Phù hợp với tiêu chí thích ứng với biến đổi khí hậu
Dựa trên những kết quả đạt được từ Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL (WB9), Bộ NN-PTNT cùng 10 tỉnh vùng ĐBSCL (ngoại trừ TP Cần Thơ, Long An và Vĩnh Long) tiếp tục chuẩn bị Dự án Chống chịu khí hậu và Chuyển đổi tổng hợp vùng ĐBSCL (MERIT – WB11).
Để triển khai, Bộ NN-PTNT và các địa phương tham gia đã xây dựng 11 đề xuất dự án.
Ngày 12/8, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã làm việc cùng đại diện một số Bộ, ngành và 10 tỉnh tham gia Dự án MERIT – WB11 để rà soát tiến độ, đảm bảo hoàn thiện các đề xuất theo lộ trình đã được hoạch định.
Đối với đề xuất dự án của Bộ NN-PTNT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 18/3/2024, tại Quyết định số 233/QĐ-TTg, tỉnh Sóc Trăng sẽ được Bộ NN-PTNT đầu tư xây dựng 2 âu thuyền gồm Bãi Xàu (huyện Mỹ Xuyên) và Đại Ngãi (huyện Long Phú).
Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đánh giá, việc đầu tư 2 công trình này sẽ góp phần giúp địa phương kiểm soát tốt xâm nhập mặn từ sông Mỹ Thanh và phía bờ nam Sông Hậu. Đồng thời kết hợp với một số công trình đã được đầu tư, sẽ giúp Sóc Trăng hoàn thiện cụm công trình kiểm soát nguồn nước, tăng cường khả năng chống chịu khí hậu và phục vụ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp.
Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang tiến hành các bước thu thập dữ liệu, nghiên cứu phục vụ lập báo cáo tiền khả thi và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 10/2024.
Đối với các đề xuất Dự án MERIT của 10 tỉnh vùng ĐBSCL, sau khi nhận được văn bản số 2091/BKHĐT-KTĐN tổng hợp ý kiến từ các bộ ngành liên quan, các địa phương đã tiến hành điều chỉnh.
Đến nay, đã có 5 tỉnh hoàn chỉnh đề xuất dự án đầu tư và trình lại theo yêu cầu gồm Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bến Tre và Cà Mau. Các địa phương còn lại đang tiếp tục cập nhật, trình lại trước ngày 15/8/2024.
Tại thông báo số 366/TB-VPCP ngày 7/8/2024 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ NN-PTNT rà soát ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường để xác định sự phù hợp của Dự án MERIT – WB11 với tiêu chí phát triển bền vững vùng ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) theo quy định và gửi Bộ Tài chính trước ngày 15/8/2024.
Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, trước đây Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xác định 4 tiêu chí thích ứng với BĐKH. Đây là căn cứ để rà soát lại các Dự án MERIT của 10 tỉnh vùng ĐBSCL.
Một là các hoạt động tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tự nhiên và xã hội; giảm thiểu tác động tiêu cực của BĐKH; tận dụng các cơ hội do BĐKH mang lại.
Thứ hai là phù hợp với chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết 120. Thứ ba là phù hợp với kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH và cuối cùng là thuộc danh mục, nhiệm vụ dự án ưu tiên của tỉnh thực hiện Nghị quyết 120.
Trên cơ sở rà soát nội dung đề xuất của các Dự án MERIT, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thống nhất và khẳng định các dự án phù hợp với tiêu chí thích ứng với BĐKH.
Đẩy nhanh tiến độ
Dự án MERIT-WB11 có tổng nguồn vốn 741 triệu USD (tương đương khoảng 17.759 tỷ đồng). Trong đó, vốn vay từ WB khoảng 545 triệu USD; vốn đối ứng 179 triệu USD và khoảng 17 triệu USD vốn viện trợ.
Trong đó, dự án của Bộ NN-PTNT có tổng mức đầu tư 274 triệu USD (tương đương gần 6.580 tỷ đồng). 10 dự án MERIT của các tỉnh vùng ĐBSCL có tổng mức đầu tư 467 triệu USD (khoảng 11.180 tỷ đồng).
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý áp dụng cơ chế tài chính ngân sách trung ương cấp phát 90% vốn vay, ngân sách các địa phương vay lại 10% vốn vay theo quy định về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.
MERIT-WB11 được đánh giá có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Dự án tập trung vào các giải pháp công trình và phi công trình nhằm tăng cường tính chống chịu khí hậu của hoạt động sản xuất nông nghiệp và cộng đồng dân cư nông thôn tại các địa phương vùng ĐBSCL.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá, WB9 là dự án thành công của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, khả năng đây sẽ là mô hình mẫu được nhân rộng ở nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Tiếp nối dự án này, MERIT-WB11 được chuẩn bị khá nhanh và được WB đánh giá cao về cách làm. Để có được kết quả này, ngoài nỗ lực của 10 tỉnh vùng ĐBSCL, các bộ ngành liên quan đã phối hợp rất chặt chẽ cùng Bộ NN-PTNT.
Để đảm bảo tiến độ dự án, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị 10 tỉnh vùng ĐBSCL trước ngày 15/8 phải có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành liên quan.
Trong đó, cần khẳng định và đánh giá lại một lần nữa các tiêu chí thích ứng với BĐKH và phát triển bền vững, đảm bảo 4 tiêu chí thích ứng của Bộ Tài nguyên và Môi trường như đã đề cập ở trên.
Đồng thời, rà soát, khẳng định lại tổng mức đầu tư và khả năng bố trí vốn đối ứng của địa phương cho dự án cũng như dư địa và mức trần vay lại đảm bảo 10%.
Đối với dự án của Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Hiệp yêu cầu Ban Quản lý Trung ương các dự án Thủy lợi tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong năm 2024. Bộ NN-PTNT phải là đơn vị đi đầu, phối hợp với các địa phương triển khai các nội dung. Đảm bảo năm 2025, dự án của Bộ NN-PTNT và 10 Dự án MERIT của các địa phương có thể ký được hiệp định như đã cam kết với WB.
Theo đề xuất dự án được Ban Quản lý Trung ương các dự án Thủy lợi, Dự án MERIT-WB11 sẽ có 3 hợp phần. Hợp phần 1 là tăng cường thể chế và các hệ thống thông tin. Hợp phần 2 đầu tư hạ tầng chống chịu khí hậu cấp vùng. Hợp phần 3 là thúc đẩy đa dạng sinh kế và kinh tế nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu.
Diện tích hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp từ Dự án MERIT-WB11 khoảng 960.000ha, với số hộ dân hưởng lợi là 920.000 hộ.
Nguồn: nongnghiep.vn