Hà Nội đã thực hiện 4 pha của một kế hoạch điều tra, đánh giá chất lượng đất, trong đó có cả phần chuyển đổi số. Nguyên nhân của việc này là khi ông Nguyễn Xuân Đại đang làm Phó Giám đốc Sở NN -PTNT Hà Nội có thăm Nhật Bản thấy người Nhật rất quan tâm đến chất lượng đất vì nó liên quan đến chất lượng nông sản và từ nông sản có ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Chính vì vậy mà khi vùng trồng bưởi Diễn của huyện Chương Mỹ cho năng suất và chất lượng quả kém, Sở NN-PTNT Hà Nội đã đặt vấn đề với Viện Thổ Nhưỡng Nông hóa rằng tại sao cùng trồng giống bưởi Diễn mà ở Chương Mỹ không được như chất lượng ở vùng Diễn.
Đứng trước câu hỏi đó, Viện đã tiến hành lấy mẫu đất phân tích ở cả hai vùng gồm đất trồng bưởi tại huyện Chương Mỹ và đất trồng bưởi tại Diễn để so sánh, đánh giá. Rõ ràng là có sự khác biệt rất lớn giữa hai vùng đó, đặc biệt là một số chỉ tiêu liên quan đến chất lượng, ví dụ như kali hay một số dinh dưỡng vi lượng (Bo, Mo) làm ảnh hưởng đến chất lượng nông sản.
Xuất phát từ đó, năm 2016, TP Hà Nội đã đặt hàng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa thực hiện nhiệm vụ đầu tiên là thí điểm phân tích chất lượng đất của 3 huyện, trong đó có Chương Mỹ, sau đó nhân rộng ra phân tích đất cả 17 huyện của Hà Nội để chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho thích hợp. Đó là pha một.
Pha hai là đánh giá thích nghi đất đai phục vụ công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng và xây dựng bản đồ nông hóa từ cấp xã để xác định lại liều lượng bón phân đối với một số cây trồng chủ lực của Thành phố. Pha ba là đánh giá dinh dưỡng trung, vi lượng cho 3 vùng sản xuất trọng điểm của Thành phố như vùng chuyên canh lúa, vùng rau an toàn, vùng cây ăn quả có giá trị cao. Khi biết được chất lượng đất đang thiếu cái gì thì bổ sung cái đó để nâng cao chất lượng nông sản. Pha tiếp theo là số hóa toàn bộ cơ sở dữ liệu và sử dụng để chỉ đạo sản xuất.
“So sánh với các số liệu phân tích trước đây thì đất Hà Nội đang gặp hai vấn đề là suy giảm hàm lượng kali – chất ảnh hưởng đến độ ngọt của nông sản. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng chủ yếu là do những vùng đất ven sông Hồng, sông Đáy xưa phù sa về nhiều, hàm lượng kali khá nhưng giờ không có. Thứ nữa là sử dụng phân bón không cân đối nên kali sụt giảm. Trước kia phân tích hàm lượng kali của đất Hà Nội từ trung bình đến khá thì giờ ở dưới mức trung bình.
Vấn đề thứ hai là sự tích tụ lân trong các loại đất, đặc biệt là các chân đất bạc màu vùng trồng màu bởi bón nhiều, canh tác liên tục đến mức lân tích tụ quá nhiều, quá giàu. Thừa lân gây ảnh hưởng đến cấu trúc đất và khi bị rửa trôi thì lân ảnh hưởng đến môi trường, đến tính chất đối kháng của một số chất khác khiến cây trồng không hấp thụ được đầy đủ các chất dinh dưỡng. Cả hai vấn đề đó chúng tôi đều khuyến cáo cho Sở NN – PTNT Hà Nội để họ đưa ra các công thức bón phân, phương pháp bón phân phù hợp”, Thạc sĩ Lê Thị Mỹ Hảo cho biết.
