Cô Tấm dâng bưởi La Tinh
Tiết mục này đặc sắc bởi kết hợp nhuần nhuyễn giữa tích cổ là hoàng tử, mẹ con Cám và tích mới là kén bưởi ngon, bưởi đẹp đi dự hội thi bưởi lần thứ hai của thành phố Hà Nội.
Sự tung tẩy giữa nhân vật phụ với nhân vật chính tạo nên tiếng cười thoải mái trên sâu khấu. Lúc nghe tin hoàng tử kén bưởi, mẹ con Cám đã cho đó chỉ là cái cớ để tìm người đẹp nên tìm đại khái, qua loa bằng cách đem dâng loại bưởi Diễn lên. Hoàng tử cùng người hầu cận ăn, dù gật gù khen ngon nhưng lại nhận xét, mùi vị cứ quen quen. Cũng phải thôi, bởi bưởi Diễn là loại bưởi gần như “quốc dân” ở miền Bắc, nhiều nơi trồng được và cái quan trọng là không phải gốc ở huyện Hoài Đức.
Trước đó, cô Tấm không tìm được loại bưởi nào để dâng lên hoàng tử liền bưng mặt khóc và ông Bụt như thường lệ lại hiện ra, hỏi: “Vì sao con khóc?”. Sau khi nghe Tấm trình bày, ông Bụt mách tìm đến với bưởi đường La Tinh – một đặc sản của xã Đông La, huyện Hoài Đức. Đúng như Bụt mách, khi Tấm dâng bưởi đường La Tinh lên, hoàng tử ăn đã nắc nỏm khen ngon, lạ và rước nàng về dinh.
Tiết mục này của đội Hoài Đức đã góp phần giúp họ giành giải Đặc biệt chung cuộc tại Hội thi bưởi lần thứ hai do Sở NN-PTNT Hà Nội tổ chức, mà trực tiếp là Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội thực hiện tại Khu đô thị Mailand Hà Nội City, xã An Khánh, huyện Hoài Đức sáng 28/12.
Phần thi của huyện Ứng Hòa cũng thu hút sự quan tâm của khán giả khi mô tả về hoàn cảnh của vợ chồng anh Phòng từ tay trắng nhờ trồng bưởi mà nên cơ nghiệp. Hỏi ra mới hay, nhân vật chính – chủ vườn bưởi tên Nghiêm Hữu Phòng ở xã Hoa Sơn – hôm nay lại vắng mặt vì mải… đi nhận cày thuê ở tận huyện khác, để em họ là Nghiêm Thị Ngọc cùng với mấy người khác tự biên tự diễn, dù vòng sơ khảo anh có tham gia.
Tiết mục văn nghệ của chị Ngọc làm tác giả kịch bản mộc mạc kể về quá trình của vợ chồng anh Phòng cách đây nhiều năm, đi tiên phong trong nhận thầu 9 mẫu ruộng lầy thụt của quê mình để làm mô hình VAC.
Anh tìm tòi, học hỏi từ sách báo, từ chuyên gia để thả cá, nuôi gà, nuôi lợn và trồng ổi. Nhưng ngặt nỗi nuôi gà, lợn thì gặp dịch bệnh phải đem chôn, nuôi cá thì gặp bão bị ra hết, trồng ổi thì không bán được. Không nản chí, anh trồng 500 gốc bưởi Diễn và cuối cùng đã thu được thành công. Trước đây, khi bưởi Diễn có giá, mỗi năm vợ chồng anh thu 400-500 triệu, xe xếp hàng bưởi không có mà bán, giờ giá thị trường hạ, bưởi của dân làng bán 5.000 đ/quả nhưng anh vẫn bán được 15.000 đ/quả, thu hơn 100 triệu đồng nhờ chất lượng vượt trội.
Nhiều đội phải nhìn vào Hoài Đức
Cuối cùng, giải tập thể ngoài giải Đặc biệt thuộc về huyện Hoài Đức, 1 giải Nhất thuộc về huyện Phúc Thọ, 2 giải Nhì thuộc về huyện Đan Phượng và Sóc Sơn, 2 giải Ba thuộc về huyện Ba Vì và Ứng Hòa, 6 giải Khuyến khích.
Giải tôn vinh các cá nhân có vườn tiêu biểu, giải Nhất thuộc về vườn Nguyễn Thị Quyền ở xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, 2 giải Nhì thuộc về Trần Thị Dần, xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Cao Văn Ngân, xã Vân Hà huyện Phúc Thọ, 3 giải Ba thuộc về Đỗ Văn Bình, xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa, Lê Hữu Diện xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ và Nguyễn Văn Lập xã Yên Bài, huyện Ba Vì và 30 giải Khuyến khích…
GS.TS Vũ Mạnh Hải – Ban giám khảo hội thi bưởi lần thứ hai của Hà Nội nhận xét: Hội thi bưởi đầu tiên của Hà Nội cách đây 5 năm đã tốt nhưng hội thi này còn có nhiều điểm vượt trội, thể hiện qua tinh thần của mọi người tham gia rất hào hứng và nhiệt tình; Điều quan trọng là thông qua hội thi lần thứ hai này thì kiến thức của người dân trồng bưởi đã nâng lên một bước rất rõ rệt. Đây chính là điều gây cho Ban giám khảo nhiều khó khăn khi chấm giải vì sự chênh lệch kiến thức giữa các đội là rất nhỏ. Họ cơ bản cập nhật được những thông tin, kỹ thuật hiện đại và có khả năng ứng dụng vào thực tế rất cao.
Giải vườn bưởi xuất sắc nhất, thuộc về một nông dân ở huyện Đan Phượng – là nơi có truyền thống canh tác bưởi và đất có độ phì tốt, phù hợp cho cây bưởi nói chung và đặc biệt là giống bưởi Diễn nói riêng sinh trưởng, phát triển. Năng suất, chất lượng của nhà vườn này rất tốt, chủ vườn nắm được các kiến thức hiện đại để chăm sóc cây.
Hội thi có 4 hợp phần, giải vườn xuất sắc nhất, giải phần thi kiến thức tốt nhất, giải trưng bày gian hàng đẹp nhất và phần trình diễn văn nghệ phụ họa. Tiết mục tự biên tự diễn của đội Hoài Đức được coi là điểm nhấn giúp đội này đoạt giải Đặc biệt. Giải Đặc biệt được xem xét, chọn lựa rất kỹ, là một điểm sáng mà các đội khác có thể nhìn vào để học tập. Năm 2018, giải Đặc biệt thuộc về huyện Đan Phượng thì năm 2023 thuộc về huyện Hoài Đức là rất xứng đáng.
Nguồn: nongnghiep.vn