Tuyến đường huyết mạch đi qua các xã vùng trũng của huyện Chương Mỹ (Hà Nội) nay đã nhộn nhịp trở lại, nhiều ngôi nhà thoát ngập… Người vội vã vệ sinh nhà ở, đường làng, ngõ xóm, người đưa đàn gia súc về chuồng nuôi sau nhiều ngày đi gửi.
Để không phát sinh dịch bệnh, ngay sau khi nước rút, UBND huyện Chương Mỹ đã huy động lực lượng dân quân, đoàn thanh niên đi vớt rác, thu gom, vận chuyển rác thải, tổ chức tiêu độc khử trùng các tuyến đường.
Ghi nhận tại xã Tốt Động, xã Hữu Văn, nhiều diện tích lúa và cây ăn quả của người dân đã bị mất trắng.
Tranh thủ trời nắng, bà Nguyễn Thị Công (thôn Đồng Dâu, xã Tốt Động) cùng chồng vệ sinh bể chứa nước sạch của gia đình sau 2 tuần bị ngập sâu trong nước lũ.
Dẫn chúng tôi ra thăm vườn cây gồm na, mít, chuối, bà Công với gương mặt không giấu được xót xa nói: “Vườn cây ăn quả này trước đó nước ngập đến gần 2m, một tuần nay cây cứ héo đi rồi lá chuyển màu vàng, gia đình tôi chỉ biết nhìn bất lực, không có cách gì để cứu cây”.
Trên địa bàn huyện Chương Mỹ, lúa vụ mùa trà sớm hiện đã bắt đầu phân hóa đòng, lúa đại trà đang đẻ nhánh rộ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của ngập úng, nhiều diện tích lúa đã chết, một số diện tích cây lúa đã ngưng phát triển do thối rễ.
Gia đình ông Trần Văn Hiệu ở xã Hữu Văn có 2 sào lúa bị ngập nặng. Mấy ngày nay nước đã rút, song qua kiểm tra đồng ruộng, lúa đều đã bị thối dễ, coi như vụ mùa này gia đình ông bị mất trắng.
“Chỉ trong hai tuần, bao mồ hôi công sức của vợ chồng tôi đã mất trắng, lũ về lúa ngập sâu chẳng có cách nào để cứu. Trước ra đến đồng thì còn vui, giờ làm gì còn cây lúa nào để chăm sóc nên giờ không muốn ra đồng”, ông Hiệu ngậm ngùi.
Theo thống kê sơ bộ của UBND huyện Chương Mỹ, đợt mưa lũ vừa qua đã làm ngập, ảnh hưởng 1.183ha lúa, 354ha rau màu, 243ha cây ăn quả, 1.703ha nuôi trồng thủy sản, 4.893 con gia súc và 184.912 gia cầm.
“Lúa vụ mùa tại những khu vực bị ngập nước lâu ngày gần như đã hỏng. Do không còn trong thời vụ gieo cấy lúa tốt nhất nên huyện chỉ đạo các xã, thị trấn vùng úng ngập khi lũ rút hoàn toàn sẽ vận động nông dân trồng các loại rau màu và cây vụ đông sớm như dưa chuột, cà chua, rau các loại…”, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ thông tin.
Để khôi phục sản xuất, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ – ông Nguyễn Anh Đức đề nghị các địa phương khẩn trương thống kê, kiểm đếm chính xác để báo cáo huyện hỗ trợ kịp thời cho nông dân nhanh chóng ổn định sản xuất.
Sau mưa lũ, ngành nông nghiệp thành phố Hà Nội đang tích cực phối hợp với các địa phương đôn đốc, hướng dẫn nông dân khẩn trương thực hiện các biện pháp chăm sóc các diện tích cây trồng bị ảnh hưởng.
Để khắc phục kịp thời hậu quả của mưa lũ gây ra, hoàn thành kế hoạch sản xuất vụ mùa 2024, Sở NN-PTNT Hà Nội đề nghị các địa phương chủ động tiêu cạn nước đệm trên hệ thống sông trục và kênh mương nội đồng, giữ nông mặt ruộng; huy động các lực lượng khơi thông dòng chảy trên các kênh tiêu, kiểm tra, tôn cao bờ vùng, bờ thửa, bờ kênh tiêu, bảo đảm tiêu nước nhanh gọn cho các vùng có nguy cơ ngập úng.
Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của sâu bệnh, thời gian tới, cán bộ kỹ thuật, cán bộ khuyến nông cần bám sát đồng ruộng, dự tính, dự báo sát tình hình phát sinh gây hại của các đối tượng dịch hại sau mưa bão để có biện pháp phòng trừ kịp thời.
Dự báo thời gian tới, miền Bắc khả năng còn đón thêm những đợt mưa to diện rộng. Do vậy, ngành nông nghiệp Thủ đô đề nghị các địa phương và nông dân cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động, sẵn sàng các biện pháp ứng phó với những diễn biến xấu do thời tiết và các sinh vật hại gây ra, bảo đảm năng suất các loại cây trồng.
Nguồn: nongnghiep.vn