Không có hồ chứa, nước đổ hết ra biển
Cùng với tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận là địa phương nằm trong vùng khô hạn nhất cả nước, khí hậu phân hóa thành 2 mùa rõ rệt gồm mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.
Tuy nhiên trên thực tế, do tác động bởi điều kiện biến đổi hậu toàn cầu, trong gần một thập kỷ qua, mùa mưa tại tỉnh Bình Thuận chỉ tập trung vào 3 tháng (8, 9 và tháng 10). Mùa khô chiếm 3/4 thời gian trong năm, dẫn đến nguồn nước mặt trên sông, suối tự nhiên bị cạn kiệt và nguồn nước ngầm bị suy giảm. Đây là nguyên nhân chính gây thiếu hụt nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp trong các tháng mùa khô của tỉnh, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận về câu chuyện nguồn nước trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Phước, tài nguyên nước của tỉnh chủ yếu dựa vào nguồn nước mặt trên 7 lưu vực sông chính gồm: sông Lòng Sông, sông Lũy, sông Cái, sông Cà Ty, sông Phan, sông Dinh và sông La Ngà. Ngoài sông La Ngà chảy theo hướng Đông sang Tây rồi nhập với sông Đồng Nai thì các tuyến sông còn lại chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam rồi đổ ra Biển Đông. Do đều là các sông nhỏ, độ dốc lớn nên khi có mưa, hầu hết sẽ tập trung trong sông và đổ ra Biển Đông nếu không có công trình tích trữ.
“Trước điều kiện khí hậu khắc nghiệt và đặc thù về độ dốc các tuyến sông chính, việc đầu tư công trình thủy lợi tại Bình Thuận nói chung, đặc biệt là các hồ chứa nước thủy lợi lớn nói riêng trên các lưu vực sông chính của tỉnh có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm tích trữ nguồn nước trong mùa mưa, tránh thất thoát ra Biển Đông”, ông Phước bày tỏ.
Nước chảy đến đâu màu xanh theo đến đó
Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, đến năm 2024, toàn tỉnh có 40 hồ chứa thủy lợi các loại đang khai thác sử dụng với tổng dung tích thiết kế hơn 363 triệu m3. Đáng chú ý nhiều hồ chứa phát huy hiệu quả vượt năng lực thiết kế như Cà Giây, Sông Quao, Suối Đá, Cẩm Hang, Cà Giang, Tân lập, Tà Mon, Đu Đủ, Núi Đất.
Hồ Sông Lũy có vai trò đặc biệt quan trọng góp phần điều tiết nguồn nước trên lưu vực sông Lũy, khai thác hiệu quả nguồn nước chạy máy phát điện kết hợp cấp về hạ du của nhà máy thủy điện Đại Ninh, bổ sung nguồn nước cho các hồ Cà Giây, Sông Quao và tiếp nước vào kênh chính hồ Lòng Sông góp phần giải quyết cơ bản nhu cầu nước tưới cho hàng chục ngàn ha đất canh tác nông nghiệp, phục vụ dân sinh, công nghiệp và du lịch tại các địa phương khu vực phía Bắc tỉnh như Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và khu trung tâm của tỉnh là thành phố Phan Thiết.
Ông Nguyễn Hữu Phước khẳng định: “Những năm qua, tại Bình Thuận nhờ đầu tư các hồ thủy lợi, nhiều vùng đất từ khô cằn, sỏi đá thì đến nay đã đưa nước đến tận ruộng đồng, vườn cây ăn trái, tới từng hộ gia đình. Công trình thủy lợi dẫn nước chảy đến đâu màu xanh đi đến đó, góp phần tăng trưởng về diện tích, năng suất, sản lượng trong sản xuất nông nghiệp”.
