Trong nền kinh tế thị trường, người nông dân ở Yên Bái nói riêng và trên cả nước nói chung phải đối mặt với không ít thách thức khi phải tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của mình. Sản xuất quy mô nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết và không có thương hiệu khiến cho người dân gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Việc thành lập các hợp tác xã (HTX) đã tạo nên chỗ dựa vững chắc, là cầu nối quan trọng để đưa sản phẩm vươn ra thị trường, xây dựng uy tín và thương hiệu cho nông sản địa phương.
Giúp người dân thay đổi cách sản xuất, nâng cao thu nhập
Vùng chè Shan tuyết Phình Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái nổi tiếng với những cây chè cổ thụ, nằm trên những dãy núi có độ cao trên 1.400m so với mực nước biển. Với sự kết tụ tinh túy của đất trời và khí hậu vùng cao Tây Bắc đã tạo cho sản phẩm chè Shan tuyết nơi đây có hương thơm dịu nhẹ, vị ngọt đậm đà. Bao đời nay, hầu hết người dân ở Phình Hồ đều trồng, chăm sóc và bảo vệ cây chè cổ thụ như một thứ tài sản quan trọng của mình. Mặc dù có tiềm năng lớn, người dân nơi đây vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là việc thiếu liên kết và hỗ trợ trong sản xuất, thu hái, tiêu thụ sản phẩm.
Nếu như trước đây, người dân Phình Hồ chỉ thu hái chè Shan tuyết một cách tự nhiên, thiếu sự chăm sóc, kỹ thuật, ảnh hưởng đến giá trị, năng suất thì nay nhờ tham gia HTX Trà Shan tuyết bà con đã thay đổi trong chăm sóc thu hái để nâng cáo chất lượng và giá trị.
Anh Sùng A Thắng, thôn Tà Chử, xã Phình Hồ chia sẻ, gia đình anh có hơn 1,5 ha chè Shan tuyết, trong đó có 0,7 ha chè cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm. Từ khi tham gia vào HTX, gia đình anh và các hộ dân khác được hướng dẫn cách thu hái chè búp theo đúng kỹ thuật, quy cách hái tùy theo từng loại sản phẩm chứ không còn hái xô như ngày trước. Bên cạnh đó, mọi người còn chú trọng việc cắt tỉa cành, chăm sóc, bón phân để cây chè cho năng suất cao hơn. Đáng mừng hơn, giá chè được HTX thu mua cao hơn từ 1,5 – 2 lần so với trước đây nên thu nhập tăng lên, từ bán chè búp tươi năm nay gia đình anh Thắng thu hơn 100 triệu đồng.
Nhiều năm qua, chè Shan tuyết ở Phình Hồ chủ yếu phát triển tự phát, nhỏ lẻ, mỗi hộ dân sản xuất một lượng chè không đồng đều. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc duy trì chất lượng sản phẩm và do thiếu liên kết trong sản xuất khiến cho việc quản lý chất lượng sản phẩm không được kiểm soát chặt chẽ dẫn đến không xây dựng được thương hiệu.
Cuối năm 2023, HTX Trà Shan tuyết Phình Hồ được thành lập với 7 thành viên và liên kết với 35 hộ dân. HTX đã lựa chọn các hộ dân thành viên để đào tạo, hướng dẫn cách chăm sóc, làm cỏ, tỉa cành, bón phân theo hướng hữu cơ. Đồng thời hướng dẫn quy cách thu hái, thời gian hái và cách bảo quản nguyên liệu theo từng loại sản phẩm chè khô.
Anh Đỗ Tuấn Lương, Giám đốc HTX cho biết, ban đầu HTX lựa chọn 20 hộ dân đề đào tạo, hướng dẫn, sau đó họ chính là người hướng dẫn, tuyên truyền các hộ dân khác về quy trình sản xuất chè. Điều quan trọng nhất để bà con làm theo và tham gia là hiệu quả kinh tế vì họ bán chè búp với giá cao hơn gấp đôi thị trường, năng suất cũng được nâng lên do cách chăm sóc và thu hái đúng cách.
Đến nay, HTX đã xây dựng được 8 sản phẩm trà, trong đó có một số loại có giá trị cao như: Bạch trà, Hồng trà, Lục trà… Các sản phẩm này được tiêu thụ rộng rãi tại các thị trường trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động địa phương với mức thu nhập từ 6 – 7 triệu đồng/tháng.
Theo ông Sùng A Rua, Chủ tịch UBND xã Phình Hồ, 90% dân số của xã là người dân tộc Mông. Kinh tế nơi đây chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp và gắn bó với cây chè Shan tuyết cổ thụ. Chính vì vậy, khi HTX đi vào hoạt động đã tạo nên những thay đổi lớn trong suy nghĩ và cách làm của nhân dân, họ đã liên kết với HTX để bán nguyên liệu với giá cao hơn và chăm sóc để nâng cao năng suất cây chè.
Tạo chuỗi liên kết, đưa sản phẩm tới thị trường lớn
HTX Lũng Lô ở xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn là một trong những HTX hoạt động hiệu quả trong việc liên kết với người dân chuyển đổi đất trồng kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu.
Nằm ở vị trí có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, đến nay HTX Lũng Lô đang duy trì 12 ha cây dược liệu các loại như hà thủ ô, đương quy, kim ngân hoa, bạch chỉ… HTX được thành lập từ cuối năm 2018 với 12 thành viên và liên kết sản xuất với 20 hộ dân. Người dân khi liên kết với HTX sẽ góp đất và tham gia lao động hưởng lương hàng tháng. Ngoài ra các thành viên còn được chia lợi tức theo lợi nhuận hàng năm.
Theo ông Sầm Văn Nưa, Phó giám đốc HTX Lũng Lô, HTX luôn theo dõi thị trường, bám sát các chủ trương, chính sách về phát triển dược liệu, trồng thử nghiệm và nhân rộng những cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu thị trường ở từng thời kỳ. Từ đó thu hút ngày càng nhiều hộ dân tham gia để tạo chuỗi liên kết sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Hiện nay, do nhu cầu của thị trường tăng lên, cần mở rộng diện tích vùng dược liệu, HTX phối hợp với chính quyền địa phương vận động người dân chuyển đổi đất trồng lúa, ngô giá trị kinh tế thấp sang trồng dược liệu. Để bao tiêu đầu ra, HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với một số doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Dược phẩm Yên Bái, Công ty cổ phần Dược liệu Ninh Hiệp, Công ty cổ phần Dược liệu Sơn Tùng… Thời gian tới, HTX tiếp tục phấn đấu xuất khẩu sản phẩm dược liệu sang thị trường nước ngoài.
Theo báo cáo của Liên minh HTX tỉnh Yên Bái, đến nay toàn tỉnh có 823 HTX, trong đó có 460 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 55,8%. Để tạo điều kiện cho các HTX phát triển, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ thành lập mới HTX, đưa lao động trẻ về làm việc tại HTX, hỗ trợ đào tạo, xúc tiến thương mại và phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh…
Ông Đỗ Nhân Đạo, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Yên Bái cho biết thêm, thời gian qua, các HTX nông nghiệp của tỉnh có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Qua đó, đã phát huy được vai trò trong việc huy động nguồn lao động, đất nông nghiệp sẵn có ở địa phương để phát triển sản xuất các sản phẩm. Bên cạnh đó, HTX tích cực tham gia tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chủ động liên doanh, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho người dân, góp phần quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo và nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân.
Nguồn: nongnghiep.vn