Truyền thống tự lực, tự cường, vượt qua mọi thử thách
Trường Đại học Nông Lâm thành lập ngày 12/10/1956 theo Nghị định số 53/NL-QT-NĐ của Bộ Nông Lâm với 3 khoa Trồng trọt, Chăn nuôi – Thú y, Lâm học. Năm 1967, Trường được đổi tên thành Trường Đại học Nông nghiệp I; san sẻ lực lượng góp phần hình thành Trường Đại học Nông nghiệp II. Năm 1970, Trường lại san sẻ lực lượng góp phần hình thành Trường Đại học Nông nghiệp III Bắc Thái. Khi Mỹ gây chiến tranh phá hoại miền Bắc, trường xây dựng địa điểm đào tạo ở những nơi sơ tán và đưa hàng ngàn cán bộ, sinh viên lên đường chiến đấu.
Đất nước thống nhất, nhà trường cử trên 100 cán bộ, giảng viên tăng cường cho các trường cao đẳng, đại học phía Nam, Tây Nguyên và đưa hàng nghìn cán bộ, sinh viên tham gia các đoàn khảo sát, điều tra quy hoạch nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL và Tây Nguyên, làm cơ sở khoa học cho nhà nước và địa phương hoạch định chiến lược phát triển nông nghiệp.
Những năm 1986 – 1989, do điều kiện chung của xã hội, Nhà trường chưa thoát khỏi khó khăn, quy mô tuyển sinh hàng năm chỉ còn từ 250 – 300 sinh viên; một số hoạt động diễn ra cầm chừng, thụ động. Trước tình hình đó, nhà trường xác định là đơn vị không chỉ thực hiện công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học mà còn là nơi ứng dụng sản xuất các sản phẩm theo nhu cầu thị trường, tạo nên một tầng tư duy mới.
Từ năm 1996, quy mô tuyển sinh hàng năm đạt 1.500 sinh viên, với 21 chuyên ngành đào tạo. Trường đồng thời đẩy mạnh chuyển giao công nghệ; xây dựng mô hình sản xuất nông – lâm kết hợp, đa canh vùng trũng, quy trình sản xuất lúa lai 2 – 3 dòng, lợn lai 3 máu hướng nạc phục vụ xuất khẩu…
Hợp tác quốc tế có bước phát triển mới với hình thức liên kết đào tạo với nước ngoài. Hàng năm nhà trường đón và làm việc với khoảng 100 đoàn khách. Nghiên cứu khoa học tiến hành trên cơ sở quan hệ song phương giữa nhà trường với cơ sở đại học, nghiên cứu trên thế giới.
Nhà trường hướng tới đào tạo phục vụ nhu cầu xã hội, lập thêm nhiều khoa, mở thêm nhiều chương trình đào tạo, số lượng người học đạt tới 40.000 người.
Vươn lên tầm cao mới
Từ năm 2015 đến nay, Học viện vươn lên tầm cao mới, phát huy tự chủ đại học ở tầm cao, hoàn thiện thiết chế Đảng ủy – Hội đồng – Ban Giám đốc Học viện, góp phần thay đổi thể chế về Hội đồng trường trong các cơ sở giáo dục đại học.
Trong giai đoạn này, nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với Học viện: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Học viện và dự Lễ khai giảng năm học 2018-2019, nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, nhà nước về thăm Học viện.
Giai đoạn này có sự phát triển mạnh mẽ về đào tạo, số lượng tuyển sinh hàng năm đạt chỉ tiêu đề ra, quy mô đào tạo của Học viện khoảng 30.000 sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh. Học viện thành lập một số bộ môn mới, mở thêm nhiều ngành mới đáp ứng nhu cầu xã hội.
Hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) đạt được nhiều thành tựu nổi bật, nhiều nhóm nghiên cứu được thành lập và tổ chức hoạt động, nhiều sản phẩm KHCN tiềm năng được thương mại hóa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Nhiều giống vật nuôi, cây trồng mới được đưa vào thực tiễn sản xuất; hoạt động nghiên cứu vắc xin phòng ngừa các loại dịch bệnh trong chăn nuôi đạt được nhiều thành tựu quan trọng; mỗi năm có hàng trăm bài báo được công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới.
Hoạt động hợp tác quốc tế phát triển vượt bậc, Học viện đã đón tiếp lãnh đạo các quốc gia như Chủ tịch Quốc hội nước CHDCND Lào, Thống đốc các bang của Hoa Kỳ; Giám đốc Học viện tham gia Đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ ký kết nhiều bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác Hà Lan, Bỉ, Luxembourg; đoàn công tác của Chủ tịch Quốc hội ký kết với các đối tác Úc và Newzealand; dự án SAHEP – VNUA từ nguồn vốn của WB được triển khai tại Học viện góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu, đào tạo; dự án KOICA được triển khai tại Học viện.
Cơ sở vật chất kỹ thuật của Học viện phát triển mạnh mẽ ngày càng khang trang, hiện đại với 13 công trình được xây dựng mới. Học viện đã hoàn thiện các tuyến đường giao thông nội bộ; công trình Tòa nhà Trung tâm; công trình nhà xưởng nghiên cứu và hoàn thiện công nghệ, trong đó điển hình là Trung tâm Nghiên cứu xuất sắc và Đổi mới sáng tạo.
Cùng với đó, hoạt động kết nối, hợp tác với doanh nghiệp, địa phương diễn ra mạnh mẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực theo định hướng thị trường. Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực sự chuyển sang kỷ nguyên phát triển mới hòa mình vào dòng chảy lịch sử và kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Lịch sử Học viện sẽ không bao giờ quên được công lao của các thế hệ, nhất là những thế hệ đi trước. Điều quý giá hơn tất cả là các thế hệ đi trước đã để lại cho chúng ta hôm nay những giá trị tốt đẹp nhất, những nền tảng vững chắc nhất để chúng ta cùng suy nghĩ và hành động cho một ngày mai tươi đẹp hơn, để làm những điều chúng ta còn chưa làm được.
Tập thể cán bộ, viên chức, người lao động khẳng định sẽ tiếp tục “cố gắng không ngừng” hơn bao giờ hết, để đưa Học viện tiến về phía trước, để thực hiện ước mơ và khát vọng của bao thế hệ, vì mái trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam!
Nguồn: nongnghiep.vn