Trang thiết bị nghiên cứu về đất còn hạn chế
PGS.TS Trần Minh Tiến, Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa ví dụ ở các tỉnh ven biển thường xuyên có bão lớn, cần tính tần suất của các cơn bão lớn để khuyến cáo không trồng các cây trồng dễ bị ảnh hưởng hay những vùng bị ngập, lụt, sương muối… cũng vậy. Nói tóm lại, sử dụng đất là bài toán vô cùng linh hoạt, các nhà khoa học đất giờ không chỉ nhìn vào các chỉ số phân tích lý, hóa, sinh trong đất mà phải kết nối nhiều yếu tố khác như giá cả thị trường, hạ tầng cơ sở, ưu tiên của địa phương, mức độ chấp nhận của người dân… để đưa ra những khuyến cáo hợp lý nhất.
Những nghiên cứu về đất của Việt Nam hiện còn chưa đáp ứng được yêu cầu về mức độ tiên tiến so với các nước phát triển trên thế giới. Nhưng nếu biết cách phân tích, sử dụng các kết quả nghiên cứu đã có, chúng ta sẽ có thể phát hiện được nhiều điều.
“Nghiên cứu của chúng tôi tuy có thể chưa tìm hết được bản chất của quá trình biến động sức khỏe của đất, nhưng việc lặp đi lặp lại, phát hiện ra biến động của một vài chỉ số thông thường cũng có thể đưa ra được khuyến cáo (như suy giảm độ chua hay hàm lượng hữu cơ đất). Nhưng rõ ràng như thế là chưa đủ bởi nếu không biết hết bản chất của đất thì nó lặp lại ở chỗ này mà không lặp lại ở chỗ khác, hơn nữa việc giải quyết sẽ không đúng trọng tâm, trọng điểm và tốn kém.
Trong khi đó, trang thiết bị của các cán bộ nghiên cứu về thổ nhưỡng của chúng ta cũng chưa thể tiếp cận với những phương pháp phân tích tiên tiến. Bởi thế, bước tiếp theo là vấn đề con người, trang thiết bị, cách tiếp cận và phương pháp phân tích mới…
Viện chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ từ nhiều nguồn, nhất là các nguồn từ hợp tác quốc tế. Như dự án sắp tới JICA của Nhật về sức khỏe đất ở vùng trồng sắn chẳng hạn. Chúng tôi có thể học phương pháp tiếp cận tiên tiến của họ. Quan điểm của tôi về khoa học đất là phải từ từ, giống như đất ấy, nếu không có khả năng hấp thụ dinh dưỡng thì đừng có bón nhiều vào mà lại trôi đi hết, lãng phí”, TS Tiến chia sẻ.
Dịch bệnh ngày càng tăng do suy thoái đất
Đất nào cây đấy nên theo ông Tiến, nói đất tốt là tốt về cái gì, phù hợp với cây gì, có thể đất tốt cho cây này nhưng lại không tốt cho cây kia. Việt Nam có khoảng 11,6 triệu ha đất canh tác, trong đó khoảng 3,9 triệu ha đất lúa. Mặc dù đất lúa có sự ổn định về chất lượng hơn rất nhiều so với đất cây trồng cạn, nhưng một số kết quả nghiên cứu cũng đã chỉ ra có sự suy thoái về chất lượng.
Sức khoẻ đất bị tác động nhiều nhất thường là đất cây trồng cạn, nơi thâm canh cao, bón nhiều phân, sử dụng lắm thuốc BVTV. Khi canh tác nhiều sẽ làm thay đổi môi trường đất, ví dụ như giảm độ chua là môi trường thích hợp cho nhiều dịch bệnh từ đất, giảm pH khiến cho dịch hại “nhảy vào”. Bên bảo vệ thực vật thì có quan điểm phải diệt dịch hại đi nhưng bên thổ nhưỡng cho rằng cần cải tạo môi trường đất trước, vì khó diệt nổi bởi môi trường đấy chỉ nuôi dưỡng chúng mà thôi.
Có dịp ông Tiến dẫn một chuyên gia người Úc vào Tây Nguyên để khảo sát đất. Khi thấy đất rất chua, chuyên gia hỏi sao ở đó nông dân không bón vôi. Cũng chả dễ tí nào bởi thứ nhất vùng đó không có vôi, thứ hai là bón bao nhiêu cho đủ bởi đất có tính đệm rất cao. Có thể bón vôi xong lấy mẫu phân tích đất đã chuyển sang tính kiềm nhưng rồi một vụ là quay lại như cũ. Ông có trao đổi với vị chuyên gia rằng mất 30 năm làm pH đất Tây Nguyên xuống 1.5 đơn vị thì có lẽ cũng mất khoảng 30 năm làm cho nó tăng lên 1.5 đơn vị, và phải thay đổi các dạng phân bón ở đó.
