Chiều 3/1, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp về tình hình sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2026, các nhiệm vụ, giải pháp năm 2025.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, năm 2024 một số nhiệm vụ theo Quyết định 360/QĐ-TTg chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, do đó năm 2025 cần tiếp tục nghiên cứu, để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là trong xác định giá trị doanh nghiệp, giá đất… để thực hiện mục tiêu đề ra.
Nhấn mạnh, cổ phần hóa để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu các bộ ngành rà soát, đánh giá kỹ lưỡng thực tế quá trình triển khai cổ phần hóa theo Nghị quyết 12-NQ/TW thời gian qua; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật, nhất là Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69) với tinh thần đổi mới.
Phó Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp tập trung đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quy trình quản trị… để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra.
Đối với việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, Ban Chỉ đạo phối hợp với các doanh nghiệp làm rõ “địa chỉ”, vướng ở đâu, ở khâu nào, cơ quan nào để có giải pháp phù hợp, hiệu quả.
Đề nghị lãnh đạo bộ ngành, địa phương chịu trách nhiệm về tiến độ xây dựng Đề án sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp, để kế hoạch sát đúng, sát hợp, Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan đại diện chủ sở hữu trong Quý I/2025 phải hoàn thành phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo Quyết định số 360/QĐ-TTg.
Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện công tác sắp xếp, cổ phần hóa, cơ cấu lại theo thẩm quyền; Ban Chỉ đạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, tiếp tục tổ chức đôn đốc, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện tại một số cơ quan, đơn vị trọng điểm.
Trước đó, đại diện các tập đoàn, tổng công ty (PVN, Viettel, VNPT, VRG, EVN, Agribank) bày tỏ đồng tình, thống nhất với nội dung và các giải pháp, kiến nghị nêu trong báo cáo của Ban Chỉ đạo; đồng thời làm rõ thêm về kết quả sản xuất, kinh doanh, tình hình sắp xếp, tái cơ cấu tại doanh nghiệp; khó khăn, vướng mắc trong việc định giá, xác định giá trị doanh nghiệp, thoái vốn…
Trên cơ sở đó, đại diện các doanh nghiệp đề xuất cơ quan có thẩm quyền có biện pháp tháo gỡ vướng mắc liên quan tới thoái vốn; hoàn thiện cơ sở pháp lý về thoái vốn các khoản đầu tại nước ngoài; quy định, hướng dẫn một số nội dung liên quan đến quản lý doanh nghiệp; chính sách thuế; đầu tư nguồn điện…
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ban Kinh tế Trung ương, lãnh đạo thành phố Hà Nội phát biểu nhấn mạnh yêu cầu nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế để nâng cao tính chủ động, chịu trách nhiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp…
Nguồn: nongnghiep.vn