Với chiều dài bờ biển trên 400km, trung bình hàng năm Hải Phòng chịu ảnh hưởng của 3 đến 5 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, trong đó có từ 1 đến 2 cơn bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ trực tiếp. Kéo theo đó, các sông khu vực Hải Phòng chịu ảnh hưởng của lũ thượng nguồn, mưa lớn, triều cường, sóng lớn và nước dâng do bão ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế – xã hội.
Đơn cử như cơn bão số 3 vừa qua, việc tiêu thoát nước đã được công ty thực hiện ngày đêm, hết công suất nhưng do mưa lớn, nguồn nước tiêu đi lại được bổ sung ngay lập tức nên nhiều cánh đồng ngập trắng băng, lúa và hoa màu nằm trong biển nước.
Sau bão, ảnh hưởng hoàn lưu bão, mực nước trên các sông thuộc địa bàn thành phố Hải Phòng đang ở mức cao do lũ thượng nguồn kết hợp triều cường. Trong nhiều ngày mực nước trên các sông dâng lên rất cao, nhiều nơi liên tục ở mức báo động 3. Tại trạm Chanh Chử (sông Luộc) và trạm Trung Trang (sông Văn Úc) trên báo động 3 – lũ khẩn cấp; các trạm còn lại ở mức báo động 2 và trên báo động 2.
Để ứng phó, Sở NN-PTNT Hải Phòng đã phối hợp với Ban Quản lý dự án các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn và các địa phương tổ chức kiểm tra triển khai các biện pháp an toàn đê điều, công trình thi công dở dang, rà soát quy trình vận hành, đảm bảo chủ động khi có sự cố xảy ra.
Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai được giao chỉ đạo lực lượng quản lý đê điều chuyên trách tăng cường kiểm tra hệ thống đê điều, kịp thời phát hiện, xử lý ngay các sự cố có thể xảy ra; kịp thời xuất cấp vật tư dự trữ hộ đê.
Riêng các công ty thủy lợi đã vận hành tối đa các công trình đầu mối tiêu để hạ thấp mực nước hệ thống thuỷ lợi và chuẩn bị sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống úng đối với các công trình trọng điểm, vùng úng trọng điểm. Cùng với đó, việc khơi thông dòng chảy, vớt bèo, rác, giải tỏa các đăng, đó, vật cản trên các tuyến kênh và kiểm tra, kịp thời khắc phục, xử lí hàng loạt các sự cố do công trình bị hư hỏng, rò rỉ.
Ghi nhận trước, trong và sau bão, trong suốt 10 ngày trước đó, toàn bộ cán bộ, lãnh đạo, công nhân viên các công ty thủy lợi ở Hải Phòng đều tổ chức ứng trực 24/24 để thực hiện nhiệm vụ tiêu thoát nước, phòng chống thiên tai. Tuy nhiên lo lũ thượng nguồn về với lưu lượng lớn, đúng thời điểm triều cường kết hợp với mưa to lại mất điện nên việc vận hành bằng thủ công mất thời gian.
Thêm vào đó, hệ thống cống đã xuống cấp, khó đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới khi thiên tai xảy ra với cấp độ ngày càng khốc liệt, cường độ cao hơn. Do vậy, dù các cống tiêu nước đã hoạt động hết công suất nhưng thực tế là tiêu không kịp nên tình trạng ngập úng đã xảy ra nhiều nơi gây thiệt hại nhiều diện tích hoa màu, tài sản và ô nhiễm môi trường.
Sau bão, ngoài thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, mưa lớn và lũ thượng nguồn đổ về khiến nhiều sự cố đê điều xuất hiện nhưng rất may được tổ chức xử lý khắc phục kịp thời nên chưa gây ảnh hưởng đến an toàn đê.
Cụ thể, các lực lượng chức năng ghi nhận xuất hiện 30 điểm sạt lở mái đê, thẩm lậu, tổng dài khoảng 920 mét, trong đó tại huyện Tiên Lãng có 20 điểm, chiều dài 600 mét; tại huyện An Lão có 8 điểm, chiều dài 250 mét; tại huyện Kiến Thụy có 2 điểm sạt lở nhẹ mái đê, chiều dài 70 mét.
Về sự cố kè có khoảng 100 mét kè Kim Sơn đê Tả Văn Úc, huyện Kiến Thụy bị xô sạt mái kè. Sự cố cống có 5 cống bị rò xói, hư hỏng mang cống tại huyện Tiên Lãng và huyện An Lão. Bên cạnh đó, có khoảng 1.500 mét đê bao địa bàn huyện An Dương bị tràn.
Trên thực tế, trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn khi bão số 3 đổ bộ được thành phố Hải Phòng triển khai đồng bộ, quyết liệt và kịp thời. Riêng lĩnh vực đê điều, thủy lợi, các đơn vị, tổ chức đã hoạt động hết công suất, hết tinh thần trách nhiệm và bằng tất cả những gì đang có.
Tuy vậy, những tổn thất vẫn xảy ra, trong toàn bộ thiệt hại gần 6 nghìn tỷ đồng của lĩnh vực nông nghiệp, có một phần nguyên nhân do ngập úng gây ra. Do đó, về lâu dài cần có giải pháp ứng phó với các cơn siêu bão đang mạnh hơn về cường độ và sức tàn phá ngày càng khủng khiếp như những gì vừa xảy ra.
Nguồn: nongnghiep.vn