3 nội dung trọng tâm
Sáng 24/12, Thứ trưởng Võ Văn Hưng dự và chủ trì hội nghị Tổng kết nhiệm vụ năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn.
Báo cáo với Thứ trưởng Võ Văn Hưng về cơ cấu, chức năng nhiệm vụ của Cục từ khi được thành lập tới nay, Cục trưởng Lê Đức Thịnh cho biết: Cục được giao chủ trì tham mưu tổ chức thực hiện 8 nhiệm vụ, 13 lĩnh vực trọng tâm về phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể, hợp tác xã, kinh tế hộ, trang trại và liên kết sản xuất; ngành nghề, làng nghề nông thôn; đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn; bố trí dân cư và di dân, tái định cư; cơ điện nông nghiệp, nông thôn; diêm nghiệp; chính sách phát triển nông thôn.
Ghi nhận những kết quả năm 2024 của Cục kinh tế hợp tác và PTNT, Thứ trưởng Võ Văn Hưng đánh giá, kinh tế hợp tác xã, kinh tế tập thể… có vai trò thúc đẩy khu vực kinh tế nông thôn. Dư địa để phát triển ngành nông nghiệp và kinh tế nông thôn còn rất lớn, tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa giải phóng hết được các nguồn lực, còn nhiều điểm nghẽn cần được tháo gỡ. Nếu có thể giải phóng được các nguồn lực này, chắc chắn nông nghiệp nói chung, khu vực kinh tế nông thôn nói riêng sẽ phát triển mạnh. Nhiệm vụ của Cục là khơi thông những tiềm lực đó và thúc đẩy liên kết trong các chuỗi sản xuất.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT yêu cầu toàn thể lãnh đạo, cán bộ của Cục chú trọng vào 3 nội dung chính ở thời điểm sắp tới:
Thứ nhất, vai trò nguồn nhân lực của Cục Kinh tế hợp tác và PTNT trong thực thi nhiệm vụ lĩnh vực được giao. Với 45 con người trong Cục không thể ai làm thay ai, mỗi người cần sử dụng kinh nghiệm, kiến thức thực tiễn để kiến tạo môi trường phát triển, làm như thế nào để giải phóng và tạo động lực để phát triển kinh tế khu vực nông thôn.
Thứ hai, phải lắng nghe các cơ quan, đơn vị, đối tác… nhận định như thế nào về đơn vị mình, họ mong muốn và cần họ cần những gì, nhất là trong thời gian tới đây, việc sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy, phân định lại chức năng nhiệm vụ, cái gì là trọng tâm.
Thứ ba, người dân mong đợi mong đợi gì từ Cục. Cục có nhiệm vụ tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm để tham mưu cho Bộ quản lý tốt hơn.
Đồng thời, Thứ trưởng Võ Văn Hưng yêu cầu mỗi đơn vị trong Cục phải tự tìm ra điểm mấu chốt, vướng mắc trong quản lý của đơn vị mình để từ đó có giải pháp tháo gỡ; phân vai, phân việc rõ ràng, đổi mới để tăng hiệu quả trong công tác quản lý…
Báo cáo với Thứ trưởng, Cục trưởng Lê Đức Thịnh cho biết, trong 8 lĩnh vực quản lý, 13 nhóm nhiệm vụ trọng tâm có 3 lĩnh vực đặc biệt được quan tâm. Đầu tiên là tổ chức sản xuất, sắp xếp HTX và liên kết các chuỗi giá trị; thứ hai, là ngành nghề nông thôn, đào tạo nghề – tiềm năng lớn để phát triển khu vực kinh tế nông thôn; thứ ba, là chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh tế tập thể.
Phải có phương pháp trước khi triển khai thực hiện nhiệm vụ
Ông Hồ Phi Tuấn – Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng cơ điện nông nghiệp (Cục Kinh tế hợp tác và PTNT) – cho biết: Hiện nay đã kết nối các doanh nghiệp với người sản xuất, đã có nhiều doanh nghiệp hỗ trợ các HTX thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa tại ĐBSCL; hoàn thiện 2 quy chuẩn an toàn kỹ thuật đối với máy gặt đập liên hợp; xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị định về cơ giới hóa trình xin ý kiến Chính phủ vào tháng 11/2024; xây dựng Đề án đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ, toàn diện nhằm thúc đẩy cơ giới hóa tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là các lĩnh vực nông nghiệp trọng tâm.
