Nhằm giúp các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, các cơ sở, chủ thể sản xuất sản phẩm nông sản, sản phẩm làng nghề tiêu thụ sản phẩm an toàn, chất lượng, đem lại giá trị, thu nhập cao, tỉnh Hưng Yên vừa ban hành Quyết định số 2837 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ nâng cao khả năng nhận diện sản phẩm, kết nối kênh tiêu thụ nông sản đặc sản chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề tỉnh Hưng Yên với cộng đồng các nhà bán lẻ giai đoạn 2021 – 2025”.

Nhãn lồng Hưng Yên. Ảnh: Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên.
Mục tiêu của Đề án đến năm 2025 phấn đấu nhận diện sản phẩm từ 20 – 25% quy mô sản lượng nông sản chủ lực, 70 – 80% quy mô sản lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên và khoảng 25 – 30% quy mô sản lượng sản phẩm làng nghề (đã công nhận) được sử dụng bao bì, nhãn mác, mã số mã vạch có hệ thống truy xuất nguồn gốc.
Đối với kênh tiêu thụ kết nối với cộng đồng các nhà bán lẻ (hệ thống các siêu thị, các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, nhà hàng…), Hưng Yên phấn đấu có khoảng 15 – 20% quy mô sản lượng nông sản chủ lực, khoảng 45 – 50% quy mô sản lượng sản phẩm OCOP (đã có chuỗi liên kết, đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên) và khoảng 25 – 30% quy mô sản lượng sản phẩm làng nghề (đã công nhận) được kết nối; 100% sản phẩm OCOP đã được chứng nhận từ 3 sao trở lên được đưa lên sàn thương mại điện tử. 100% các doanh nghiệp, HTX, làng nghề, trang trại, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình sản xuất tiêu biểu… được tập huấn kỹ năng nhận diện nông sản, thương mại điện tử, hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm với cộng đồng các nhà bán lẻ hiện đại. Phấn đấu giá trị gia tăng của sản phẩm tham gia chuỗi liên kết với cộng đồng các nhà bán lẻ, có nhận diện tăng 15 – 20% so với thị trường truyền thống.

Hưng Yên chú trọng quy hoạch vùng trồng vải lai chín sớm, vải trứng đặc sản. Ảnh: Kiên Trung.
Đề án sẽ hỗ trợ đăng ký quyền sở hữu nhãn hiệu sản phẩm, kế thừa và thiết kế đa dạng hoá kiểu dáng bao bì sản phẩm. Tỉnh yêu cầu các nhãn hiệu phải có sự sáng tạo, ấn tượng, có tính ứng dụng cao, đa dạng hoá kiểu dáng bao bì sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Đề án sẽ hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hoá và chi phí thiết lập mã số mã vạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hỗ trợ thiết kế mới hoặc thay đổi bộ nhận diện sản phẩm; tạo QRcode truy xuất nguồn gốc trên bao bì sản phẩm, kết nối website, zalo, facebook…
Ngoài ra, Đề án hỗ trợ thiết kế, xây dựng các website quảng bá sản phẩm, bán hàng trực tuyến cho từng đơn vị/ chủ thể; hỗ trợ tổ chức, tham gia các hội chợ, triển lãm, hội nghị giới thiệu, kết nối cung cầu các loại SP do các bộ, ngành TW và các tỉnh, thành phố tổ chức.
Đề án cũng sẽ tổ chức đào tạo tập huấn, bồi dưỡng, hội thảo tư vấn về kỹ năng nhận diện, kết nối các kênh tiêu thụ sản phẩm với hệ thống bán lẻ; hỗ trợ các hoạt động quảng bá, truyền thông trực tuyến.

Đề án hỗ trợ nhận diện, kết nối tiêu thụ nông sản sẽ thúc đẩy việc tiêu thụ, quảng bá nông sản Hưng Yên. Ảnh: Kiên Trung.
Ngay sau khi Đề án được phê duyệt, Sở NN-PTNT Hưng Yên đã chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương chỉ đạo tổ chức tuyên truyền về Đề án trên các phương tiện thông tin đại chúng; mở 10 hội nghị triển khai thông, 10 lớp tập huấn, bồi dưỡng nhằm tư vấn về kỹ năng nhận diện sản phẩm, kết nối các kênh tiêu thụ sản phẩm với hệ thống siêu thị, kênh bán lẻ, in ấn phẩm, tờ rơi, cataloge…
Tổ chức xây dựng các văn bản có liên quan để phục vụ cho quá trình tổ chức triển khai thực hiện Đề án, 53 chủ thể đề nghị hỗ trợ các hạng mục theo thiết kế của Đề án với 85 loại sản phẩm, trong đó có 23 sản phẩm nông sản, đặc sản, chủ lực, 59 sản phẩm OCOP và 03 sản phẩm làng nghề.
Ngoài ra, Hưng Yên cũng triển khai các chương trình hỗ trợ khác như xây dựng trang thông tin điện tử, bán hàng trực tuyến cho các đơn vị; quảng bá, truyền thông trực tuyến thông qua các trang quảng cáo xã hội; hỗ trợ quản lý nhãn hiệu sản phẩm; tổ chức các cuộc hội chợ, triển lãm, hội nghị xúc tiến thương mại nhằm giúp các nhà sản xuất gặp gỡ, ký kết hợp đồng tiêu thụ, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm…
Nguồn: nongnghiep.vn