Báo cáo kết quả hoạt động năm 2023 của đơn vị, ông Đỗ Văn Thành – Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi cho biết, Viện đã hoàn thành Quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 847 ngày 14/7/2023.
Đồng thời tiếp tục quy hoạch các lưu vực sông Hồng – Thái Bình, sông Cả; tư vấn hạn hán, lũ lụt tại các vùng do Viện phụ trách. Đặc biệt, trong năm 2023, Viện làm tốt công tác tính toán, tư vấn cho Bộ NN-PTNT, Cục Thủy lợi xây dựng kế hoạch điều tiết nước sản xuất vụ đông xuân hiệu quả, tiết kiệm; dự báo nguồn nước, xây dựng kế hoạch sử dụng nước; giám sát chất lượng nước; vận hành điều tiết hồ chứa;…
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi do Viện Quy hoạch Thủy lợi tham mưu xây dựng là quy hoạch quốc gia đầu tiên và duy nhất của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn được Thủ tướng phê duyệt cho đến thời điểm hiện tại. Quy hoạch này có cách tiếp cận mới, vừa tổng thể, vừa chi tiết, vừa mang tính quốc gia, vừa hỗ trợ các địa phương phát triển. Do đó, các tỉnh, thành phố đánh giá cao.
Thời gian tới, Viện cần tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ quy hoạch thủy lợi các lưu vực sông, đặc biệt là khẩn trương quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn để có cơ sở đầu tư trong trung hạn 2026 – 2030, giải quyết các vấn đề bất cập và yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương, trong đó có thành phố Đà Nẵng. Tiếp đến là quy hoạch hàng loạt các lưu vực như sông Cả, sông Mã… và quy hoạch các vùng.
Trước thực trạng tổ chức bộ máy của Viện còn cồng kềnh, chưa đồng bộ, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Viện cần nhanh chóng xây dựng và trình Bộ đề án về chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy đến năm 2030, gắn với đó là vị trí việc làm để trả lương cho cán bộ, viên chức, người lao động. Qua đó, tinh giản bộ máy, tránh chồng chéo chức năng nhiệm vụ giữa các phòng.
Bên cạnh đó, Viện cần đề xuất Bộ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ hoạt động chuyên ngành trong trung hạn 2026 – 2030. “Phải làm sao để khi nhắc đến dự báo nguồn nước người ta phải nghĩ đến Viện Quy hoạch Thủy lợi”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh và cho rằng, muốn làm được điều đó phải nâng cao chất lượng các bản tin dự báo và phương thức công bố thông tin.
Về điều tra cơ bản, Viện phải chủ động, tạo ra các sản phẩm khác biệt mới hình thành nên thương hiệu. Ví dụ, lần đầu tiên trong lịch sử mặn ở ĐBSH lên đến 8‰ ở cống Cầu Xe – An Thổ. Lần đầu tiên công tác lấy nước ngược từ sông Luộc, sông Thái Bình vào hệ thống thủy lợi rất khó khăn. Viện phải chú tâm vào vấn đề này.
Nguồn: nongnghiep.vn