Minh chứng cho thấy kết quả đầu tư các công trình thủy lợi, hồ chứa thủy lợi kể từ khi tái lập tỉnh đã nâng tổng diện tích gieo trồng được tưới của Bình Thuận từ 32.600ha vào năm 1992 lên hơn 139.000ha vào cuối năm 2022. Sản lượng lương thực từ hơn 180.000 tấn vào năm 1992 tăng lên 846.626 tấn vào năm 2022; sản lượng thanh long – cây trồng lợi thế của tỉnh, đạt 700.000 tấn. Ngoài ra còn giải quyết nguồn nước phục vụ sinh hoạt, giữ gìn môi trường sinh thái và phòng chống thiên tai… thay đổi đáng kể đời sống của người dân.
Cần đầu tư thêm hồ thủy lợi đa mục tiêu
Theo ông Phước, đến năm 2024, cơ sở hạ tầng thủy lợi tại Bình Thuận phục vụ tích trữ nguồn nước trong mùa mưa phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, du lịch và các ngành kinh tế khác trong các tháng mùa khô còn thiếu, những năm thời tiết khắc nghiệt, vẫn có diện tích phải ngừng sản xuất vì không thể phục vụ cấp nước.
Hiện nay tổng diện đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh hơn 320.000ha, trong khi tổng diện tích được tưới từ các hồ chứa thủy lợi chỉ khoảng 54.000ha, đạt hơn 16,48%. Do đó, tỉnh vẫn còn diện tích rất lớn chưa được tưới.
Qua tính toán sơ bộ, tổng nhu cầu sử dụng nước hàng năm của tỉnh giai đoạn từ nay đến năm 2030 khoảng 1.170 triệu m3/năm, song hiện chỉ đáp ứng được khoảng trên 300 triệu m3/năm, thiếu hụt trên 800 triệu m3/năm. Trong khi đó điều kiện khí hậu tại Bình Thuận vô cùng khắc nghiệt, thường xuyên phải chịu tác động trực tiếp từ biến đổi khí hậu gây thiếu nước, hạn hán.
Trước tình hình đó, để ứng phó với khô hạn, việc đầu tư xây dựng các hồ chứa nước lớn là rất cần thiết và cấp bách. Vì vậy, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương ưu tiên đầu tư các hồ chứa nước lớn phục vụ đa mục tiêu cho tỉnh Bình Thuận như hồ Ka Pét, hồ La Ngà 3 và các hồ chứa thủy lợi khác đã phê duyệt danh mục đầu tư tại Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
“Việc Thủ tướng Chính phủ đưa các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn, nhất là hồ La Ngà 3 được ưu tiên trong quy hoạch quốc gia, chính quyền vui mừng, người dân vô cùng phấn khởi. Bởi hồ này có vị trí đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội của các huyện phía nam tỉnh Bình Thuận và phía đông bắc tỉnh Đồng Nai.
Cụ thể, hồ này có nhiệm vụ đảm bảo cấp và tạo nguồn cấp 1,31 tỷ m3 nước tưới cho gần 100.000ha đất nông nghiệp của tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai. Cùng với đó, hồ này cấp nước 300.000 m3/ngày phục vụ sinh hoạt, công nghiệp, du lịch và dịch vụ cho tỉnh Bình Thuận; cấp 20.000m3/ngày nước sinh hoạt cho tỉnh Đồng Nai và cấp 300.000 m3/ngày cho tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Ngoài ra, hồ La Ngà 3 còn có chức năng giảm lũ cho hạ lưu sông La Ngà. Đồng thời phát điện (sau hồ) với công suất lắp máy 31,5MW và cấp nước môi trường hạ du với lưu lượng 5,5m3/s”, ông Phước chia sẻ.
Theo ông Phước, hiện hồ La Ngà 3 bị chồng lấn với quy hoạch thủy điện trong lòng hồ thủy lợi nên nhiều năm nay không thể thực hiện được. Điều này đã khiến 5 huyện phía nam của tỉnh Bình Thuận và khu vực đông bắc tỉnh Đồng Nai vẫn thiếu nguồn nước để phát triển kinh tế – xã hội.
Nguồn: nongnghiep.vn