Tối 29/12 tại quảng trường Ngọ Môn, diễn ra lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội về thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Huế giai đoạn 2023-2025.
Dự lễ có Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, cùng các đại biểu Trung ương, địa phương và đông đảo người dân thành phố Huế.
Mở ra giai đoạn đầy triển vọng
Trao Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết: Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc Hội hội khóa 15 đã thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung trung ương với tỷ lệ đại biểu Quốc hội tán thành rất cao.
Như vậy, từ ngày 1/1/2025, cùng với Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ, Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung trung ương thứ 6 của Việt Nam.
“Đây không chỉ là niềm tự hào, ước nguyện từ lâu của các thế hệ lãnh đạo, Nhân dân thành phố Huế, mà còn mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng cho một địa phương có bề dày lịch sử, văn hóa, một vùng đất địa linh nhân kiệt”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong lịch sử dựng nước và phát triển, thành phố Huế luôn giữ một vai trò và vị thế đặc biệt quan trọng đối với dân tộc Việt Nam.
Huế là cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông Tây; một trong những trung tâm lớn về văn hoá, du lịch, giáo dục, đào tạo, y tế chuyên sâu; là một cực tăng trưởng của vùng động lực miền Trung và là nơi có vị trí trọng điểm về quốc phòng, an ninh của cả nước.
Huế cũng là vùng đất văn hiến, văn hóa đặc sắc, là nơi duy nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á có 8 di sản được UNESCO ghi danh, cũng là địa phương đầu tiên của Việt Nam có Di sản thế giới được UNESCO công nhận từ năm 1993 và trở thành thành viên chính thức của các mạng lưới di sản quốc tế.
“Đó chính là yếu tố, tiêu chuẩn đặc thù của thành phố trực thuộc thuộc Trung ương có tính chất “đô thị di sản” đầu tiên của Việt Nam”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Nhiều thách thức khi lên Trung ương
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương và thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trực thuộc không chỉ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, tiết kiệm chi cho ngân sách mà còn phát huy được tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và địa phương.
Để triển khai hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thành phố Huế có kế hoạch giải quyết những khó khăn, thách thức khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong đó tập trung thay đổi mô hình tổ chức quản lý nhà nước từ tỉnh sang thành phố trực thuộc Trung ương với mức độ đô thị hóa cao hơn; bộ máy chính quyền phải được tổ chức thống nhất, chuyên sâu, hơn, phải nâng cao tính chuyên nghiệp hơn, để vận hành thông suốt, hiệu quả, đáp ứng tốt những chức năng quản lý nhà nước.
Ưu tiên cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu; ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế; phát triển du lịch dựa trên nền tảng phát huy giá trị di sản, văn hóa; phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng phát triển đô thị, hạ tầng sản xuất và phát triển kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh.
“Đặc biệt, chú trọng thực hiện các chính sách đổi mới khoa học, công nghệ hướng tới phát triển xanh, đáp ứng mục tiêu đề ra tại các chiến lược và chương trình quốc gia về bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, sử dụng công nghệ sạch”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Huế trực thuộc Trung ương, ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế khẳng định, là vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc và truyền thống cách mạng hào hùng, trải qua biết bao thăng trầm, Huế vẫn vẹn nguyên sức sống mạnh mẽ; luôn giữ gìn, phát huy và lan tỏa những truyền thống quý báu với hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người đã được bồi đắp qua chiều dài lịch sử của vùng đất Thuận Hóa – Phú Xuân.
Huế không chỉ là niềm tự hào của người dân địa phương, mà còn là niềm tự hào của nhân dân cả nước.
Theo lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Huế bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng và phát triển với tâm thế là thành phố di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam.
“Đây là nền tảng quan trọng, tạo động lực, khí thế mới để Huế tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử và cách mạng vẻ vang, xây dựng và phát triển thành một đô thị di sản thông minh và giàu bản sắc”, ông Lưu nói.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1314/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Huế giai đoạn 2023-2025. Theo đó, quyết nghị thành lập các quận thuộc thành phố Huế (Phú Xuân và Thuận Hoá); thành lập thị xã Phong Điền thuộc thành phố Huế; sáp nhập huyện Nam Đông vào huyện Phú Lộc và thành lập huyện Phú Lộc mới.
Kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành (1/1/2025), thành phố Huế có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 4 huyện, 3 thị xã và 2 quận); 133 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 48 phường, 78 xã và 7 thị trấn).
Nguồn: nongnghiep.vn