Vươn lên từ gian khó
Là huyện được giải phóng đầu tiên trong Chiến dịch đường 14 – Phước Long nên nhiệm vụ của Đảng bộ và nhân dân, lực lượng vũ trang huyện Bù Đăng hết sức nặng nề. Vừa phải xây dựng và tạo thế liên hoàn với chiến khu Đ mở rộng, vừa củng cố, phát triển lực lượng phòng địch tái chiếm.
Sau giải phóng, toàn huyện chưa có một nhà mái ngói, nông nghiệp còn lạc hậu, độc canh phá rừng làm rẫy nên tình trạng thiếu ăn, thiếu mặc thường xuyên xảy ra. Thế nhưng sau 50 năm, diện mạo nơi đây đã đổi thay ngoạn mục.
Những ngày này, Đảng bộ, chính quyền, dân và quân huyện Bù Đăng đang thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng với những thành tựu nổi bật trên tất cả lĩnh vực, trong đó có nông thôn mới.
Về Bù Đăng hôm nay, điều chúng tôi dễ nhận thấy là diện mạo nông thôn và trung tâm huyện đã có nhiều thay đổi. Quốc lộ 14 qua địa bàn được đầu tư nâng cấp nối liền huyện với các tỉnh Tây Nguyên. Đường từ trung tâm huyện đến 16 xã, thị trấn được nhựa hóa. Đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa, không ít tuyến đường còn được gắn camera an ninh, có điện thắp sáng. Điện lưới quốc gia phủ kín các thôn…
Sóc Bom được xem là quả tim cách mạng của huyện Bù Đăng, hơn nửa thế kỷ trước, vùng đất này được bao quanh bởi rừng rậm, đặc sản là những rặng lồ ô, người đồng bào bản địa S’tiêng sinh sống rải rác dựa vào rừng trong những căn nhà sàn, nhà dài thô sơ. Đường sóc Bom Bo hôm nay đã được trải nhựa, rộng và bằng phẳng. Nhiều khu nhà mới hai bên đường, xen với những cánh rừng điều, rừng cao su vào mùa thay lá. Cuộc sống vùng cao cũng đã hối hả theo vòng quay hiện tại.
Bom Bo ngày nay đã trở thành khu bảo tồn văn hoá của người S’tiêng. Bản được quy hoạch lại và đầu tư xây dựng khang trang. Trên diện tích trên 110ha, với số tiền đầu tư hơn 200 tỷ đồng, khu bảo tồn có các nhà dài, khu làng nghề truyền thống… cùng các trường học và các công trình phúc lợi xã hội khác. Nhà văn hoá của khu có trưng bày các hiện vật quý như bộ đàn đá kỷ lục Việt Nam nặng 20 tấn, bộ cồng chiêng lớn nhất Việt Nam… Vào dịp lễ hội, tại đây, các du khách còn có dịp nghe các già làng kể chuyện, xem biểu diễn cồng chiêng và các vũ điệu của người S’tiêng; tìm hiểu các nghề thủ công dệt thổ cẩm, rèn, đan lát, chế biến rượu cần; thưởng thức các món ăn truyền thống của người Bom Bo.
Già làng Điểu Lên, người chiến sĩ cách mạng năm xưa, không ngại gian khó đấu tranh giành lại mảnh đất Bù Đăng hôm nay cho hay, ngày trước bà con sóc Bom Bo định cư trong Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo thuộc thôn 1, hay còn gọi là thôn Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng hôm nay. Trong một trận dịch trước năm 1960, sóc Bom Bo chia thành Bom Bo 1, Bom Bo 2, Bom Bo 3 ở nhiều nơi khác nhau. Đến năm 1965, đồng bào S’tiêng sóc Bom Bo 3 nghe theo bộ đội, theo Đảng, Bác Hồ đấu tranh để giải phóng buôn sóc. Bom Bo 1 và Bom Bo 2 đi vào ấp chiến lược.
“Ghi nhận công lao đóng góp của đồng bào S’tiêng sóc Bom Bo trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 2012, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Phước cho chủ trương quy hoạch, xây dựng Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo”, ông Lên chia sẻ.
