử dụng phụ phẩm rơm rạ, kinh doanh, nâng cao năng lực cho HTX tham gia đề án…
Chương trình sẽ được tường thuật trực tiếp trên nền tảng điện tử của Báo Nông nghiệp Việt Nam và phát trực tiếp qua ứng dụng Zoom tại địa chỉ: https://zoom.us/j/94129318695?pwd=AHTRgpgN5t15aYoB61MWNHaVbH1Y96.1
Nguồn: nongnghiep.vn