Chiều 29/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật.
Theo Bộ Tư pháp, đến nay 22 Bộ, cơ quan ngang bộ rà soát các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) cho thấy có hơn 5.000 văn bản chịu tác động trực tiếp của việc sắp xếp tổ chức bộ máy. Trong đó, có hơn 2.800 văn bản liên quan thay đổi tên gọi của cơ quan, tổ chức, đơn vị; gần 1.900 văn bản có nội dung cần xử lý ngay và hơn 300 văn bản có nội dung cần xử lý nhưng chưa cấp thiết.
Theo Bộ Nội vụ, pháp luật về phân cấp, phân quyền, ủy quyền được quy định chủ yếu trong Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và một số luật chuyên ngành. Qua rà soát, xác định có hơn 1.000 văn bản QPPL có nội dung liên quan 2 Luật trên.
Các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị sửa đổi, bổ sung văn bản QPPL để có cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tránh khoảng trống pháp luật; bảo đảm mọi hoạt động bình thường, không bị gián đoạn khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy. Cùng với đó, sửa đổi các quy định liên quan phân cấp, phân quyền, uỷ quyền đảm bảo hệ thống luật pháp rõ ràng, tạo cơ sở pháp lý, không gian cho sáng tạo, phát triển.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng ghi nhận hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo sau 4 phiên họp, rà soát quy định pháp luật hiện hành, làm cơ sở tham mưu hoàn thiện văn bản pháp luật, trong đó có việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua 3 luật, sửa 13 luật nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, tài chính tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Thủ tướng hoan nghênh sáng kiến về ứng dụng công nghệ số, nhất là ứng dụng trí tuệ nhân tạo, cơ sở dữ liệu trong tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trong xây dựng văn bản QPPL.
Người đứng đầu Chính phủ đồng thời yêu cầu nhanh chóng ban hành các văn bản phục vụ sắp xếp tổ chức bộ máy, không để gián đoạn hoạt động trong quá trình sắp xếp. Nghiên cứu khẩn trương trình Quốc hội ban hành Nghị quyết giao Chính phủ ban hành văn bản để bao phủ được phạm vi, đối tượng nhằm bổ sung, sửa đổi các văn bản đã ban hành.
Thủ tướng cũng chỉ đạo sớm trình Chính phủ dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp để trình Quốc hội theo quy trình rút gọn.
Các Bộ, ngành trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ tiếp tục chủ động rà soát, nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung văn bản QPPL chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy, không để khoảng trống pháp lý trong quá trình triển khai các nhiệm vụ mới.
Để bảo đảm chất lượng và tính khả thi trong quá trình chuẩn bị các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết, Thủ tướng giao các Bộ, cơ quan ngang bộ chủ động, khẩn trương phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu, báo cáo Chính phủ để xem xét, quyết định trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Các Phó Thủ tướng theo dõi, chỉ đạo ngành và Bộ trưởng liên quan chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nghị định về hỗ trợ đầu tư; Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; về room tín dụng của các ngân hàng cho vay phát triển nhà ở xã hội…
Nguồn: nongnghiep.vn