Giới thiệu về ngành trồng dâu, nuôi tằm lấy tơ, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi thông tin, đây là nghề truyền thống của Việt Nam với diện tích khoảng 13.200ha, chủ yếu ở vùng Tây Nguyên (trong đó có Lâm Đồng, chiếm khoảng 73% so với cả nước).
Ngành dâu tằm tơ là một trong những ngành quan trọng của Việt Nam, liên quan đến sinh kế của nông dân và gắn chặt với sản phẩm được xuất khẩu. Hiện cả nước có 32 tỉnh có nghề trồng dâu nuôi tằm, với hơn 38.000 hộ nông dân (khoảng hơn 101.000 nông dân) làm nghề, tính theo lao động chiếm 0,24% tổng lao động nông nghiệp. Nghề trồng dâu nuôi tằm đóng góp khoảng 2% tổng giá trị xuất khẩu.
Để ngành dâu tằm tơ phát triển, Việt Nam lựa chọn những giống dâu chất lượng cao cho sản xuất gồm giống dâu địa phương, giống mới chọn lọc của Việt Nam (tam bội hoặc lai) và giống nhập từ Trung Quốc. Giống dâu mới chọn lọc của Việt Nam cho năng suất lá từ 35-40 tấn/ha.
Với diện tích này, mỗi năm sản lượng kén tằm tăng trưởng bình quân 19,33%. Năm 2022, sản lượng kén tằm là 16.824 tấn (trong đó vùng Tây Nguyên đạt 14.796 tấn chiếm 87,94% so với cả nước, riêng Lâm Đồng đạt 14.708 tấn, chiếm 87,42% so với cả nước). Ngoài ra, giống tằm cũng quan trọng, Việt Nam có 2 giống tằm đa hệ (giống bản địa) và giống tằm lưỡng hệ (được chọn tạo).
“Mỗi năm, cần khoảng 150.000-500.000 kén trứng cho ngành dâu tằm phát triển. Sản phẩm ngành này dùng một phần xuất khẩu và một phần phục vụ thị trường trong nước”, ông Tống Xuân Chinh cho biết.
Năm 2022, giá trị xuất khẩu tơ tằm tăng lên tới 97,7 triệu USD. Phần lớn tơ thô của Việt Nam được xuất khẩu sang Ấn Độ.
Với nhiệm vụ là cơ quan tham mưu, đại diện Cục Chăn nuôi đề xuất phía Việt Nam và Uzbekistan thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực trồng dâu nuôi tằm lấy tơ và thương mại, tập trung vào các nội dung như tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; Tăng cường hợp tác thương mại giữa hai nước; Tăng cường liên doanh trong lĩnh vực dâu tằm tơ giữa hai nước theo một chuỗi khép kín từ giống, vùng trồng, sơ chế, chế biến sâu sản phẩm để tạo giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi đề xuất hai bên trao đổi nguồn gen giống tằm lưỡng hệ, đào tạo về dâu tằm tơ và thương mại sản phẩm của ngành tơ lựa.
Đánh giá cao quan hệ thương mại giữa Việt Nam – Uzbekistan, ông Rustam Kholmatov, Chủ tịch Hội đồng Cộng hòa Công đoàn Công nhân Tổ hợp Công nghiệp Nông nghiệp mong muốn đoàn làm việc có thể học hỏi kinh nghiệm từ các trung tâm nghiên cứu trong lĩnh vực dâu tằm.
Tổng sản lượng kén tươi của thế giới khoảng 850-860 triệu tấn/năm, trong đó Uzbekistan đứng thứ 3 với sản lượng 57-59 kg kén/hộp. Với sản lượng như vậy, phía Uzbekistan mong muốn có thể tiếp tục củng cố hợp tác với Việt Nam để phát triển ngành dâu tằm và công nghiệp tơ tằm bền vững hơn. Ông Rustam đề nghị có thể xúc tiến ký kết hợp tác với phía Bộ NN-PTNT trong lĩnh vực này
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, trên cơ sở đề xuất hợp tác của Uzbekistan, phía Bộ NN-PTNT sẽ giao các đơn vị đầu mối gồm Cục Chăn nuôi và Cục Thú y… nghiên cứu, trao đổi thêm với phía Uzbekistan để sớm đi đến ký kết hợp tác.
Sự phối hợp giữa hai bên trong lĩnh vực đào tạo cho ngành dâu tằm đóng vai trò quan trọng. Ngành dâu tằm có thể góp phần trong việc phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Do đó, Bộ NN-PTNT hoan nghênh việc hợp tác cho một ngành trồng dâu nuôi tằm hiệu quả và phát triển bền vững.
Nguồn: nongnghiep.vn