Thời gian qua, hoạt động của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp tại tỉnh Tiền Giang có nhiều chuyển biến tích cực. Mạng lưới các HTX nông nghiệp phát triển mạnh góp phần thu hút nông dân tham gia, tạo việc làm cho lao động nông nhàn, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa, nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên.
Nhiều hợp tác xã khá, giỏi
Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh có 275 hợp tác xã (HTX), trong đó có 196 HTX nông nghiệp với trên 46.000 thành viên và 2 chi nhánh HTX, 270 tổ hợp tác (THT) với khoảng 56.000 thành viên. Các HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực như trồng trọt (36%) và nông nghiệp tổng hợp (55,3%).
Với sự hỗ trợ của các ngành, các cấp đã có nhiều HTX nỗ lực vươn lên trở thành những gương điển hình hoạt động hiệu quả. Trong số 182 HTX nông nghiệp được đánh giá hoạt động và xếp loại thì HTX xếp loại tốt chiếm 6,1%, loại khá 62,6%, trung bình 14,3%, loại yếu 6,6%, còn lại ngưng hoạt động và mới thành lập không đánh giá. Theo ông Võ Văn Lập, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, so với năm 2020, số lượng HTX nông nghiệp xếp loại khá tăng nhiều (từ 24% tăng lên 62,6%), loại trung bình giảm.
Trên cây lúa, tiêu biểu là mô hình liên kết giữa HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Quới (1 trong 5 HTX điểm của tỉnh Tiền Giang theo Quyết định 167 của Thủ tướng) với Công ty TNHH Phước Lộc Thiên Hộ tại xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè với quy mô liên kết từ 200 – 300ha/năm với giống lúa Đài Thơm, OM18. Hay mô hình liên kết giữa HTX Dịch vụ nông nghiệp Tăng Hòa liên kết với Công ty Quy Nguyên, Công ty Hoàng Long, Công ty Mỹ Châu… với các giống ST25, Nàng Hoa 9; quy mô 400-500ha.
Trên sầu riêng có mô hình của HTX Dịch vụ nông nghiệp Hiệp Đức liên kết với Công ty TNHH Thương mại Nông sản Thiện Tâm, Công ty TNHH Nông sản Minh Thiện…đạt sản lượng khoảng 1.000 tấn/năm. Trên cây thanh long, HTX Nông nghiệp sạch Hưng Thịnh Phát liên kết tiêu thụ với Công ty cổ phần Smart Eco Farm, Công ty cổ phần Công nghiệp thực phẩm Thabico Tiền Giang… sản lượng khoảng 3.000 tấn/năm.
Ước doanh thu năm 2024 của các HTX nông nghiệp ở Tiền Giang đạt khoảng 440 tỷ đồng, bình quân 2,2 tỷ đồng/HTX. Lợi nhuận đạt khoảng 12,5 tỷ đồng, bình quân 64 triệu đồng/HTX, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với cây rau màu, có một số HTX điển hình như HTX Rau an toàn Gò Công, HTX Rau an toàn Tân Đông, HTX Rau an toàn Thạnh Hưng… ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ lâu dài ổn định từ 5-7 tấn/ngày/HTX với Saigon Co.op, Bách Hóa Xanh, BigC, các chợ đầu mối TP.HCM và các nhà hàng, bếp ăn tập thể.
Ông Nguyễn Văn Nhẫn, Giám đốc HTX Tăng Hòa (xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông) cho biết, năm 2024 doanh thu của HTX đạt khoảng 2 tỷ đồng, lợi nhuận trên 100 triệu đồng. Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và phát triển HTX ổn định.
“Chủ yếu mình làm cho người dân có lợi thì người ta theo mình thôi. HTX tích cực tìm kiếm đối tác để ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, hướng dẫn bà con sản xuất lúa sạch, ứng dụng công nghệ cao để tiết kiệm chi phí và thu mua lúa cao hơn bên ngoài 200-300 đồng/kg. Trong cung ứng vật tư, HTX bán thiếu đến cuối vụ, thu hoạch lúa mới trừ tiền. Bà con rất phấn khởi, yên tâm sản xuất nên nhiều hộ tiếp tục đăng ký trở thành thành viên của HTX. Hiện nay, HTX có 110 thành viên, dự kiến năm tới sẽ tăng thêm từ 10-15%”, ông Nhẫn nói.
Tương tự, ông Phan Văn Ngọc, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Quới cho biết: “HTX tranh thủ kết nối với các dự án để hỗ trợ cho thành viên gia tăng về mặt kỹ thuật sản xuất, giảm chi phí đầu vào, giá bán đầu ra cao hơn thương lái bên ngoài từ 100-300 đồng/kg. Vụ đông xuân này, HTX cũng thực hiện 50ha lúa trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Thành viên được hỗ trợ phân bón hữu cơ giúp giảm chi phí đầu vào”.
Tiếp tục hỗ trợ HTX phát triển
Theo ông Võ Văn Lập, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, để giúp các HTX nông nghiệp hoạt động ổn định, hiệu quả, Tiền Giang đang tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Chương trình Hỗ trợ HTX giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định 1804 ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ (cụ thể hóa tại Quyết định 2848 ngày 11/10/2022 của UBND tỉnh Tiền Giang).
Trong đó, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho HTX để nâng cao năng lực chế biến, bảo quản, đảm bảo hạ tầng logistic đồng bộ trong vùng sản xuất. Đồng thời, tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ cán bộ trẻ về làm việc ở HTX; đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp, cập nhật kiến thức, thông tin thị trường để nâng cao năng lực kinh doanh, kỹ năng quản lý cho HTX.
Một trong những giải pháp quan trọng là xây dựng mô hình HTX kiểu mới theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới. Tỉnh Tiền Giang có 5 HTX được phê duyệt tại Quyết định 3802 ngày 30/12/2021 của UBND tỉnh.
Ngành nông nghiệp sẽ định hướng xây dựng các mô hình HTX hoạt động với quy mô liên xã, liên huyện với những sản phẩm chủ lực của địa phương để mở rộng quy mô sản xuất và thành viên, khắc phục tình trạng nhỏ lẻ, hoạt động hình thức. Bên cạnh đó, phát triển các mô hình liên kết hợp tác và tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp, từ đó phát triển các sản phẩm từ các chuỗi liên kết thành sản phẩm OCOP.
Nguồn: nongnghiep.vn