Suy thoái đất trồng cam gần đây cho thấy do giá cao nên nông dân đầu tư không tiếc tiền vào phân bón, thuốc trừ sâu… làm thay đổi môi trường đất và dịch bệnh trong đất diễn ra hủy hoại nhiều vùng sản xuất, rồi cà phê, hồ tiêu Tây Nguyên cũng thế. Ông đang rất lo cho cây sầu riêng vì giá đang rất cao. Bản thân người dân không phải họ không biết nhưng họ thà đẩy nhanh việc chăm bón để tranh thủ lúc được giá còn hơn giữ vài chục năm nhưng một thời gian nữa giá tụt lại chẳng bõ. Phải cố gắng tìm hiểu bản chất của vấn đề này để đưa ra các cảnh báo.
Viện Thổ nhưỡng Nông hóa có hợp tác với Nhật và họ có 19 chỉ tiêu để đánh giá chất lượng đất. Mỗi chỉ tiêu ấy lại có ngưỡng như thế này thì phù hợp và như thế này là cao, như thế này là thấp. Họ bảo cải tạo đất là phải điều chỉnh tất cả các chỉ số về ngưỡng tốt nhất. Vấn đề là Nhật đất vùng ôn đới và cây trồng khác, ở Việt Nam là đất vùng nhiệt đới, cây trồng khác, cho nên ngưỡng của các chỉ tiêu cũng có thể khác. Bởi thế Viện mong muốn xác định được các ngưỡng ấy, mà muốn xác định được thì cần phải quan tâm đến các chỉ số nào trước tùy thuộc loại đất và đặc điểm cây trồng.
Các chuyên gia Úc có nói rằng các chỉ số đánh giá sức khỏe đất nên phụ thuộc vào quy mô (quốc gia, tỉnh, huyện, xã, trang trại) và đối tượng (quản lý, sử dụng đất). Ở tầm quản lý quốc gia hay quản lý trang trại hay trực tiếp sản xuất thì các chỉ số phải khác nhau. Ông Tiến có làm chủ nhiệm, tư vấn khảo sát chất lượng đất ở các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình và Nam Định.
Ông cho biết: “Tổng thể thì chất lượng đất không dễ thay đổi như mọi người vẫn nghĩ nhưng một khi nó đã thay đổi rồi thì rất khó phục hồi. Vậy xu thế chung của nó là gì? Khi chúng tôi cộng khoảng chục nghìn mẫu lại để so sánh với trước đây thì thấy hữu cơ trong đất bị giảm đi vì người ta không dùng phân chuồng nữa và rơm rạ không vùi lại như ngày xưa nữa mà đốt.
Thứ nữa là kali và một số nguyên tố trong đất giảm bởi phù sa ít đi, chất lượng phù sa giảm và vì bón phân không cân đối, trong khi lại dùng nhiều giống mới năng suất cao nên rút đi nhiều dinh dưỡng mà sự hoàn trả không có.
Chúng tôi rất ngạc nhiên khi điều tra vùng trồng hành, tỏi ở tỉnh Hải Dương, nông dân bón lân nhiều khủng khiếp. Khi đã bón lân nhiều rồi thì phải bón đạm và nhiều thứ cao lên làm thay đổi môi trường đất, nhất là độ pH.
Một minh chứng ở Tây Nguyên là pH đất trong khoảng 30 năm nay đã thay đổi từ 5.5 xuống có chỗ dưới 3.5. Phần lớn vi khuẩn và virus độc hại lại ưa thích độ pH thấp nên sẽ phát triển thành dịch bệnh, pH thấp còn tác động đến việc ức chế giải phóng dinh dưỡng trong đất nữa.
Có hai chỉ số quan trọng trong đất cần được quan tâm là hàm lượng hữu cơ và pH. Chúng tôi phát hiện ra các dinh dưỡng bị thiếu cần phải bổ sung nhưng khuyến cáo nông dân rất khó vì cũng không dễ tìm các loại phân vi lượng trên thị trường. Bởi thế chúng tôi tư vấn cho các nhà máy phân bón để tạo ra các phân bón mới bổ sung thêm chất này, chất kia cho phù hợp”.
Sinh vật đất nói chung và giun đất nói riêng ở Việt Nam chưa có nhóm nghiên cứu sâu. Viện Thổ nhưỡng Nông hóa có một nhóm nghiên cứu do Pháp tài trợ. Đơn vị đang đánh giá sự đa dạng của các loại giun đất, các hoạt động của nó và ảnh hưởng như thế nào đến cấu trúc của đất.
Theo TS Tiến, giun đất là một chỉ thị cho sức khoẻ đất. Con giun đất có thể tạo ra từ 16 – 216 tấn phân giun cho 1ha đất. Cứ tưởng tượng nếu 1ha đất có 216 tấn phân giun thì nó sẽ tốt đến mức nào? Thế nhưng môi trường để giun sản sinh được 216 tấn phân thì vô cùng phức tạp, phải có đủ thức ăn hữu cơ. Có nhiều giun cũng chưa phải là đủ mà phải đa dạng về loài giun nữa mới tốt. (Còn nữa).
Nguồn: nongnghiep.vn