Ngoài ra, đã tham mưu lãnh đạo Cục ban hành quy chế quản lý các máy móc có nguy cơ gây mất an toàn lao động (12 loại máy có nguy cơ mất an toàn), 3/12 loại máy đã được đưa vào trong danh mục, 9 loại máy đang tiếp tục rà soát; thêm các quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với các loại máy móc…
Ông Tuấn cũng thừa nhận, điểm nghẽn hiện nay là gần như 100% cán bộ công chức của Phòng cơ điện nông nghiệp không được đào tạo về cơ khí nông nghiệp, duy nhất có 1 cán bộ chi cục được đào tạo về cơ khí nông nghiệp và mong muốn tới đây sẽ có định hướng đào tạo về cơ khí hóa, cơ giới hóa nông nghiệp cho cán bộ quản lý.
Về nội dung này, Thứ trưởng Võ Văn Hưng phát biểu: người nông dân nước ta rất thông minh, đã tự ứng dụng, cơ giới hóa trong sản xuất và tự sáng tạo ra nhiều máy móc, thiết bị trong sản xuất nông nghiệp, cải tiến, đổi mới các công cụ sản xuất.
“Nhưng vì sao đến nay vẫn chưa huy động được các nguồn lực để tham gia phát triển cơ giới hóa nông nghiệp?”, Thứ trưởng Võ Văn Hưng nêu vấn đề và gợi mở:
“Cần có các mô hình để cụ thể hóa cách thức, cơ chế, thể chế thực hiện. Sản xuất nông nghiệp đã được cơ giới hóa ở các công đoạn, vì sao câu chuyện khơi thông nguồn lực vẫn bị nghẽn, nếu khó thì chỉ khó một số vùng hẻo lánh vùng sâu vùng xa. Chúng ta làm công tác quản lý cần nhìn ra những điều này để có giải pháp thúc đẩy cơ giới hóa. Cơ chế cần phù hợp. Máy móc đó phải trở thành công cụ của người nông dân, và họ tự giác mua, thấy cần thiết sẽ chủ động mua. Cục cần rà soát lại tất cả các văn bản từ các luật cho tới các nghị định, thông tư… để có một cách quản lý sâu hơn, sát hơn, hiệu quả hơn”.
Lấy nội dung HTX làm ví dụ để các đại biểu tham dự Hội nghị cùng thảo luận, lãnh đạo Bộ NN-PTNT nói: Kinh tế HTX có vai trò rất quan trọng, nhưng vì sao HTX của chúng ta lại chưa phát triển, nó vướng ở chỗ nào? Nếu như cởi trói chưa hết thì phải có giải pháp để cởi trói cho bằng hết. Nếu cởi trói được thể chế thì sẽ huy động, khơi thông được các nguồn lực.
Trả lời câu hỏi của Thứ trưởng, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Hoàng Vũ Quang cho biết: Luật HTX đã được sửa nhưng chưa tạo động lực cho xã viên để họ có động lực phát triển. Vướng mắc ở chỗ, quyền đối với tài sản đóng góp của các xã viên trong HTX còn mập mờ, không được thừa nhận là tài sản thế chấp khi vay vốn… Do đó, nhiều thành viên của HTX phải tự thành lập các công ty riêng để có pháp nhân khi thực hiện các nhu cầu vay vốn, thế chấp tài sản…
Thứ hai, môi trường cạnh tranh của HTX yếu hơn so với các DN dù bây giờ các HTX đang phải cạnh tranh với các DN. Luật cho phép HTX kinh doanh như doanh nghiệp nhưng các yếu tố như năng lực của người lãnh đạo, vốn, chuỗi sản xuất… của HTX đều yếu kém hơn so với DN.
“Tôi hỏi các HTX ở địa phương, vì sao có đầy đủ điều kiện đất đai, dư địa sản xuất, môi trường sản xuất mà vẫn chưa có hiệu quả tương xứng? Mấu chốt ở lĩnh vực HTX, đó là quyền được quyết định tổ chức sản xuất là không có; tính tổ chức trong các HTX; niềm tin của các thành viên trong HTX là chưa cao. Tới đây, cần phải trao quyền cho người điều hành, quản lý các HTX”, Thứ trưởng Võ Văn Hưng nói.
Phát biểu tổng kết Hội nghị, Thứ trưởng Võ Văn Hưng biểu dương, đánh giá cao vai trò của Cục trong những nỗ lực chung của ngành nông nghiệp thời gian qua; đề nghị các đơn vị trực thuộc Cục hãy suy nghĩ phương pháp, cách thức làm trước khi bắt tay thực hiện các nhiệm vụ.
Thứ trưởng cũng “đặt hàng” mỗi đơn vị chỉ ra được những mấu chốt cơ bản nhất của đơn vị mình, đồng thời hiến kế các giải pháp, sáng kiến triển khai thực hiện nhiệm vụ thời gian tới.
Nguồn: nongnghiep.vn