Tại Hội thảo quốc tế Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo về lúa gạo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung cho biết, tác động của hiện tượng El Nino đối với sản xuất nông nghiệp và tình trạng nguồn cung gián đoạn sẽ tiếp tục gây áp lực lên hệ thống lương thực toàn cầu trong thời gian tới.
“Tình trạng này không những đẩy cuộc sống của nhiều người dân vào tình cảnh bấp bênh mà còn cản trở lộ trình hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc”, ông nói.
Theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, bên cạnh thời tiết cực đoan, hoạt động vận chuyển bị gián đoạn cũng gây áp lực lên hệ thống lương thực toàn cầu. Nông nghiệp toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức khi vừa phải đảm bảo nhu cầu lương thực, dinh dưỡng vừa chịu áp lực gia tăng dân số, mất tài nguyên, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường.
Trong đó, ứng phó và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu được coi là thách thức lớn nhất đối với ngành lúa gạo và hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu. FAO thống kê, lúa gạo là nguồn lương thực chính của hơn một nửa dân số thế giới, đảm bảo nguồn cung, phân phối gạo bền vững, giá cả phải chăng là yếu tố then chốt để duy trì ổn định chính trị – xã hội ở nhiều quốc gia.
Đồng thời, cải thiện ngành lúa gạo là giải pháp tối ưu để tăng thu nhập, sinh kế của hàng trăm triệu nông dân trồng lúa quy mô nhỏ ở Việt Nam cũng như nhiều nước trồng lúa trên thế giới. Một tương lai không còn nạn đói đòi hỏi nỗ lực tập thể, sự hợp tác của tất cả các quốc gia.
Tại Việt Nam, lúa gạo là ngành sản xuất truyền thống và quan trọng, tạo ra sinh kế cho hàng chục triệu nông dân trên cả nước.
Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sản xuất lúa gạo, góp phần quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và thế giới, và hiện giữ vững vị trí là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng cao.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, cả nước xuất khẩu 7,37 triệu tấn gạo, mang về 4,15 tỷ USD và dự kiến cả năm 2023, xuất khẩu gạo sẽ chạm mốc 8 triệu tấn và kim ngạch đạt 4,5 – 4,8 tỷ USD.
Thứ trưởng Hoàng Trung nhìn nhận, có được những thành quả như vậy là có sự đóng góp không nhỏ của khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Cụ thể, về giống lúa, các nhà chọn tạo giống Việt Nam đã đã làm chủ công nghệ và chọn tạo được bộ giống lúa rất đa dạng phù hợp cho từng vùng, từng mục tiêu cụ thể như bộ giống lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, giống lúa chịu phèn, mặn thích ứng với biến đổi khí hậu, giống lúa năng suất cao phục vụ chế biến…
Đến nay, các giống lúa do các nhà khoa học chọn tạo đã được chuyển giao và ứng dụng trên phạm vi cả nước với diện tích khoảng 6,2 triệu ha, chiếm gần 80% diện tích lúa cả nước. Hai giống lúa OM 6976 và OM5451 của PGS.TS Trần Thị Cúc Hòa và cộng sự chọn tạo là 1 trong 8 công trình được tôn vinh trong Chương trình “Vinh quang Việt Nam – Dấu ấn những công trình”.
Đây là các giống có năng suất và chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, riêng giống lúa OM5451 có thời điểm đã được gieo trồng trên diện tích gần 1.000.000 ha ở ĐBSCL; Giống lúa ST của kỹ sư nông nghiệp Hồ Quang Cua đoạt giải Gạo ngon nhất thế giới năm 2023; nhiều giống lúa mới được các nhà khoa học, các doanh nghiệp nghiên cứu, chọn tạo và chuyển giao vào sản xuất mang lại năng suất, giá trị gia tăng cao, tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Về quy trình thâm canh, các kỹ thuật tiên tiến, quy trình canh tác lúa tổng hợp đã được phát triển khá đồng bộ và ngày càng hoàn thiện.
Quy trình sử dụng phân bón cân đối, từ liều lượng và tỉ lệ, bón đúng thời kỳ và đúng cách, đúng chủng loại và phù hợp về dạng phân bón cho mỗi vùng đặc thù đã được ứng dụng, tăng hiệu quả kinh tế cho người nông dân; các kỹ thuật canh tác giảm lượng giống gieo sạ, bón phân hợp lý, áp dụng “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, sử dụng nấm đối kháng để quản lý dịch hại… cũng góp phần không nhỏ cho những kết quả hôm nay của ngành hàng lúa gạo.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu về đất, sâu bệnh, dinh dưỡng, vật tư đầu vào… đã được tích lũy, tổng hợp trong các quy trình canh tác và chuyển giao áp dụng hiệu quả trong sản xuất lúa gạo.
Về công nghệ thu hoạch, sau thu hoạch, Việt Nam đã nghiên cứu và làm chủ được các công nghệ thu hoạch, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong tất cả các khâu, để giảm tổn thất trong thu hoạch và sau thu hoạch; áp dụng hệ thống sấy hiện đại và bảo quản lúa gạo trong silo với môi trường được kiểm soát, hệ thống bảo quản thời gian dài nhưng vẫn giữ được chất lượng gạo ở mức tốt đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu.
Ngoài ra, các sản phẩm chế biến sâu, dinh dưỡng, dược mỹ phẩm từ gạo, các sản phẩm sử dụng phụ phẩm lúa gạo, mang lại giá trị gia tăng cũng được quan tâm phát triển, không những góp phần gia tăng hiệu quả sản xuất lúa mà còn góp phần giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường.
“Phải khẳng định, trong những năm qua, với sự nỗ lực cố gắng của cộng đồng các nhà khoa học, các doanh nghiệp, bà con nông dân… việc ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo Việt Nam đã góp phần làm lên lịch sử ngành hàng lúa gạo với những kết quả như ngày hôm nay”, Thứ trưởng nhận xét.
Để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục là động lực phát triển một ngành hàng lúa gạo với giá trị gia tăng cao, bền vững, phát thải thấp, Thứ trưởng kêu gọi việc tiếp tục đầu tư nghiên cứu phát triển và ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo là giải pháp tất yếu và quan trọng.
Ông coi hội thảo chiều 13/12 là sự kết nối những quốc gia cần trợ giúp với những quốc gia có khả năng hỗ trợ; những tổ chức sẵn sang chung tay, đồng hành; các nhà khoa học, doanh nghiệp cùng với bà con nông dân trồng lúa trong tư vấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, đầu tư tài chính.
Tất cả cùng chung tay vun đắp một hệ sinh thái chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo xanh, sạch, trách nhiệm và bền vững trên nền tảng tri thức mới.
Nguồn: nongnghiep.vn