Chiều 13/12, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp Câu lạc bộ Doanh nhân Bến Tre tại TP.HCM tổ chức buổi tọa đàm “Nâng cao chuỗi giá trị dừa trong xu hướng xanh hóa nền kinh tế”.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, sự kiện không chỉ mang ý nghĩa khởi động Mekong Connect 2024, mà còn là hành động cụ thể, khẳng định quyết tâm thực hiện các sáng kiến xanh hóa, phát triển bền vững kinh tế vùng ĐBSCL trong thời gian tới.
Chuỗi hoạt động cũng là minh chứng khẳng định vai trò Mekong Connect trong liên kết giữa các tỉnh vùng ĐBSCL với TP.HCM và cả nước.
Theo TS Huỳnh Kỳ Trân, CEO Công ty TNHH sản xuất mỹ phẩm Lan Hảo (Thorakao), Chủ nhiệm Câu lạc bộ doanh nhân Bến Tre tại TP.HCM, với những tiềm năng và lợi thế về tài nguyên bản địa, nhiều nông sản của Bến Tre đã xây dựng được thương hiệu cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt là cây dừa.
Tuy vậy, để có thể cạnh tranh trong xu hướng xanh hóa nền kinh tế như hiện nay, thì việc nâng cao chuỗi giá trị, xây dựng các vùng nguyên liệu hữu cơ, không ngừng đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển nhiều sản phẩm mới để khai thác hết giá trị của trái dừa là yêu cầu cấp thiết. Đặc biệt, cần sự chung tay từ nhiều phía để ứng dụng công nghệ hóa, thương mại hóa cho thị trường với các sản phẩm từ dừa.
Ông Trân cho rằng, để cạnh tranh với các nước, Việt Nam cần nắm chắc lợi thế tài nguyên bản địa để đưa câu chuyện về những công dụng bổ trợ cho sức khỏe của con người và môi trường.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ doanh nhân Bến Tre tại TP.HCM nhấn mạnh thêm, trong tương lai, sẽ có những sản phẩm mới được nghiên cứu từ cây dừa mang lại giá trị vô cùng lớn. Vì vậy, việc trồng dừa hữu cơ và xanh hóa là hướng đi tất yếu để các doanh nghiệp có thể cạnh tranh được với thế giới trong bối cảnh hiện nay.
PGS.TS Lê Hoài Quốc, Phó Chủ tịch Hội tự động hóa TP.HCM, cho rằng, trồng dừa không chỉ là một hoạt động nông nghiệp mà việc khai thác, chế biến ra các sản phẩm từ cây dừa còn là một ngành công nghiệp quan trọng hỗ trợ hàng triệu sinh kế trên toàn cầu.
Cây dừa còn góp phần vào sự bền vững của môi trường như bảo tồn đất, hấp thụ carbon, mang lại hiệu quả sử dụng nước…
Với hơn 60 triệu tấn dừa được sản xuất hàng năm, ngành công nghiệp này chiếm vị trí quan trọng trong các nền kinh tế nhiệt đới. Tuy vậy, trong tương lai, ngành công nghiệp này phải thích ứng với những thách thức mới thông qua đổi mới và bền vững.
“Ứng dụng công nghệ tự động hóa trong sản xuất và chế biến các sản phẩm từ cây dừa có thể giúp tăng năng suất lên tới 20%, trong khi giảm 30% lượng nước sử dụng.
Với nhu cầu toàn cầu về các sản phẩm từ dừa, dự kiến đạt 15 tỷ USD vào năm 2025, ngành dừa buộc phải thích ứng với những thách thức về môi trường, biến đổi khí hậu và đặc biệt áp dụng các thực hành bền vững, tận dụng công nghệ để phát triển”, ông Quốc nói.
Ở góc độ chuyên gia về tiêu chuẩn, ông Nguyễn Huy, Giám đốc Công ty Intertek Việt Nam, cho rằng, để có thể xuất khẩu bền vững các sản phẩm từ dừa, các doanh nghiệp dẫn đầu cần kết nối với các HTX, nông dân, địa phương… để giải quyết hai thách thức về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Từ đó, xây dựng các mô hình phát triển bền vững, đáp ứng được các tiêu chuẩn toàn cầu.
Trong đó, ông Nguyễn Huy đặc biệt lưu ý đến các chứng nhận về tiêu chuẩn hữu cơ và thương mại công bằng (Fair Trade); chứng nhận ISO 14001 về quản lý môi trường để giảm thiểu tác động tiêu cực đến hệ sinh thái; chứng nhận ISO 22000 về đảm bảo an toàn thực phẩm trong chuỗi cung ứng.
Nguồn: nongnghiep.vn