Vắng mưa
Theo ông Nguyễn Văn Tánh, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Bình Định, tổng lượng mưa trung bình hàng năm trên địa bàn tỉnh Bình Định là 2.300mm. Đó là tính bình quân cả miền núi lẫn đồng bằng, chứ riêng miền núi tổng lượng mưa trung bình hàng năm lên đến 3.000mm, còn đồng bằng là 2.100mm.
Thế nhưng đến giờ này, tổng lượng mưa cả năm xảy ra trên địa bàn Bình Định mới chỉ đạt 1.100mm, lượng nước trữ trong các hồ chứa lớn ở Bình Định hiện mới chỉ đạt 50% dung tích thiết kế.
Ví như hồ chứa lớn nhất Bình Định là hồ Định Bình, tính đến sáng 11/11 mới chỉ đạt hơn 114 triệu/226 triệu m3, (tương đương khoảng 50% tổng dung tích thiết kế); hồ Núi Một có dung tích thiết kế 110 triệu m3, hiện chỉ mới tích được gần 32 triệu m3; hồ Đồng Mít có dung tích thiết kế gần 90 triệu m3, hiện chỉ mới đạt hơn 38 triệu m3; hồ Hội Sơn có dung tích thiết kế 44,5 triệu m3, hiện chỉ mới đạt 21,2 triệu m3; hồ Thuận Ninh có dung tích thiết kế 35,3 triệu m3, hiện chỉ mới đạt hơn 13,6 triệu m3…
Sẵn sàng đón nước, cắt lũ
Theo nhận định của ngành chức năng, nếu những ngày tới đây, trên địa bàn Bình Định có xảy ra mưa lớn thì cũng ít có nguy cơ xảy ra lũ lụt. Bởi, những hồ chứa lớn trên địa bàn Bình Định như hồ Định Bình, hồ Núi Một, hồ Đồng Mít có hồ mới chỉ tích được 50% dung tích thiết kế, còn những hồ kia mới chỉ tích được chưa đến 50%, những hồ này đang sẵn sàng đón nước, cắt lũ cho hạ du.
“Những hồ chứa có dung tích thiết kế lớn như hồ Định Bình, hồ Núi Một và hồ Đồng Mít ngoài nhiệm vụ giữ nước để cung cấp cho sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp và tạo nguồn nước ngầm phục vụ sinh hoạt, một nhiệm vụ khác còn quan trọng hơn là cắt lũ, bảo đảm an toàn cho hạ du”, ông Lê Xuân Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bình Định chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Tánh, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH KTCTTL Bình Định, ngày 9/11 vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã cho phép ngành chức năng đóng cửa đập hồ Định Bình để đón nước, bởi hồ này hiện chỉ mới tích được 50% so dung tích thiết kế.
“Hồ Định Bình có lưu vực rất lớn, đến 1.040km2, nếu tổng mưa khoảng 100mm, trừ độ thẩm thấu, bình quân mỗi km2 lưu vực sẽ có lượng nước khoảng 500.000 khối nước đổ về hồ. Khi hồ Định Bình đóng cửa tràn, với dự báo trong thời gian tới đây trên địa bàn sẽ có mưa lớn thì chẳng mấy chốc hồ sẽ đầy. Nước trên thượng nguồn đổ xuống trút hết vào hồ thì dưới hạ lưu sẽ không còn lo lũ”, ông Tánh chia sẻ.
Tuy nhiên, cũng theo ông Tánh, khi hồ Định Bình đóng cửa tràn thì ngành chức năng phải theo dõi dự báo thời tiết, có kế hoạch cân đối, điều tiết nước hợp lý, chứ để khi mưa bão lớn xảy ra mới điều tiết với lưu lượng nước lớn thì sẽ gây lụt cho phía hạ du.
“Trong thời gian này, nếu không tích nước thì hồ sẽ thiếu nước tưới cho năm sau. Nhưng nếu tích nước mà không có kế hoạch điều tiết hợp lý, khi gặp bão lũ lớn thì công trình mất an toàn và ảnh hưởng đến hạ du. Thế cho nên hiện lưu lượng nước đến hồ Định Bình là 56m3/giây thì chúng tôi điều tiết lưu lượng nước đi là 50m3/giây”, ông Nguyễn Văn Tánh chia sẻ.
Nguồn: nongnghiep.vn