Kênh Chợ Gạo có chiều dài 28,5km từ rạch Lả đến rạch Kỳ Hôn, kết nối sông Tiền với sông Vàm Cỏ, đi qua huyện Châu Thành, tỉnh Long An và huyện Chợ Gạo, thành phố Gò Công, huyện Gò Công Tây, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
Thống kê cho thấy, mỗi ngày đêm tuyến kênh này có khoảng 1.500 phương tiện thủy có tải trọng lớn từ 200 tấn đến 1.000 tấn qua lại.
Tuy nhiên, nhiều năm qua, do ảnh hưởng bởi thiên tai đã làm kênh Chợ Gạo rộng thêm gấp 3 lần so với trước đây, một số tuyến đường dọc kênh đã không còn do các điểm sạt lở ăn sâu vào đất liền 25-30m. Đặc biệt, từ năm 2015 đến năm 2022, vàm Kỳ Hôn (xã Xuân Đông) bị sạt lở ước khoảng 0,3ha, đoạn đường giao thông nông thôn đã nhiều lần phải dời vào sâu bên trong đất liền, chiều sâu sạt lở khoảng 7m (khoảng 2m/năm). Hiện nay, khu vực này tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Qua khảo sát thực tế, tổng chiều dài sạt lở khoảng 820m; một số vị trí sạt lở đã lấn sâu vào tuyến đê.
Thời gian tới, nếu không có biện pháp xử lý sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 110 hộ dân với khoảng 397 nhân khẩu sống ven bờ kênh Chợ Gạo và ảnh hưởng gián tiếp 586 hộ với khoảng 2.344 nhân khẩu, diện tích ảnh hưởng 215ha đất nông nghiệp thuộc ấp Tân Hòa, xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo.
Theo UBND xã Xuân Đông, để chống sạt lở, địa phương đã gia cố tạm bằng cừ tràm tại các điểm xung yếu nhưng nay cừ cũng đã mục, nguy cơ tiếp tục sạt lở. Trong khi đó, kinh phí của địa phương rất hạn chế, không thể thực hiện được bờ kiên cố.
Ông Võ Văn Hạnh, người dân ấp Tân Hòa, xã Xuân Đông cho hay những năm qua, ông chứng kiến tình trạng sạt lở ở đây ngày càng nghiêm trọng. Tính riêng gia đình ông Hạnh đã có khoảng 500m2 đất bị sạt lở xuống sông.
“Mình muốn đầu tư để làm kinh tế nhưng rất lo lắng, không yên bụng vì kè cừ tràm không kiên cố, có thể bị lở bất cứ lúc nào, nên tôi cũng như nhiều hộ dân ở đây kiến nghị nhà nước quan tâm để ổn định cuộc sống”, ông Hạnh nói.
Đa số bà con nông dân ở xã Xuân Đông sống nhờ vào trồng dừa và chăn nuôi heo, tuy nhiên trước ảnh hưởng của thiên tai đã làm đời sống bà con khó khăn hơn.
Ông Nguyễn Văn Mười, Chủ tịch UBND xã Xuân Đông kiến nghị: “Ở đây bãi sông bị hẩm không thể kè bằng thủ công được mà phải làm kè lá sen theo đoạn 1 như đã làm năm 2023 thì mới đảm bảo. Thời gian qua, kè cừ tràm đã làm 3 lần rồi nhưng không hiệu quả. Nước ngập, tàu chạy qua lại sóng đánh nó bị mục. Hiện nay, đường này đã bị sóng đánh xâm thực hở hàm ếch hết rồi. Nếu không kè kịp thời, nguy cơ đoạn đê yếu sẽ vỡ, ảnh hưởng đến đời sống bà con nhân dân”.
Ngày 1/10/2024, ông Nguyễn Thành Diệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã ký công văn kiến nghị Bộ NN-PTNT xem xét trình Thủ tướng hỗ trợ địa phương thực hiện dự án bố trí ổn định dân cư khẩn cấp khu vực thiên tai ấp Tân Hòa, xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo.
Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 80 tỷ đồng từ vốn ngân sách, trong đó kinh phí đề nghị hỗ trợ từ nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 là 70 tỷ đồng.
Mục tiêu dự án nhằm tổ chức, bố trí ổn định đời sống của 586 hộ với khoảng 2.344 nhân khẩu, trong đó có 110 hộ dân nằm sát bờ sông khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai nguy hiểm ấp Tân Hòa, xã Xuân Đông.
Đồng thời, tạo hệ thống cơ sở hạ tầng, phục vụ sản xuất và cải thiện đời sống nhân dân, hạn chế lấn chiếm lòng sông, đảm bảo an toàn cho hoạt động của các cơ sở hiện có dọc theo bờ sông và giao thông đường thủy.
Nguồn: nongnghiep.vn