Ông Trịnh Công Long, Bí thư Đảng ủy xã Bình Minh cho biết thêm, xã Bình Minh thành lập năm 2008 trên cơ sở chia tách xã Bom Bo, huyện Bù Đăng, sóc Bom Bo thuộc xã Bình Minh quản lý. Sau 16 năm thành lập, dân xã Bình Minh hiện tăng gần 11.500 hộ, trong đó 42% là đồng bào dân tộc thiểu số, riêng đồng bào S’tiêng chiếm 23%.
Thế mạnh của xã Bình Minh là cây công nghiệp như điều, cao su, cà phê và cây ăn trái. Trong những năm gần đây, người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên đã từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Từ một xã thiếu đói giáp hạt trong những năm đầu mới thành lập, đến năm 2020, Bình Minh đã về đích nông thôn mới với thu nhập bình quân hơn 55 triệu đồng/người/năm.
“Hiện toàn xã chỉ còn 26 hộ nghèo, chiếm 0,01% dân số xã. Ðặc biệt, địa phương có Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, chúng tôi rất tự hào vì các làng nghề truyền thống cũng như những giá trị văn hóa của người S’tiêng được bảo tồn và phát huy”, ông Trịnh Công Long nhấn mạnh.
Bình minh trên đất Bù Đăng
Trở lại trung tâm thị trấn Đức Phong, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Lưu, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng, cung cấp thêm những số liệu kinh tế – xã hội giúp phác họa diện mạo một Bù Đăng trên đường phát triển.
Theo ông Nguyễn Văn Lưu, dù là huyện miền núi với địa bàn rộng, hộ nghèo đông, tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao, hạ tầng cơ sở còn thiếu và yếu nhưng sau hơn 13 năm triển khai xây dựng NTM, Bù Đăng đã tạo được nhiều điểm nhấn ấn tượng, đòn bẩy thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân.
Nếu như trước đây, người dân Bù Đăng chỉ biết trồng cây lương thực, thực phẩm và chăn nuôi; sản phẩm làm ra mang tính tự cung tự cấp thì hôm nay, Bù Đăng đã chuyển mình thành vùng chuyên canh cây công nghiệp dài ngày. Trên địa bàn huyện hình thành có 24 tổ hợp tác; 37 hợp tác xã (HTX); trong đó có 35 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và 2 HTX hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp cùng 108 trang trại, trong đó, 20 trang trại chăn nuôi theo mô hình công nghiệp. Các HTX, tổ hợp tác, hộ trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện đã phát triển theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm góp phần nâng cao tiêu chí thu nhập cho địa phương.
Có thể nói, sau 50 năm thành lập và 13 năm từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Bù Đăng đã có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đáng kinh ngạc, trong đó, chính xây dựng NTM như đòn bẩy, làm đổi thay cả vùng đất này. Từ vùng đất bị bom đạn cày xới, Bù Đăng hôm này đã trở thành biểu tượng cho sự kiên cường và đổi thay.
Ông Nguyễn Văn Lưu phấn khởi chia sẻ, hiện toàn huyện Bù Đăng có 12/15 xã đạt chuẩn NTM cơ bản, 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Năm 2024, huyện phấn đấu đưa 3 xã còn lại là Nghĩa Bình, Đồng Nai và Đăng Hà về đích NTM, tuy nhiên đang gặp khó khăn trong xây dựng cơ sở hạ tầng ở xã Đồng Nai, Nghĩa Bình do vướng quy hoạch khoáng sản bô-xít.
“Những khó khăn đó nếu sớm được tháo gỡ thì phấn đấu đến cuối năm 2025 toàn huyện Bù Đăng có 15/15 xã đạt chuẩn NTM, 6/15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Từ đó sẽ từng bước hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí đưa huyện về đích NTM’’, ông Nguyễn Văn Lưu nhấn mạnh.
Là điểm cuối trên hành trình khám phá Đông Nam bộ và là cửa ngõ tiếp giáp với khu vực Tây Nguyên thông qua quốc lộ 14, với nhiều dư địa để phát triển, từ những con đường rộng mở tiếp tục được hình thành; những ngôi nhà mới, khang trang đã sáng lên ánh điện. Hình ảnh ấy cho chúng ta thấy một NTM đang trên đà phát triển, đời sống của nhân dân sung túc và phồn thịnh. Chắc chắn, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM ở huyện Bù Đăng sẽ sớm hoàn thành.
Nguồn: nongnghiep.vn