Cũng theo bà Hảo, hữu cơ trong đất của Hà Nội không bị suy giảm đáng kể, thậm chí có một số vùng trũng như huyện Hoài Đức, Phú Xuyên sau một thời gian vùi rơm rạ còn tăng lên so với trước. Hiện chưa có thang tiêu chí đánh giá sức khỏe đất nhưng để đánh giá tiêu chí phân cấp đất giàu, đất nghèo, đất tốt đất xấu thì tổng thể đất của Hà Nội ở mức trung bình.
Trong 17 huyện của Hà Nội thì chất lượng đất của các huyện miền núi như Chương Mỹ, Sóc Sơn kém hơn, còn các huyện ven sông Hồng, sông Đáy chất lượng tốt hơn. Năm 2020, dự án phân tích chất lượng đất của Hà Nội đã kết thúc. Căn cứ vào kết quả phân tích đất, Sở NN-PTNT Hà Nội đã có kiến nghị với Thành phố để rà soát, xác định lại diện tích canh tác của vùng lúa, vùng cây ăn quả và vùng rau. Thứ nữa là với khuyến cáo sử dụng phân bón, Sở NN-PTNT đã giao Trung tâm Khuyến nông Hà Nội làm ra quy trình để giới thiệu, khuyến cáo cho bà con.
Sức khỏe đất có liên quan mật thiết đến tình hình sâu bệnh của cây trồng. Hà Nội có đội ngũ cán bộ khuyến nông, bảo vệ thực vật khá tốt nên thường khi xuất hiện dịch hại thì dập được ngay. Hàng năm Viện Thổ nhưỡng Nông hóa vẫn kết nối với Phòng Kế hoạch của Sở NN-PTNT Hà Nội để giám sát, kiểm tra lại phần cơ sở dữ liệu hoạt động như thế nào, có phải cập nhập, bổ sung gì không và Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Nội khi cần bất cứ thông tin về chất lượng đất ở vùng nào, khuyến cáo nào thì được Viện cung cấp ngay. Mới đây, Chi cục đã phối hợp với Viện kiểm tra đất của hai vùng rau an toàn là Yên Nghĩa (Hà Đông) và Chúc Sơn (Chương Mỹ) xem có đảm bảo hay không.
Thạc sĩ Lê Thị Mỹ Hảo thông tin, Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa đã có chính sách hỗ trợ tiền để bảo vệ đất lúa với mức mỗi 1ha là 1 triệu đồng, trong đó có quy định sử dụng một phần để kiểm tra, đánh giá chất lượng đất nhưng Bộ NN-PTNT lại chưa có hướng dẫn nên nhiều tỉnh, thành dù muốn làm nhưng không biết cách phải làm như thế nào.
Ngày 11/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 112/2024/NĐ-CP quy định chi tiết về đất trồng lúa thay thế cho Nghị định 35. Theo đó tại khoản c, mục 2 Điều 15 có quy định sử dụng kinh phí hỗ trợ của nhà nước để đánh giá tính chất lý, hóa học; xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng vùng đất chuyên trồng lúa theo định kỳ 5 năm/lần, tuy nhiên vẫn chưa có hướng dẫn. Bởi thế các tỉnh, thành chưa có căn cứ để thực hiện và Bộ NN-PTNT khó có thể tổng hợp kết quả đánh giá tính chất lý, hóa học, bản đồ nông hóa thổ nhưỡng vùng đất chuyên trồng lúa của các tỉnh trên phạm vi toàn quốc theo khoản b Điều 20 của Nghị định 112. (Còn nữa).
Theo Thạc sỹ Lê Thị Mỹ Hảo, liên quan đến sự quan tâm của các địa phương về sức khỏe đất, có vấn đề hay bị nhầm lẫn do Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có chương trình làm về chất lượng đất với tỉ lệ bản đồ rất nhỏ ở cấp tỉnh để quản lý đất nhưng mọi người đều nghĩ tỉnh đã làm rồi thì thôi. Chính vì thế mà khi làm về chất lượng đất đai với tỷ lệ bản đồ lớn để phục vụ cho chỉ đạo sản xuất nông nghiệp họ sẽ không được quan tâm nữa.
Nguồn: nongnghiep.vn